QĐND - Tuổi 20, ông đã tham gia cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác. Từ binh nhì phát triển lên Đại tá, Phó cục trưởng Cục Kinh tế Quân khu 5 cho tới ngày về hưu, cuộc đời binh nghiệp của ông “bám trụ” trên địa bàn chiến lược Quân khu 5 với nhiều kỷ niệm sâu sắc…
Trong ngôi nhà nhỏ khuất sau con hẻm đường Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng, Đại tá Huỳnh Phương Bá đang thắp hương cho người vợ quá cố của mình là bà Vương Thị Tiệng vừa mới qua đời. Bà chính là nhân vật tôi đã viết trong bài “Chuyện về những lá thư thời chiến”, kể về tình yêu vượt thời gian của ông bà. Thắp nén hương tưởng nhớ bà, tôi dè dặt đặt vấn đề với ông: “Mấy chục năm gắn bó với địa bàn Quân khu 5, chắc bác có nhiều kỷ niệm sâu sắc về một thời đánh giặc?”.
 |
Đại tá Huỳnh Phương Bá với quyển nhật ký chiến tranh.
|
Sau phút xúc động, ông Bá trả lời: “Nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là kỷ niệm thời kỳ chiến đấu trên chiến trường Quảng Ngãi. Năm 1965, tôi là cán bộ tăng cường về địa bàn, được phân công giữ chức Phó chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội Quảng Ngãi. Thời kỳ này, mặt trận Quảng Ngãi có nhiệm vụ đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Tuy nhiên, hồi đó LLVT tỉnh chỉ quen đánh vây lấn, chưa quen đánh tiêu diệt, đánh cứ điểm… LLVT Quảng Ngãi đánh lấn, mở rộng vùng giải phóng, song được một thời gian thì địch tổ chức lực lượng phản kích lại. Trước tình hình đó, tháng 9-1965, Bộ tư lệnh Quân khu đã điều động anh Hà Minh Trí, cán bộ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) về làm Tỉnh đội trưởng (anh Hà Minh Trí sau giữ chức Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà rồi hy sinh). Anh Nguyễn Huy Chương đang là Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 409 được quân khu điều về giữ chức Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Ngãi (Chính trị viên Nguyễn Huy Chương sau này là Trung tướng, Chính ủy Quân khu 5, anh mất năm 2004). Sau khi đội ngũ cán bộ chủ chốt được củng cố và giải quyết dứt điểm tình hình tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Ngãi đều đồng lòng quyết tâm đánh địch. Trận mở màn vào ngày 28-1-1966 là trận phục kích địch trên trục đường Châu Ổ - Trà Bồng. Trận này quân ta đánh nhanh, diệt gọn 3 đại đội lính ngụy. Không lâu sau đó, vào ngày 23-2-1966, lực lượng Tiểu đoàn 83 tiến công, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 (Sư 2 ngụy). Đến ngày 15-7-1966, Tiểu đoàn 83 tiếp tục diệt gọn 1 tiểu đoàn lính Mỹ ở khu vực Gò Sỏi (Bình Sơn). Chiến công nối tiếp chiến công, đến ngày 12-9-1966, Tiểu đoàn 83 phối hợp cùng Đại đội đặc công tiến công tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Núi Già (Đức Phổ)… Chỉ trong một thời gian ngắn, LLVT Quảng Ngãi liên tục chiến đấu giành thắng lợi vang dội, khiến kẻ thù khiếp sợ.
Đại tá Huỳnh Phương Bá đến chiếc tủ con lấy ra quyển sổ ghi nhật trình công tác bạc màu vì thời gian, giọng ông chậm rãi: Có một kỷ niệm tôi không thể nào quên, đó là những ngày tôi được đồng chí Nguyễn Nam Khánh, Chủ nhiệm Chính trị quân khu (sau là Thượng tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và các anh ở Bộ tư lệnh Quân khu dìu dắt, tin tưởng giao nhiệm vụ… Đầu năm 1972, tôi đang giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 20 dân tộc Re (Quảng Ngãi) thì nhận được chỉ thị của anh Khánh gọi về Bộ tư lệnh Quân khu nhận nhiệm vụ mới.
Về tới nơi, anh Khánh gọi tôi vào phòng “chiêu đãi” một điếu thuốc rê và chén trà nóng, rồi giao nhiệm vụ: “Căn cứ vào tình hình và cục diện trên chiến trường Khu 5, Bộ tư lệnh Quân khu quyết định thành lập hai Trung đoàn Đặc công lấy phiên hiệu là 493 và 459, trong đó Trung đoàn 493 đảm trách cánh Bắc (vùng Quảng Nam - Đà Nẵng), Trung đoàn 459 chiến đấu tại cánh Nam (vùng Quảng Ngãi - Bình Định). Bộ tư lệnh tin tưởng giao cho đồng chí giữ chức Chính ủy Trung đoàn Đặc công 493.
Trao quyết định cho tôi xong, anh Nam Khánh triệu tập ngay đội ngũ cán bộ trung đoàn ra sa bàn giao nhiệm vụ chuẩn bị đánh chiếm quận lỵ Tiên Phước (Quảng Nam). Nhận nhiệm vụ mới, tôi rất vinh dự và tự hào, song cũng băn khoăn, lo lắng, bởi từ trước đến giờ cánh đặc công chỉ quen đánh cứ điểm nhỏ lẻ chứ chưa quen đánh lớn, đánh cụm cứ điểm. Sau khi Bộ tư lệnh Quân khu phê chuẩn phương án đánh quận lỵ Tiên Phước, ngày 4-4-1972, anh Nguyễn Nam Khánh trực tiếp giao nhiệm vụ và hướng dẫn CTĐ, CTCT cho chúng tôi. Lường trước được tình hình khó khăn ban đầu trong việc chuyển hướng chiến lược từ đánh cứ điểm sang cụm cứ điểm, Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Nam Khánh trực tiếp đến động viên anh em chúng tôi: “Trước đây các đồng chí chỉ tự mình đánh riêng lẻ, nay phải đánh hiệp đồng binh chủng, đánh theo yêu cầu chung, nên bước đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, các đồng chí sẽ được tăng cường thêm pháo 130, cối 82, súng máy 12,7mm và xe tăng chi viện. Cấp trên sẽ thường xuyên theo sát chỉ đạo”.
Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Khánh vỗ nhẹ vào vai, giọng ân cần: “Quyết tâm của trên như vậy là sát với nhận định tình hình và hoàn toàn đúng đắn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Học tập phương pháp, tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ của anh Khánh vào thực tiễn đơn vị, tôi và các đồng chí trong Ban chỉ huy Trung đoàn Đặc công 493 đã giải quyết tốt tình hình tư tưởng, phối hợp với các lực lượng giành nhiều chiến thắng có tính quyết định, làm chủ hoàn toàn cánh Bắc. Bài học sâu sắc nhất tôi học tập được từ anh Nam Khánh và các anh trong Bộ tư lệnh Quân khu là sau mỗi trận đánh đều tổ chức rút kinh nghiệm về chiến thuật trước, rồi từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về CTĐ, CTCT. Phương pháp tiến hành công tác chính trị sâu sát, tỉ mỉ, gắn với từng hình thức chiến thuật cụ thể của các anh không những làm cho CTĐ, CTCT vừa thể hiện tính sinh động mà rất hiệu quả, thiết thực, góp phần giải quyết tốt công tác chính trị tư tưởng cho bộ đội trong điều kiện chiến tranh ác liệt và gian khổ nhất…
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG