Giờ đây, khi đã ở tuổi 98 nhưng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Ông cùng đồng đội thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm lại những vùng đất trên đất nước Lào, nơi năm xưa các ông đã từng một thời “vào sinh ra tử”, “hạt muối cắn đôi” cùng nhân dân các bộ tộc Lào kháng chiến thắng lợi. Nhớ lại những ngày tháng ấy, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, nay tuổi cao cũng có cái nhớ, cái quên, nhưng mình cứ chọn cái nhớ nhất để chia sẻ, các bạn cảm nhận thế nào thì viết thế ấy nhé”. Và ông bắt đầu đưa chúng tôi trở lại những năm 60 của thế kỷ trước...
“Cuối năm 1967, theo lệnh của trên, tôi từ chiến trường Tây Nguyên trở ra miền Bắc. Sau đó, tôi được bổ nhiệm là Phó chính ủy Quân khu Tây Bắc (nay là Quân khu 2) có trách nhiệm phối hợp với bộ đội Pathet tại Thượng Lào. Sang đầu năm 1968, quân đội hai nước Việt Nam-Lào có chủ trương mở Chiến dịch Nậm Bạc nhằm đánh bại âm mưu chiếm đóng Luang Prabang, phần lớn Xiengkhouang và toàn bộ Phongsaly hòng bao vây lực lượng cách mạng Lào của Mỹ. Đồng thời kết hợp nghi binh, làm cho địch phân tán lực lượng, tưởng hướng chiến lược tập trung của ta là ở đây, để bảo đảm bí mật cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Việc ta cơ động sang Lào được tiến hành gấp rút, đòi hỏi các chiến trường phối hợp, nhất là phía bên Lào cần tăng cường các hoạt động tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ít hôm trước ngày nổ súng đã diễn ra một cuộc họp của ban chỉ huy chiến dịch ngay tại Nậm Bạc, thống nhất lần cuối việc triển khai lực lượng. Tại cuộc họp này, có đồng chí Xayxomphon (tên tiếng Việt là Lò Văn Sôn), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng ban Tổ chức Trung ương của nước bạn đi theo dõi chiến dịch. Tổng chỉ huy quân đội Lào Khamtai Siphandon phát biểu, đại ý là: “Hiện nay, ta thường đánh địch kết quả no nhưng không ngon”. Rồi đồng chí giải thích: “Các đồng chí đều biết, hiện nay đất nước chúng tôi có khoảng 2,5 triệu dân. Chiến dịch này ta giải phóng một vùng rộng lớn với chủ trương diệt nhiều sinh lực địch. Như vậy sẽ có nhiều người chết. Chúng tôi muốn bắt sống nhiều hơn rồi giáo dục những người đó để họ phục vụ đất nước sau khi đã giải phóng”.
Nghe vậy, thay mặt mặt trận và ban chỉ huy chiến dịch, tôi nói: “Các đồng chí có tấm lòng nhân văn cao đẹp, lo cho lâu dài như vậy chúng tôi rất hoan nghênh. Nhưng lúc này, lực lượng đã triển khai tại các vị trí theo ý định ban đầu rồi, giờ thay đổi cách đánh, tôi đề nghị phải nhanh chóng làm ngay. Quân đội Pathet Lào cũng cần được quán triệt để phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam”. Sau khi thống nhất, chúng tôi quyết định điều chỉnh lại đội hình: Có lực lượng diệt địch trong công sự, đồng thời triển khai việc bao vây bắt sống địch phía bên ngoài. Như vậy, lực lượng vây với lực lượng đánh sẽ tương đương nhau. Chi tiết chiến dịch tôi không kể lại vì lịch sử cũng nói rồi. Có điều mừng là chưa trận nào ta bắt sống lượng lớn quân đối phương đến thế: 3.000 tù binh. Bất ngờ này dẫn đến tình huống chưa được chuẩn bị. Đồng chí Xayxomphon gặp tôi nói: “Anh Hương ơi, giờ nhiều tù binh thế này, chúng tôi khó khăn quá. Lán trại, hậu cần chuẩn bị cho khoảng 500 người, nay tăng lên gấp 6...”. Tôi động viên: “Cái khó nhất là bắt sống được nhiều địch ta đã làm được rồi, giờ những phát sinh gặp phải cứ gỡ dần dần. Đang ở trên quê hương của các bạn, tôi tin nhân dân sẽ giúp”.
Và quả đúng như thế. Khu vực này vốn là vùng giải phóng trước kia của Lào bị quân địch chiếm lại. Nhân dân Lào mặc dù nằm trong vùng địch vẫn hướng về cách mạng, về quân đội Pathet Lào. Ta cùng bạn lập đội công tác, vận động nhân dân ủng hộ ngay. Chỉ một thời gian ngắn, 6-7 lán trại đã mọc lên. Lương thực ban đầu cũng được nhân dân ủng hộ một phần... Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội và nhân dân Lào bắt tay bảo vệ thành quả vừa đạt được, đồng thời chuẩn bị cho các chiến dịch mới, mở rộng vùng giải phóng.
