Lúc đó rất hiếm nữ sinh đi học nước ngoài. Khi tàu dừng ở vùng Siberia, cả nhóm chúng tôi xuống tàu, đang vui vẻ, thích thú quan sát xung quanh thì gặp đoàn chiến sĩ Hồng quân đi ngang qua. Chúng tôi chưa kịp chào bằng tiếng Nga thì họ đã đến ôm hôn chúng tôi và nói: “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ”. Bị bất ngờ và có phần hoảng sợ, chúng tôi chạy lên tàu!

Đó cũng là giây phút đầu tiên đặt chân lên đất nước Nga. Chúng tôi tập trung tại Đại sứ quán Việt Nam để nghe quyết định về các trường đại học. Tôi và những sinh viên Việt Nam đến từ nhiều trường đại học khác nhau như: Bách khoa, Nông nghiệp, Y... lại được phân công học Trường Đại học Thể dục thể thao của Liên Xô. Tôi ngỡ ngàng vì không phải ngành nghề của mình, khóc mấy đêm liền mà không dám nói với ai. Viết thư về nhà, ai cũng động viên và khuyên tôi cố gắng học, “nếu không học theo sự phân công của sứ quán thì xách va-li về nước”. Và trang mới trong cuộc đời tôi bắt đầu ở nơi xa lạ.

leftcenterrightdel
Nữ sinh viên Nguyễn Thị Thu Thanh (hàng đầu, thứ ba, từ trái sang) trong một ngày lao động ở Nga, ngày 22-4-1985.

Đối với trường đại học khác thì xếp lớp căn cứ theo kết quả học văn hóa, còn trường thể thao lại có tiêu chuẩn phải là vận động viên cấp kiện tướng và cấp 1. Chúng tôi không phải cấp nào cả và được xếp học lớp riêng với hơn 20 người, do bà giáo dạy lịch sử đảng là đảng ủy viên của trường phụ trách. Chương trình học riêng, tiếng Nga học nhiều hơn nhưng thi cử thì như nhau. Lúc đó, tôi mới 18 tuổi, lần đầu tiên xa gia đình, phải tính toán sao cho mỗi tháng chi tiêu đủ trong 50 rúp.

Suốt 5 năm, biết bao thăng trầm, khó khăn về học tập và cuộc sống. Đặc biệt, bà giáo dạy lịch sử đảng đã khuyến khích và động viên chúng tôi rất nhiều. Học sinh nào học tốt, đạo đức tốt, mùa hè được đi nghỉ miễn phí. Do cố gắng học và phấn đấu mọi mặt tốt nên tôi đã hai lần được đi nghỉ hè ở miền Nam nước Nga. Tốt nghiệp về nước, tôi cầm quyết định về Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), công tác ở Vụ Giáo dục thể chất. Các bạn tôi, người vào Ủy ban Thể dục Thể thao (nay là Tổng cục Thể dục Thể thao), người về Trường Cán bộ thể dục thể thao Trung ương (nay là Trường Đại học Thể dục thể thao, Từ Sơn, Bắc Ninh)...

Năm 1984-1985, tôi được cử sang Nga học sau đại học. Đoàn đi 5 người chỉ có mình tôi được về trường cũ học. Lần trở lại này, tôi được học khoa đào tạo cán bộ lãnh đạo (trước khi đi học, tôi là trưởng phòng) gồm đại diện đến từ nhiều nước khác nhau. Tôi rất vui khi được về cơ sở mới của trường do cơ sở cũ đã thành viện nghiên cứu. Ở đây, tôi gặp thầy giáo cũ dạy giải phẫu sinh lý-môn học mà tôi từng bị -3 điểm vì quá nhát. Hồi ấy, mỗi khi vào phòng học, nhìn xác người là bao nhiêu vốn tiếng Nga của tôi đều biến mất. Sau 20 năm xa cách, thầy đã già đi nhiều. Thầy ôm tôi và giới thiệu với các sinh viên tôi là học trò cũ của thầy. Trong bữa cơm trưa do thầy mời, tôi rất mừng được gặp lại các thầy giáo, cô giáo cũ đã về hưu.

Cuộc sống mới bắt đầu, không phải như thời sinh viên nữa. Giáo sư giao cho tôi đọc 5 cuốn sách, một tuần sau lên báo cáo và trả lời bằng tiếng Nga, chưa kể lên lớp ngồi nghe giáo sư giảng bài. Sau nhiều năm không sử dụng tiếng Nga, tôi ngồi nghe mà ù tai. Nhà trường phân công một cô giáo dạy kèm tôi tiếng Nga ngày hai buổi. Dù vất vả nhưng tôi đã cố gắng học, thi và đều đạt điểm 5. Tôi được nhà trường giới thiệu phát biểu tham luận về đề tài “Phát triển thể dục thể thao ở Việt Nam sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975” và được phóng viên Báo Thể thao Xô viết đến chụp ảnh, giới thiệu trên Tạp chí Liên Xô năm 1985.

Còn nhớ, thập niên 80 của thế kỷ trước, có nhiều chuyên gia Liên Xô đến công tác ở Trường Sĩ quan Không quân và Học viện Hải quân, đóng quân ở Nha Trang nơi tôi sinh sống và công tác. Sau chiến tranh, đời sống rất khó khăn nhưng đồng chí Bí thư Thành ủy Nha Trang Nguyễn Văn Tự khi đó đã quyết định thành lập Chi hội Hữu nghị Việt-Xô Nha Trang do ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Nha Trang làm Chủ tịch hội, tôi làm Thư ký hội. Chúng tôi thường đến dự các ngày lễ kỷ niệm lớn do hai đơn vị quân đội tổ chức như Ngày Chiến thắng (9-5), Cách mạng Tháng Mười và Tết dương lịch.

Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động với các đồng chí chuyên gia Nga. Tôi không bao giờ quên tình nghĩa của các đồng chí chuyên gia hồi năm 1985-1989. Khi các anh vào bán đảo Cam Ranh nhận nhu yếu phẩm như mì sợi, đường sữa, kẹo sô-cô-la..., thế nào cũng dành một suất mang đến tận nhà cho các con tôi. Các cháu còn nhỏ và gia đình tôi sống bằng lương nên khá khó khăn. Nhiều năm sau, các cháu vẫn nhắc đến các chú Liên Xô cho kẹo, đồ ăn hằng tháng.

Năm tháng trôi qua, các con tôi đã khôn lớn, trưởng thành, nhưng nói đến các đồng chí chuyên gia Liên Xô, các con tôi không bao giờ quên. Cách đây 4 năm, thật tình cờ, tôi gặp lại một đồng chí chuyên gia Nga tại Chi nhánh Ven Biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đồng chí Trần Thanh Quang, Giám đốc chi nhánh giới thiệu tôi với đồng chí chuyên gia. Tôi nhận ra ngay đó là Đại tá Hải quân Vagim từng gắn bó với gia đình tôi. Anh sang nghiên cứu sinh vật biển. Anh đề nghị tôi cho gặp tất cả các cháu (con tôi). Cuộc hội ngộ thật vui vẻ, đầm ấm sau gần 30 năm xa cách.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa (thứ hai, từ phải sang) cùng đại diện doanh nghiệp địa phương tặng quà công dân Nga bị kẹt ở Khánh Hòa do tình hình dịch Covid-19, tháng 4-2020. Ảnh chụp lại

Năm 2019, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov đã đến thăm Việt Nam, trao bằng khen của Hội Hữu nghị Nga-Việt và kỷ niệm chương tặng tôi. Tất cả những tình cảm đó đã động viên tôi làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa đến 3 nhiệm kỳ. Có lúc gặp khó khăn về kinh phí, không có nơi làm việc nhưng nhờ có tấm lòng của các bạn Nga ở Nha Trang, các doanh nghiệp Nga đã ủng hộ, giúp đỡ cho hội hoạt động. Còn cá nhân tôi, với lòng tri ân hướng về các thầy giáo, cô giáo Nga đã giúp đỡ tận tình cho các thế hệ sinh viên Việt Nam, nên tôi vẫn cố gắng hoạt động hội mặc dù nay đã 78 tuổi.

Vừa qua, tại Đại hội Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Khánh Hòa, tôi được nhận bằng khen của Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ông Aleksei Vladimirovich Popov-Tổng lãnh sự Nga tại TP Hồ Chí Minh trong bài phát biểu đã đánh giá cao hoạt động của Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa. Ông nói: “Tôi không thể không bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt tới Ban lãnh đạo liên hiệp, Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa và cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga tỉnh Khánh Hòa. Nhờ sự hỗ trợ chân thành của các bạn mà hàng trăm công dân Nga bị kẹt lại Khánh Hòa do dịch Covid-19 đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời, để sau đó Tổng lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP Hồ Chí Minh có thể tổ chức được cho hơn 600 công dân Nga về nước qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh”.

Phát biểu của ông Aleksei Vladimirovich Popov khiến tôi nhớ đến những ngày tháng 4 năm nay. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khi thấy Báo Khánh Hòa đăng hình ảnh các bạn Nga bị kẹt, không về nước được, nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm, tôi tổ chức họp Ban chấp hành hội ngay. Trước hết, Ban chấp hành hội gương mẫu huy động hỗ trợ trước. Sau đó các hội bạn, như Hội Hữu nghị Việt-Đức, Hội Hữu nghị Việt-Nhật tham gia và huy động được số tiền hơn 10 triệu đồng.

Sáng 6-4, tôi cùng với các đồng chí Công an tỉnh mua thêm bánh, kẹo, sữa mang đến cho các công dân Nga. Nhìn các bạn vui mừng, tôi không khỏi xúc động. Sau đó, tôi tiếp tục tích cực vận động một số doanh nghiệp Việt Nam, bạn bè, hội viên ủng hộ thêm với suy nghĩ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Công sức nhỏ bé của chúng tôi đã góp phần giúp các bạn Nga mạnh khỏe, bình an cho đến khi được Chính phủ bạn đón về nước...

NGUYỄN THỊ THU THANH