Chuyện anh Mộc xã Nguyên Giáp

Ngày 5-12-2008, bài viết “Dù chết không đổi tên quê” của tôi được đăng trên Báo Quân đội nhân dân kể về anh Trần Huy Mộc, quê ở xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), chiến sĩ Phòng Hậu cần của Mặt trận Quảng Đà. Anh bị địch bắt ngày 27-11-1969 khi đang làm nhiệm vụ. Viên sĩ quan Mỹ tra hỏi quê anh, anh trả lời: “Tao ở Nguyên Giáp!”. Viên sĩ quan cho rằng anh mang danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra để dọa hắn nên hắn hằn học nói: “Mày còn lấy Võ Nguyên Giáp dọa tao thì tao sẽ mổ bụng mày”. Rồi viên sĩ quan Mỹ hỏi lại anh: “Quê mày ở đâu?”. Anh vẫn nói rành rẽ: “Quê tao là Nguyên Giáp!”. Thằng Mỹ tím mặt, lấy dao nhọn rạch một vệt dài 17cm, vào sâu đứt hết phần cơ bụng dọc phía trên rốn anh...

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Bông và con cháu tâm nguyện sống tử tế để không phụ lòng Đại tướng. 

Những người lính ngụy ở đó, có thể do cảm phục tinh thần yêu nước và sự trung thành của anh đối với Đại tướng mà họ đã đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, địch giam anh ở nhà lao, đến tháng 3-1973 thì trả anh về cho ta... Hòa bình, thương binh hạng 4/4 Trần Huy Mộc phục viên. Ngày 29-12-2011, ông qua đời tại quê nhà, xã Nguyên Giáp.

Những tưởng câu chuyện ấy, sau khi đến với bạn đọc thì sẽ nằm trong kho lưu trữ cùng với tờ báo lưu. Không ngờ, cuối năm 2017, tôi nhận được cuộc gọi của anh Trần Huy Hương-con trai cả ông Mộc. Hương mời tôi về thăm gia đình và để biết một điều đặc biệt...

Chuyện là, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đọc bài báo nói trên đã rất quan tâm đến thương binh Trần Huy Mộc. Ngày 8-12-2008, Đại tướng ký tặng ông Mộc cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”. Vào dịp Tết, Đại tướng gửi thiệp chúc Tết. Những món quà này đã được người nhà của Đại tướng chuyển trực tiếp đến gia đình ông Mộc. Bà Nguyễn Thị Bông-vợ ông Mộc ngồi giữa các con cháu đều khôi ngô, ngoan ngoãn, bà xúc động nói với chúng tôi: “Đại tướng bận rất nhiều việc, vậy mà vẫn dành cho người dân như chúng tôi những tình cảm thật là vô giá. Gia đình tôi đã trao truyền câu chuyện và niềm vinh dự này, để mỗi người đều sống tử tế, không phụ lòng Đại tướng".

Báo cáo thắng lợi

Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ khoảng giữa tháng 4-1984, Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn vở “Bài ca Điện Biên” dài 140 phút tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn huy động tới gần 300 người, diễn suốt 20 đêm. Chúng tôi-khi ấy là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội-được Bộ Văn hóa huy động vào vai quần chúng nhưng ai cũng hãnh diện.

Diễn được khoảng 10 đêm thì Đại tướng và phu nhân đến xem. Hôm ấy, khi Đại tướng đi vào nhà hát, tôi nghĩ ngay, đây là cơ hội để mình có thể đứng gần và ngắm Đại tướng. Thế là tôi và anh Lâm Văn Năm-bạn cùng lớp-nghĩ ra một cách. Xong phần diễn được giao, chúng tôi cứ giữ nguyên trang phục dân công tiếp vận Điện Biên (để không bị ai ngăn cản), cố ra vẻ đàng hoàng đi thẳng vào ngồi ở khu vực dành cho Đại tướng và phu nhân, mắt chăm chú nhìn Đại tướng. Người cán bộ bảo vệ thoáng chút bất ngờ, đã vội bắt chúng tôi đứng dậy đi ra ngoài. Ai ngờ, Đại tướng nhẹ nhàng nói với anh ấy: “Cứ để hai đồng chí dân công ngồi đây! Anh em ta cả mà!”. Tôi bỗng nóng ran người, nghĩ ra câu “cảm ơn thủ trưởng”, mà không thể nào nói nên lời! 

Một điều thú vị là đến cảnh cuối của vở kịch thể hiện chiến dịch toàn thắng, đèn bật sáng trưng nhà hát. Trên sân khấu, nghệ sĩ Đoàn Dũng trong vai Chính ủy mặt trận, đứng nghiêm, hướng về phía Đại tướng và phu nhân, giơ tay chào đúng điều lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, giọng vang lên dõng dạc: "Báo cáo đồng chí Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp! Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng De Castries đã bị quân ta bắt sống, hiện đang ở trước mặt chúng tôi...". Cảnh diễn như đời thực.

Dưới khán phòng, Đại tướng đứng lên, mỉm cười rồi đưa tay vẫy nhẹ. Người Chính ủy mặt trận trên sân khấu lặng người, rưng rưng. Ông khóc. Toàn bộ khán giả chật kín các tầng nhà hát cùng với mấy trăm diễn viên vỗ tay vang rền rồi cùng ào tới vây quanh Đại tướng. Chúng tôi đứng gần nhất, được ông bắt tay đầu tiên với ánh mắt vô cùng hiền từ, trìu mến và bàn tay ấm áp!

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG