Nhấp ngụm trà ấm nóng, CCB Trần Tất Văn hào hứng kể: “Tháng 10-1968, 27 tuổi, đang làm kế toán tại Công ty Thực phẩm Hà Nội, tôi xung phong nhập ngũ. Sau những ngày học rèn nghiêm túc, chúng tôi được lệnh hành quân từ Đông Anh, Hà Nội vào chiến trường. Đến đất Quảng Nam, chúng tôi được bổ sung vào Mặt trận 44-Quảng Đà, Quân khu 5. Trong đó, tôi về đại đội độc lập, Khu đội 1 cánh Bắc Hòa Vang, Quảng Đà, hoạt động cùng các đồng chí người địa phương ở vùng giáp ranh giữa rừng núi và đồng bằng.
Từ những ngày đầu tiên ở đây, chúng tôi đã cảm nhận được sự ác liệt của chiến trường khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, lại còn cái đói, cái rét lúc nào cũng bủa vây. Nhưng chúng tôi đều cố gắng vượt qua để hòa mình vào đơn vị mới với một ước muốn là sớm được cầm súng tiêu diệt quân thù. Chúng tôi vừa chiến đấu, diệt ác, phá kìm, vừa tuyên truyền cách mạng, vận động quần chúng, giành đất, giữ dân.
    |
 |
Cựu chiến binh Trần Tất Văn kể lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: HẢI MINH |
Đóng quân trên núi, cứ chờ hết tuần trăng là chúng tôi xuống với bà con. Tối ấy, như thường lệ, đội chúng tôi vừa xuống núi, đang hành quân vào nhà dân thì gặp địch phục kích. Phát hiện ra chúng tôi, chúng nổ súng liên hồi. Thật may, giữa trảng cát lại có những cái hố trước đó dân đào lấy nước nên chúng tôi vội tụt xuống hố ẩn nấp và tìm cách chống trả. Lợi dụng miệng hố cát, tôi nhỏm lên, hướng khẩu B40 nhằm mục tiêu bóp cò. Địch im bặt. Chúng tôi cũng lặng im nghe ngóng. Sau đó, pháo địch thi nhau bắn như vãi đạn vào rìa núi. Một lúc sau thì thấy một thằng “sâu đo”-trực thăng vận tải cỡ lớn của địch kéo đến hốt xác chúng. Chờ gần sáng, chúng tôi tổ chức rút về đơn vị, hôm sau thì nhận tin từ Mặt trận 44 báo về: Trận đánh ấy, chúng tôi đã diệt được gần 20 tên Mỹ. Vậy là chỉ bằng một quả B40, tôi đã diệt được nhiều tên địch. Sau này tôi mới được biết, lúc ấy trung đội địch đang co cụm để phân công nhiệm vụ nên mới bị chúng tôi diệt gọn. Sau trận đánh ấy, tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.
Những đêm như thế, chúng tôi đã đến với bà con Hòa Vang, tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách của Đảng và tin tưởng bộ đội. Khi địch giăng lưới chờ “đánh úp” chúng tôi, cơ sở đã kịp thời báo tin, nuôi giấu chúng tôi trong hầm, trong các lùm cây lớn. Ban ngày, bà con giả đi chợ, đi làm đồng rồi mang cơm nước, thức ăn… cho bộ đội. Rồi nhiều tin tức quý giá về hoạt động của địch được cấp báo, góp phần vào những trận đánh diệt ác ôn thắng lợi giòn giã của chúng tôi. Như trận diệt tên Củng-trưởng ấp, một trong những tên tay sai khét tiếng có nợ máu với nhân dân.
Được tin báo bọn hội đồng xã sẽ họp vào đêm “ngày N.” tại thôn Hòa Sơn, xã Hòa Lạc, huyện Hòa Vang, tiểu đội chúng tôi gồm Đại đội trưởng Phan Tiến Dũng, anh Hải, anh Tráng, tôi và một số đồng chí nữa được lệnh xuống núi. 20 giờ, chúng tôi đã tập kết tại nhà cơ sở ở thôn bên cạnh. 22 giờ, chúng tôi giả làm một tiểu đội ngụy quân đi tuần. Phát hiện căn nhà nơi địch đang tổ chức họp, chúng tôi chia quân áp sát. Giữ chắc khẩu B40, tôi ngắm kỹ mục tiêu, bắn liên tiếp hai quả đạn, chỉ nghe một tiếng xé tai rồi tôi ngất đi không biết gì nữa.
Sau này tôi được anh em kể lại: Khi tôi bắn xong quả thứ hai cũng là lúc anh em xông lên. Hai quả B40 trúng mục tiêu khiến quân địch bỏ chạy tán loạn. Quả thứ hai bị vỡ nòng súng, áp lực đẩy về phía sau khiến phần vai kê súng của tôi vỡ toác, một bên tai văng mất. Tôi ngất đi. Trận đánh thắng lợi, tên trưởng ấp Củng và nhiều tên tay sai ác ôn khác bị diệt tại trận. Đội chúng tôi cũng nhanh chóng rút quân. Tưởng tôi đã hy sinh, Đại đội trưởng Phan Tiến Dũng lệnh cho anh em đưa tôi đi mai táng. Kéo tay tôi, thấy tôi kêu lên một tiếng, anh em mới phát hiện tôi vẫn còn sống, liền cõng tôi sang thôn bên cạnh sơ cứu rồi đưa lên thuyền của dân về đơn vị”.
Tháng 7-1973, do vết thương quá nặng không thể tiếp tục chiến đấu, ông Trần Tất Văn xuất ngũ về cơ quan cũ công tác. Là thương binh hạng 3/4, tai phải bị điếc hoàn toàn, cánh tay phải bị vỡ ổ khớp, teo cơ delta nên không thể sinh hoạt bình thường nhưng CCB Trần Tất Văn không quản ngại thương tật, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Giờ đây, đã 80 tuổi nhưng ông vẫn say sưa tham gia công tác ở địa phương và cùng đồng đội sinh hoạt trong Hội Cựu quân tăng cường Thủ đô Hà Nội.
THỦY TIÊN