QĐND - Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, có nhiều năm công tác với các trọng trách khác nhau ở cơ quan tham mưu chiến lược. Đến thăm ông vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Bộ Tổng Tham mưu, mặc dù đã bước sang tuổi 96, sức khỏe có phần hạn chế nhưng ông vẫn rất vui và hào hứng khi nhắc nhớ lại những kỷ niệm hồi còn công tác ở cơ quan Tổng hành dinh. “Kỷ niệm thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất là những năm tháng đầu tiên về công tác ở Bộ Tổng Tham mưu, vào tháng 5-1955, khi đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, tôi được Bộ điều về làm Cục phó Cục Tác chiến…”, Đại tướng Lê Đức Anh chậm rãi kể…

Những năm tháng đầu tiên, tôi dành thời gian để tìm hiểu về Cục Tác chiến và cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, sau đó nghiên cứu kế hoạch phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh vào đến Quảng Bình. Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi là anh Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng. Cục Tác chiến lúc đó do anh Trần Văn Quang làm Cục trưởng, Cục phó có anh Đỗ Đức Kiên, tôi và sau bổ sung anh Nguyễn Thái Dũng. Tôi được giao phụ trách xây dựng kế hoạch tác chiến các khu vực phòng thủ biên giới. Thoạt đầu, anh Văn Tiến Dũng cử một đoàn cán bộ đi sang Trung Quốc nghiên cứu học tập và giao cho tôi làm Trưởng đoàn, anh Hoàng, Cục trưởng Cục Công binh làm Phó đoàn. Trong đoàn có cán bộ của hai ngành tác chiến và công binh.

Đại tướng Lê Đức Anh kể chuyện những ngày làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu. Ảnh:Phúc Anh.

Chúng tôi được các đồng chí Trung Quốc đưa đi tham quan và khảo sát các công trình phòng thủ dọc bờ biển, những “khu vực phòng thủ chung” và những “khu vực chống đổ bộ”. Các bạn quân đội Trung Quốc vừa giới thiệu cách làm, vừa tạo điều kiện để chúng tôi khảo sát toàn diện về chiều sâu, chính diện và cách bố trí hỏa lực, xung lực, hệ thống kho tàng và công tác bảo đảm, các công trình phụ trợ và công trình trọng điểm kiên cố như thế nào. Khi trở về nước bắt tay vào việc, công binh trực tiếp làm theo thiết kế của tác chiến, thực hiện đúng như dự án mà tôi, với tư cách trưởng đoàn đã trình duyệt cấp trên, triển khai tại địa bàn của quân khu nào thì lực lượng quân khu đó kết hợp với lực lượng công binh của Bộ trực tiếp thi công. Hồi đó, ở Quân khu Tả ngạn anh Hoàng Sâm làm Tư lệnh, Quân khu Hữu ngạn anh Vương Thừa Vũ làm Tư lệnh, hai anh đã trực tiếp chủ trì việc tổ chức làm công trình. Các anh đã cùng cơ quan tác chiến chúng tôi xác định “khu vực phòng thủ” rồi tổ chức hai lực lượng công binh cùng làm. Kể từ Quảng Ninh vào Thanh Hóa, Nghệ An rồi Quảng Bình, chúng tôi tận dụng địa hình, tổ chức đào hầm trong lòng núi để bố trí pháo và lựu pháo. Vì đây là công việc rất mới mẻ nên lúc đó cứ vận dụng theo mô hình của bạn. Sau này, khi thấy rõ ưu điểm, nhược điểm thì ta mới có bước thay đổi, điều chỉnh và làm mới theo cách của ta cho phù hợp với điều kiện và địa hình đất nước.

