QĐND - LTS: Thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008) là một trong những người có công lớn trong việc mở con đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại. Ông là Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, phụ trách "Đoàn công tác quân sự đặc biệt", đặt những bước chân đầu tiên, trực tiếp khảo sát, xoi đường, mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, chúng tôi trích đăng hồi ký "Những nẻo đường kháng chiến" của Thiếu tướng Võ Bẩm (Duy Tường thể hiện, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001). Đầu đề của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng.
 |
Đoàn trưởng Võ Bẩm báo cáo Bác Hồ mở đường Trường Sơn năm 1959. Tranh sơn dầu của họa sĩ Đức Dụ.
|
Tôi dẫn đầu một nhóm cán bộ, nhân viên vào miền tây Vĩnh Linh, len lỏi giữa rừng Trường Sơn tìm đường về Nam. Tỉnh ủy Quảng Trị đã cử đồng chí Pả Cương-Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và một số cán bộ địa phương thông thuộc đường đi lối lại trong khu vực, giúp chúng tôi xoi đường. Qua tìm hiểu địa hình tây nam Quảng Bình, miền tây Vĩnh Linh và Trị-Thiên, để đảo bảm được bí mật lại tránh được những nơi núi non quá hiểm trở, kết hợp nghiên cứu con đường do Lữ đoàn 270 của Quân khu 4 mở để cơ động lực lượng phòng thủ khu vực giới tuyến, chúng tôi quyết định chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn.
Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ, ở dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn Rào Thanh, tây nam Vĩnh Linh; cách Nông trường Bãi Hà non một cây số về phía tây nam; cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, theo bước chân của mấy đồng chí người Vân Kiều, chúng tôi phát triển theo hướng tây nam, qua làng Mít, vượt đỉnh một nghìn lẻ một (1001), đỉnh một nghìn sáu trăm (1600), vượt sông Bến Hải, qua đỉnh một nghìn bảy lẻ một (1701) còn gọi là động Voi Mẹp-động Hàm Nghi. Địa danh này là chứng tích của một thời đất nước đang cơn bĩ cực. Vào cuối thế kỷ 19, trước sức tiến công xâm lược của thực dân Pháp, sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đã cùng một số quan quân, thuộc hạ rút lên miền rừng núi phía tây Quảng Trị lập căn cứ, tập hợp lực lượng để chống Pháp. Phải chăng tại hang động cao chất ngất giữa lưng chừng trời này, vua Hàm Nghi đã xuống "Chiếu Cần Vương", kêu gọi các sĩ phu văn thân và muôn dân cứu nước?
Leo được lên tới động Hàm Nghi, chúng tôi còn bắt gặp nơi đây những cây chè, gốc cam của quan quân nhà Nguyễn trồng thuở ấy. Sau này có những lúc trong những tháng ngày trụ bám trên tuyến, bị sốt rét, tôi cũng được anh em cho ăn những quả cam hiếm hoi, uống những bát nước chè xanh tươi mát của những bậc tiền nhân để lại. Nhấm nháp những búp chè, quả cam đã gần như cây trái hoang dại, trong tôi trào lên cảm giác chua chát về những tháng ngày nước nhà tối tăm trong đêm trường nô lệ. Lẽ nào giờ đây, với một chính Đảng anh minh, Nhà nước công-nông, một đội quân bách chiến bách thắng, chúng ta lại phải chịu cảnh nước nhà bị chia cắt?...
Đã qua mấy năm sống ở hậu phương, nay luồn rừng, lội suối, chúng tôi mệt muốn đứt hơi. Mỗi lần leo dốc, hai lỗ mũi tranh nhau thở; nhưng không ai bảo ai, người nọ bám chân người kia không rời, nhất là Lê Trọng Tâm, người nhỏ nhắn, lời ăn tiếng nói thỏ thẻ như con gái, nhưng leo núi vào loại cừ khôi. Trở lại với rừng, ngay từ những bước xoi đường đầu tiên, ai nấy đều bị vắt đốt một trận nên thân. Gỡ vắt bám đầy chân, máu chảy ròng ròng, tôi nói đùa với anh em rằng, thế là chúng ta đã "lưu huyết" từ những bước đi đầu tiên trên đường Trường Sơn. Từ động Hàm Nghi, chúng tôi chủ trương vạch một lối sang Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt đường số 9, qua Đá Bàn, vào Tà Riệp, Pa Lin (tây nam Thừa Thiên).
