QĐND - Trước khi cùng đồng đội bước vào cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, Trung tướng - Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vị tướng trận mạc kể rằng, trong những năm chiến đấu ở Mặt trận Tây Nam và chiến trường nước bạn, không ít lần ông đã rơi lệ khi chứng kiến cảnh người dân vô tội bị tàn sát, cảnh những đồng đội gầy yếu vừa ra khỏi cuộc chiến trường kỳ đã chịu thiếu ăn, thiếu mặc và lao vào cuộc chiến truy quét đội quân diệt chủng Pôn-pốt…
Cho đến nay, có một cảnh tượng cứ ám ảnh tâm trí ông, đó là thời điểm cuối tháng 10-1977, khi Thượng tá, Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3 Khuất Duy Tiến nhận nhiệm vụ đi cùng Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền tới thị sát tình hình tại khu vực cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh). “Khoảng 2 giờ chiều 24-10-1977, chúng tôi đến một ngôi làng giáp biên giới nước bạn Cam-pu-chia và chứng kiến tại đây một cảnh tượng tang thương: Có tới gần 200 thi thể người dân nước mình bị quân Pôn-pốt giết hại bằng những thủ đoạn dã man, tàn khốc. Cả tôi và anh Lê Ngọc Hiền cùng không cầm nổi nước mắt, bởi là những người đã trải qua chiến tranh, từng chứng kiến anh em, đồng đội phải chịu nhiều thương vong, nhưng chưa khi nào chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng hàng trăm dân lành bị giết hại, trong đó chủ yếu là người già, trẻ em và phụ nữ”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.
 |
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến. Ảnh:Trung Nguyên.
|
Khi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tiến sâu vào đất Cam-pu-chia giúp người dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, ông Khuất Duy Tiến và đồng đội lại thêm nhiều lần rơi lệ khi chứng kiến cảnh người dân bị bọn Pôn-pốt khống chế, cưỡng bức và sát hại. Họ bị Khơ-me đỏ chia làm 3 loại: Dân loại một được phép ăn cơm, loại hai chỉ được tiêu chuẩn vài bữa cơm mỗi tuần và được quản lý lỏng lẻo hơn, riêng thành phần trí thức, sư sãi và những người mà chúng coi như dân loại ba, phải chịu cảnh lao động khổ sai và chỉ được phép ăn cháo. Chính quyền Khơ-me đỏ còn thực thi một chính sách quản lý rất kỳ quặc, cả phum có mấy chục nóc nhà thì chỉ có duy nhất một bếp ăn chung, đến bữa gõ kẻng cả phum tới ăn, mọi tài sản của người dân đều của Ăng-ca, thậm chí con gà đẻ ra quả trứng cũng không được ăn, phải báo cáo Ăng-ca vì đó là tài sản của tập thể… Có nữ cán bộ một khu của Khơ me đỏ sau khi bị ta bắt có khai ra việc chị ta đã kịp lên danh sách sẽ giết 1.800 người, nhưng trước khi bộ đội Việt Nam sang, chị ta khai rằng “mới chỉ kịp giết 800 người”. Bộ đội ta cũng gặp không ít trường hợp trẻ em chừng 14-15 tuổi bị Khơ me đỏ nhồi sọ, chống trả rất ngông cuồng quân tình nguyện Việt Nam. “Khi bị bắt, những cậu bé còn đang tuổi thiếu niên ấy đã bình thản kể lại những kiểu tàn sát đồng bào họ như những kiểu hành hình thời trung cổ, nhưng khi được bộ đội Việt Nam tuyên truyền, giác ngộ thì họ lại tỏ ra ân hận và hăng hái dẫn đường cho quân ta truy kích, tiêu diệt địch”, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.
Đầu tháng 2-1978, ông Khuất Duy Tiến được cấp trên bổ nhiệm là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Hai tháng sau, khi đang học ở Học viện Cao cấp, ông lại nhận điện trở về Quân đoàn nhận bàn giao Sư đoàn 320 từ Sư đoàn trưởng Đoàn Hồng Sơn. Trong ký ức về những ngày gian khổ trên đất bạn, Trung tướng Khuất Duy Tiến còn nhớ mãi tình đồng đội trong những giờ phút khó khăn. Đó là hôm Tiểu đoàn 9 của Tiểu đoàn trưởng Khuất Duy Hoan (sau này là Phó tư lệnh Quân đoàn 3) đánh địch ở Phum Sâm. “Khi tiểu đoàn bị địch vây chặt, Hoan gọi điện cho tôi, bảo: “Em tìm mọi cách để ra mà chưa được”. Tôi bảo “Cứ yên trí, tôi sẽ tìm cách để mở vòng vây”. Tôi chỉ thị đưa 2 tiểu đoàn lên để giải vây cho Hoan. Trong lúc chờ quân ta tới thì địch tiếp tục siết chặt vòng vây. Hoan lại bảo tôi: “Anh cứ cho pháo bắn thẳng vào chỗ em!”. Không còn cách nào khác, tôi liền báo cáo quân đoàn cho bắn pháo chụp vào vị trí Tiểu đoàn 9 trước khi đồng đội kịp tới giải vây”.
Lần khác, trong lúc làm nhiệm vụ thọc sâu, một phân đội bị địch vây chặt, biết tình thế nguy nan nên anh em đã điện cho Sư đoàn trưởng: “Địch vây rát lắm thủ trưởng ạ, chúng em không chắc gì ra được, nhưng bọn em không hàng đâu, vĩnh biệt thủ trưởng nhé!”. Nghe những câu nói quyết tâm ấy, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chỉ còn biết động viên đồng đội tiếp tục chờ đợi, trong khi nước mắt ông cứ ứa ra vì thương đồng đội…
BÙI VŨ MINH