Khoảng một năm sau thì tôi được điều sang làm Cục phó Cục Quân lực, anh Trần Sâm làm Cục trưởng, anh Đỗ Đức làm Trưởng phòng. Tôi thấy anh Sâm là người làm việc rất cẩn trọng, tỉ mỉ. Một việc anh thường bàn tới bàn lui nhiều lần rồi mới quyết định. Thời điểm này, việc sắp xếp những đơn vị chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu sang làm kinh tế đã ổn, giờ chỉ đi sâu nghiên cứu về biên chế theo hướng “xây dựng quân đội chính quy, hiện đại”, trước hết và chủ yếu là các đơn vị ở phía Bắc. Quan điểm của anh Sâm là làm sao cho gọn, làm được việc. Anh tính biểu biên chế cho từng quân khu, từng nhà trường rất “chặt”, tính toán đến từng người một. Lên biểu biên chế, đồng thời xác định rõ chức danh, nhiệm vụ. Có nơi có những vấn đề phức tạp phải tổ chức hội thảo, từ đó điều chỉnh lại biểu biên chế cho phù hợp. Qua những “cuộc” như thế này, tôi hiểu rõ được một điều, là khi xây dựng một tổ chức thì không thể áng chừng, mà phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ, từ đó xác định chức danh rồi mới bố trí từng con người cụ thể vào các vị trí thích hợp để phát huy được hết phẩm chất và năng lực của mình cho sự nghiệp chung. Đây là một công việc mang tính khoa học. Anh Sâm là người có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này mà tôi đã học hỏi được.

Anh Văn Tiến Dũng là người nói ít, làm nhiều. Nhận lệnh cấp trên về là tổ chức triển khai và kiểm tra đến nơi đến chốn. Tôi học tập được nhiều đức tính tốt của anh. Anh Hoàng Văn Thái làm Phó tổng Tham mưu trưởng. Trước đây, anh Thái được điều vào làm Tư lệnh Miền, anh Trần Văn Trà làm Phó tư lệnh, tôi làm Tham mưu trưởng nên đã từng được sống và làm việc với anh. Anh Thái là người giản dị, rất dễ gần và rất thạo việc. Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp nắm công tác cán bộ, nắm về trang bị và công tác huấn luyện; tôi thấy cơ chế này là hợp lý. Anh Hồng Long phụ trách Cục Cán bộ, một con người tuy ít nói nhưng rất tốt và rất tôn trọng khách quan. Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu lúc đó ít người, Cục Tác chiến có 40 đồng chí, Cục Quân lực chỉ xấp xỉ 50 cán bộ, nhân viên, Cục Tình báo cũng vậy. Ý thức tổ chức kỷ luật thì rất nghiêm, cấp trên nói là cấp dưới làm, “quân lệnh như sơn”; phê bình, khen, chê nhau cũng đều rất thực, không bao giờ và không một ai nói khác sự thật, con người sống với nhau thân ái và thẳng thắn. Anh Dũng vốn là người làm việc chặt chẽ, phía dưới lại có anh Trần Sâm cũng rất tỉ mỉ, anh Hồng Long rất khách quan và các anh khác cũng phát huy nhiều ưu điểm, bởi vậy “cơ quan Tổng hành dinh” làm việc với nhau tuy ít người mà rất hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi lại có cơ quan Chính trị, thường xuyên được chỉ đạo chặt chẽ của Tổng cục Chính trị, hằng tuần tổ chức sinh hoạt đều đặn, xây dựng “lập trường giai cấp vô sản” vững vàng. Qua những đợt học tập và sinh hoạt chính trị, không chỉ riêng tôi mà nhiều anh em khác đều cảm nhận rõ mình đã được trưởng thành một bước mới.

Khi tôi được làm Cục trưởng Cục Quân lực và được làm thành viên trong đoàn cán bộ quân sự đi học lớp thứ nhất bồi dưỡng tại trường Vô-rô-xi-lốp ở Liên Xô. Đoàn có các anh: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Trần Sâm, Lê Trọng Tấn, Cao Văn Khánh, Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa... và tôi. Học xong đợt một, khi trở về nước, anh Tấn ở lại để giải quyết việc giúp bạn Lào nên anh tham gia học lớp thứ hai do anh Chu Huy Mân làm Trưởng đoàn. Lớp có ba người phiên dịch gồm hai đồng chí Định và Phùng Căn, còn đồng chí Thuyết thì phiên dịch chuyên môn.