Qua khảo sát, cũng như nghiên cứu tài liệu, bước đầu, tuyến giao liên quân sự sẽ phải đi qua nhiều dãy núi cao hiểm trở, nhiều sông suối và hệ thống đồn bốt của địch. Về hệ thống ngăn chặn của địch, điều trớ trêu đến phi lý ở chỗ là đúng vào ngày các bên dự hòa đàm Giơ-ne-vơ ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (21-7-1954) thì Mỹ-một thành viên của hội nghị đã tự cho mình cái quyền không ký vào văn bản hiệp định. Hơn nữa, Uyn-xơn - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã ngạo mạn tuyên bố: "Sẵn sàng phòng thủ đường ranh giới quân sự ở Việt Nam (Vĩ tuyến 17) cũng như giới tuyến quân sự ở Triều Tiên". Kế đó, ngày 6-8-1954, Đa-lét - Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định lại điều đó: "Tôi mong rằng một phòng tuyến phòng thủ chung sẽ được vạch ra. Phòng tuyến đó sẽ qua phía bắc thành phố Huế và sẽ bảo vệ Cam-pu-chia và cả Việt Nam ở Vĩ tuyến 17". Để thực hiện cuồng vọng đó, Mỹ-Diệm đã từng bước xây dựng ở phía nam giới tuyến quân sự tạm thời, dọc theo đường số 9 cái gọi là "phòng tuyến chống xâm nhập", gồm nhiều đồn bốt, đồng thời tăng cường các cuộc hành quân càn quét.
 |
Đồng chí Võ Bẩm (người ngồi giữa) Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, trực tiếp xoi lối, mở "Đường Chí Minh" năm 1959. Ảnh tư liệu.
|
Về điều kiện tự nhiên, địa hình Trường Sơn nói chung và khu vực nam-bắc sông Bến Hải nói riêng đa phần hiểm trở; rừng nguyên sinh che phủ hoạt động vận chuyển trên mặt đất, giúp ta giành thế chủ động đối phó với kiểu chiến tranh ngăn chặn của địch. Nhưng địa hình mới đây chia cắt mạnh, gây nhiều khó khăn cho việc hoạt động vận chuyển của ta. Địa hình bắc-nam sông Bến Hải sông suối dày đặc. Đỉnh Trường Sơn như nóc nhà. Sông suối phát nguồn từ đỉnh núi hoặc đổ về phía đông, chảy ra biển; hoặc trườn qua triền tây, đổ vào sông Mê Công. Từ thượng nguồn, sông suối ở đây có độ chênh rất lớn, lắm thác ghềnh. Mùa khô, đa phần sông suối cạn kiệt, nhưng vào mùa mưa, chỉ cần vài trận mưa rào, bỗng chốc chúng trở nên hung hãn, có thể cuốn phăng mọi thứ. Dưới chân các dãy núi, thường là những thung lũng hẹp. Vào mùa mưa, gặp cơn mưa to rất dễ biến thành những "túi nước" không lồ, chia cắt núi đồi thành những khu biệt lập. Túi nước là hiểm họa, nỗi kinh hoàng của những ai qua đây. Cộng vào đó, là sự nghiệt ngã của khí hậu vùng rừng nhiệt đới gió mùa hoang sơ, là môi trường lý tưởng cho các loại ký sinh trùng gây bệnh, đặc biệt là bệnh sốt rét. Rồi muông thú, cọp beo rình rập... Mới đến đây, nghe trong dân lưu truyền nỗi sợ hãi về "cọp Thụy Ba"... ai yếu bóng vía cũng phải rùng mình.
"Vì yêu cầu bảo đảm bí mật tuyệt đối, khi khảo sát xoi đường, chúng tôi không đi theo những lối mòn, mặc dù điều đó là rất thuận lợi; mà tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn. Điều mà mỗi chúng tôi đúc kết thành một nguyên tắc cho mọi hành động lúc này là "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".
(Thiếu tướng Võ Bẩm) |
Đi theo Đảng từ những ngày Đảng ta mới ra đời, rồi trải qua những năm dài kháng chiến, chúng tôi hiểu, chẳng có con đường cách mạng nào lại không bám chắc vào dân. Thế nhưng, cái khó của chúng tôi lúc này là không chỉ tránh giặc mà còn phải tạm thời "lánh dân". Vì nguyên tắc tuyệt mật, tuyệt giao liên ban đầu phải tránh xa các bản làng. Đứng ở những lèn đá, bìa rừng, thấy thấp thoáng mái tranh của bà con Vân Kiều, Pa Cô, lòng tôi nôn nao khó tả. Mong chóng đến ngày, chúng tôi phải được nhân dân chỉ cho từng đường đi nước bước, những người lính chiến đấu trên con đường đó phải được sống trong sự cưu mang, chở che của những người dân nơi đây. Vì yêu cầu bảo đảm bí mật tuyệt đối, khi khảo sát xoi đường, chúng tôi không đi theo những lối mòn, mặc dù điều đó là rất thuận lợi; mà tìm lối đi mới ở bình độ cao hơn. Điều mà mỗi chúng tôi đúc kết thành một nguyên tắc cho mọi hành động lúc này là "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".
Sau mấy ngày luồn rừng, lội suối, vừa xoi đường vừa nghiên cứu địa hình, tôi phân công anh Ngô Văn Diệm tổ chức tìm tiếp phần đường còn lại. Tôi trở ra Hà Nội giải quyết tiếp công việc, trong khi anh Thạnh đang ở Thậm Thình cùng với Đoàn 301...
Thiếu tướng VÕ BẨM