QĐND - Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, quyền Tư lệnh Quân khu 2, trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời đầu tiên thị xã Quảng Trị. Ông nhớ lại ký ức những ngày làm việc ở Ủy ban quân quản thị xã Quảng Trị 44 năm trước.

15 giờ ngày 1-5-1972 tôi nhận được lệnh của sư đoàn, chỉ huy đơn vị nhanh chóng vượt sông Thạch Hãn vào đánh chiếm giải phóng thị xã Quảng Trị. Sở chỉ huy phía trước của Trung đoàn 9 lúc này gồm có tôi-Trung đoàn phó Trung đoàn 9, đồng chí Lê Thanh Khê-Phó chính ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 1 và 1 đại đội 14,5mm, vượt sông Thạch Hãn. 20 giờ ngày 1-5-1972, đại đội trinh sát của trung đoàn đã tiêu diệt được cụm quân địch phòng giữ nam cầu Quảng Trị. Tiểu đoàn 1 do đồng chí Vũ Đức Chiến, Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Thêm, Chính trị viên chỉ huy, sau khi vượt sông Thạch Hãn đã chia làm hai cánh: Cánh thứ nhất, gồm lực lượng chủ yếu tiến theo đường Trần Hưng Đạo vào đánh chiếm trường Bồ Đề, quân địch chống cự quyết liệt, sau hơn nửa giờ chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn quân địch cố thủ ở đây. Ngay sau đó, bộ đội phát triển đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, khu công an, tiểu khu quân sự. Cánh thứ hai, một đại đội tiến theo trục đường cổng phía tây Thành cổ vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành nội như trại giam, khu Bình Định, giải phóng hàng trăm đồng chí, đồng bào bị địch bắt giam giữ tại đây.

Đồng chí Nguyễn Đức Huy (ngoài cùng, bên trái)-Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị họp bàn kế hoạch phòng thủ thị xã. Ảnh tư liệu.

Sau khi thị xã Quảng Trị được giải phóng, tôi được mặt trận chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị. Cùng tham gia Ủy ban quân quản có đồng chí Trương Hữu Quốc, Thường vụ Thị ủy làm Phó chủ tịch, đồng chí Vũ Đức Chiến, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 làm ủy viên (đồng chí Trương Hữu Quốc sau này được phong Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; đồng chí Vũ Đức Chiến đã hy sinh trong đợt bảo vệ Thành cổ, năm 1972).

Tình hình thị xã Quảng Trị lúc này vô cùng khó khăn, phức tạp. Một số tàn quân của địch vẫn chống cự, đáng chú ý là khu vực nhà thờ Tri Bưu, hàng trăm gián điệp, phản động vẫn trà trộn lẩn khuất trong dân. Rải rác khắp nơi một số người dân bị thương; trong bệnh viện thị xã, ngoài đường phố còn hơn 300 thương binh ngụy bị bỏ lại cần được nhanh chóng cứu chữa, rất nhiều người chết và hàng ngàn trâu bò, gia cầm, gia súc chết ngổn ngang trong thị xã và các cánh đồng ven đô. Hàng trăm xe tăng, xe ô tô, hàng chục khẩu pháo 105mm và rất nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, kho tàng của quân ngụy khi rút chạy bỏ lại cần được thu hồi đưa ra khỏi thị xã, đề phòng máy bay địch đến đánh phá. Đặc biệt, trong số kho địch bỏ lại có một kho tài liệu quý mà khi rút chạy chúng không kịp mang theo, chưa bị tiêu hủy. Các cơ sở chính quyền, đoàn thể quần chúng... do sự kìm kẹp lâu ngày của địch, phần lớn yếu và thiếu cán bộ. Dân chúng trong thị xã và các xã ven đô, số đông đã bỏ đi nơi khác. Lúa ngoài đồng chín vàng không có người thu hoạch, vấn đề môi trường cũng rất phức tạp.

Ngay sau khi tôi nhận được lệnh chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban quân quản lâm thời, tại phòng họp của dinh tỉnh trưởng Quảng Trị, tôi triệu tập đồng chí Quốc, đồng chí Chiến cùng một số cán bộ của Trung đoàn 9 và của thị xã Quảng Trị để tuyên bố thành lập Ủy ban quân quản lâm thời và đề ra chương trình, kế hoạch hành động. Trước hết, phải nhanh chóng tiêu diệt các cụm quân địch còn đang chống cự, truy quét số gián điệp, phản động đang lẩn trốn trong dân, thu nhận binh lính địch ra hàng, lập kế hoạch phòng thủ khu vực thị xã Thành cổ để đề phòng quân địch có thể phản kích tái chiếm; đề nghị lãnh đạo địa phương huy động cán bộ dân chính các nơi vào tăng cường để củng cố chính quyền, đoàn thể cơ sở; huy động nhân dân các xã ven đô ra đồng thu hoạch lúa, hoa màu, chôn cất người và gia súc, gia cầm bị chết. Đề nghị trên tăng cường lực lượng của Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 và điều một số du kích ở các xã mạnh như Triệu Thượng, An Tiêm, Triệu Phú, Hải Thượng... vào phối hợp cùng bộ đội truy quét địch, giữ gìn an ninh, trật tự trong thị xã, nhanh chóng thu hồi xe, pháo, vũ khí trang bị, kho tàng của địch. Với truyền thống yêu nước, giàu tinh thần cách mạng, lại bị kìm kẹp dưới ách thống trị của Mỹ-ngụy hơn 20 năm, nay quê hương đã được giải phóng, khí thế của quần chúng dâng lên rất cao. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi việc được giải quyết trôi chảy, nhanh gọn, cơ sở chính quyền, đoàn thể được củng cố, sẵn sàng đánh địch nếu chúng liều lĩnh quay lại tiến công tái chiếm thị xã Thành cổ.

Sau một thời gian công tác trong Ủy ban quân quản, tình hình tương đối ổn định, tôi được lệnh bàn giao công tác của Ủy ban quân quản cho đồng chí Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị làm Chủ tịch và rút toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 9 về đội hình Sư đoàn 304 để củng cố và chuẩn bị Nam tiến vào giải phóng tỉnh Thừa Thiên-Huế.

ĐẶNG VIỆT THỦY (ghi)