Ngoài ra còn có các đồng chí đến giúp việc học tập (phiên dịch tài liệu học tập) cho các đồng chí lãnh đạo (như các đồng chí Đỗ Đức Kiên, Bùi Công Ái, Mai Xuân Tần...). Thời gian học là hai năm, mỗi năm học 6 tháng, về nước làm việc 6 tháng. Nội dung chủ yếu là học về chiến dịch, có học thêm về chiến lược. Học ở đây, tôi được hiểu về phương pháp tác chiến của quân đội các nước: Liên Xô, Đức, Pháp và Mỹ, hiểu về tác chiến điện tử trong điều kiện thông thường và trong điều kiện có vũ khí hạt nhân, những tính năng và tác dụng của nó. Về cách đánh thì họ dạy về cách đánh của quân đội Liên Xô, phổ biến những kinh nghiệm của Liên Xô. Mỗi nước có nguyên tắc tác chiến riêng của mình: Đối với quân đội Đức, họ dùng hỏa lực sát thương được 40% sinh lực của đối phương rồi mới dùng lục quân đột phá; Pháp, Mỹ và Tây Ban Nha thì tỷ lệ đó là 25%; hồi đó người ta đánh giá quân đội của Vương quốc Anh cao hơn quân đội Mỹ, nhưng Anh cũng áp dụng tỷ lệ 25%. Chúng tôi nghe giảng, nghiên cứu tài liệu và phân tích về năng lực tác chiến của quân đội từng nước. Có một chuyện làm tôi nhớ mãi là vị giáo sư sau khi xem bài tập của tôi làm thì tỏ lời khen, nhưng tôi bảo: “Học ở đây thì tôi làm như vậy, nhưng đánh theo cách này với quân đội Mỹ thì có lẽ chưa phù hợp nên chưa chắc chắn lắm”. Nói vậy mà ông ta đã giận tôi suốt cả khóa học. Mãi đến ngày cuối cùng, vị giáo sư đó mới bắt tay tôi và nói: “Đồng chí cũng tốt, tôi cũng tốt, hai chúng ta bắt tay nhau!”. Sau này nghe chuyện, anh Vũ Lăng bảo tôi: “Họ không đuổi anh là may đó!”. Nhân dịp có anh Phạm Hồng và anh Hít ra báo cáo về tình hình cách mạng miền Nam và tình hình Mỹ-ngụy đàn áp đồng bào ta ở trong đó, anh Hít là Tỉnh đội trưởng Long An, anh Dũng gọi tôi đến cùng nghe hai anh báo cáo (ở hai thời điểm cách nhau ít ngày). Trước ngày tôi tạm biệt miền Bắc để trở về Nam, anh Dũng bảo tôi: “Vào đó, cậu hãy nghĩ và làm cách nào để hạn chế tối đa việc Mỹ-ngụy nó giết hại nhân dân miền Nam”. Anh chỉ nói có bấy nhiêu trước giờ chia tay, không nói gì thêm. Câu này làm tôi nhớ mãi và càng thấy kính trọng anh.

Thời kỳ đầu tiên công tác ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tuy ngắn nhưng với tôi rất ấn tượng, từ người đứng đầu cơ quan đến anh em ở các cục, các phòng, ban, ai cũng chân tình, thẳng thắn, có năng lực làm việc và làm việc hiệu quả. Bây giờ tuổi đã cao, tôi không còn nhớ hết từng người, nhưng những ấn tượng tốt đẹp thì không bao giờ quên được.

Tháng 8-1963, tôi được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng, đến cuối năm được giao nhiệm vụ mới, tạm biệt Bộ Tổng Tham mưu, bí mật đi trên con tàu không số để vào Nam chiến đấu. Những điều thu lượm, học hỏi được trong những ngày ở Bộ Tổng Tham mưu đã tiếp sức cho tôi bước vào chặng đường mới, cho tôi bản lĩnh vững vàng trước cuộc chiến đấu mới, với một kẻ thù mới trên chiến trường quen thuộc-miền Nam, dải đất quê hương yêu dấu và rất đỗi tự hào của tôi.
TRẦN HOÀNG - QUỐC ANH (ghi)

Đại tướng LÊ ĐỨC ANH (kể)