Mùa mưa năm 1968, sau trận đánh giải quyết Mường Sủi (thuộc trung tâm Cánh Đồng Chum), Tổng chỉ huy quân đội Lào Khamtai Siphandon tại buổi liên hoan mừng chiến thắng, có tôi-Chính ủy Mặt trận Cánh Đồng Chum và đồng chí Tư lệnh mặt trận Vũ Lập, đã phát biểu: “Anh Hương, anh Lập ạ, nhìn chúng ta đánh giặc ở Lào, tôi có cảm giác như đang đánh giặc mùa (ý của anh là mùa khô ta đánh thắng, giải phóng đất thì đến mùa mưa, kẻ địch chiếm lại). Nên chăng, ta mở một chiến dịch trong mùa mưa đi, thử phá quy luật xem có giải quyết được các vấn đề không”.
    |
 |
Đồng chí Huỳnh Đắc Hương (thứ hai, từ trái sang) tại sở chỉ huy tiền phương (điểm cao Phu Nhu) trong Chiến dịch Cánh Đồng Chum năm 1970. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp |
Câu hỏi làm sao phá được quy luật “giặc mùa” cứ quẩn quanh trong suy nghĩ của chúng tôi khi ra về. Ta đưa quân tình nguyện sang giúp bạn giải phóng rồi rút về. Nhưng lực lượng tại chỗ của bạn quá mỏng, nhân dân lại nghèo, đến ăn còn không đủ lấy đâu ra dự trữ cho chiến tranh. Đến mùa mưa, nước lên, đường sá ngập lụt, đi lại khó khăn... là cơ hội để địch mò ra chiếm lại. Rõ ràng vấn đề đồng chí Khamtai Siphandon nêu là đúng. Mấu chốt là phải đưa được cả cơ giới vào trận trong khi mùa mưa, đường ngập lụt hỏng hết. Sau nhiều lần trao đổi, cuối cùng ta thống nhất cùng bạn quyết định phát triển hoạt động sau chiến thắng Mường Sủi, mở rộng phát triển đến Salaphukhun (Đường 13, con đường chiến lược từ Luang Prabang đến Viêng Chăn). Kết quả của hoạt động này rất tốt. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa ta và bạn làm cho mùa mưa ở đó, địch cũng không dám hoạt động như trước. “Giặc mùa” theo đó cũng không còn là mối lo nữa.
Quân tình nguyện Việt Nam sang Lào rất tôn trọng sáng kiến, đề xuất của bạn và sẵn sàng cùng làm với họ. Bởi chúng ta cùng chung ý chí và khát vọng giải phóng quê hương. Nói về sự tương thông ấy khiến tôi nhớ đến câu chuyện nhỏ thế này. Ấy là vào khoảng trung tuần tháng 9-1969. Lúc này, Quân tình nguyện Việt Nam đã rút về Quân khu Tây Bắc, củng cố lực lượng cũng như học tập chính trị, ổn định tư tưởng sau sự kiện Bác Hồ từ trần. Nhân cơ hội đó, địch tăng cường gần 40 tiểu đoàn-nhiều nhất từ trước đến nay, mở chiến dịch Cù Kiệt (rửa hận), chiếm được Cánh Đồng Chum và tăng cường tàn sát nhân dân Lào. Điều này uy hiếp biên giới của ta và bạn ở đây. Vì vậy, ta phải huy động Sư đoàn 312, 316, Đoàn 866, 766 mở Chiến dịch Toàn thắng, phối hợp với quân đội Pathet Lào đánh địch.
Gần đến ngày nổ súng, tôi cùng Tư lệnh Vũ Lập và đồng chí tham mưu trưởng mặt trận từ nơi đóng quân của ta ở huyện Mường Pẹt sang thăm bạn, vừa để duyệt phương án tác chiến. Thời gian đi mất chừng 5 tiếng đường rừng. Dọc đường đi, tôi chợt nghĩ phong tục của Lào khi đến thăm phải có quà tình nghĩa chứ không thể đi tay không được, mà trên đường rừng tìm đâu ra... May sao, dọc đường thấy ổi rất nhiều, lại thấy cây ớt bên cạnh. Chúng tôi liền hái mấy quả ổi và chùm ớt mang theo. Đến nơi, đồng chí Khamtai Siphandon đã chờ đón từ trước. Sau một hồi chào hỏi xã giao, tôi nói: “Gặp nhau, không có gì tặng anh, gọi là có tí cây nhà lá vườn tại chiến trường, chúng ta cùng thưởng thức”. Vừa nói, tôi vừa đưa túi quà đã chuẩn bị ra. “Thế thì gặp nhau rồi, gặp nhau rồi! Tôi cũng chuẩn bị ổi với muối ớt đón các đồng chí đây”-đồng chí Khamtai Siphandon chỉ tay về phía bàn tiếp khách trên đó đã bày sẵn và nói. Thế là chúng tôi nhìn nhau cười. Quả là trong khó khăn, hoàn cảnh thiếu thốn, những người đồng chí, anh em cùng chia sẻ từng việc nhỏ...”.
TUẤN TÚ