Lúc ấy, tôi là Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Đơn vị được giao bảo đảm giao thông trên cung đường có hai trọng điểm là ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích trong hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP trên Đường 20-Quyết Thắng.
Chúng tôi đón Đại tướng ngay tại trọng điểm Phu La Nhích, xung quanh chồng chất hố bom, bạt ngàn một màu đất đỏ quạch. Đoàn xe chở Đại tướng từ từ leo lên đỉnh đèo thì dừng lại. Từ trong chiếc xe thứ hai, Đại tướng tươi cười bước ra, tay phủi bụi trên áo, chỉnh trang quân phục trước khi nhận báo cáo từ Phó tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hích. Phía sau Đại tướng là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính cùng đoàn tháp tùng.
Đứng đầu đội hình, tôi vinh dự được Đại tướng bắt tay đầu tiên. Lúc đầu tôi bị căng thẳng, lo lắng. Như hiểu được tâm trạng của tôi, Đại tướng vừa hỏi, vừa vỗ nhẹ tay vào vai tôi như một sự khích lệ. Cử chỉ thân thiện, tác phong gần gũi, bình dị; ánh mắt nhân hậu, giọng nói nhẹ nhàng của Đại tướng đã nhanh chóng xóa đi khoảng cách vô hình giữa Tổng Tư lệnh với một người lính. Đại tướng hỏi cặn kẽ về tình hình đơn vị, đặc biệt là những khó khăn, thiếu thốn trong chiến đấu, trong sinh hoạt và cuộc sống nơi trọng điểm địch đánh phá ác liệt.
Tôi cảm nhận được ở ông sự quan tâm đặc biệt giống như tình cảm người cha với các con lâu ngày mới được gặp. Điều ấy khiến tôi tự tin, mạnh dạn báo cáo tình hình với Đại tướng. Sau đó, Đại tướng tiến đến lần lượt bắt tay tất cả mọi người. Ông dừng lại lâu hơn ở chỗ Trung đội trưởng Nguyễn Thị Tầm. Từ khoảng cách hơi xa, tôi không nghe được chị Tầm nói gì với Đại tướng nhưng thấy ông chăm chú nghe và khẽ gật đầu. Hôm sau chị Tầm kể lại: “Đại tướng quan tâm nhiều đến tình hình sức khỏe, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và nguyện vọng của chị em…”.
Đứng giữa trọng điểm, Đại tướng gọi chúng tôi lại gần, biểu dương tinh thần chịu đựng gian khổ, chiến đấu hy sinh, kiên cường bám trụ bảo đảm thông đường của toàn đơn vị, đặc biệt là các chị em. Đại tướng động viên, căn dặn chúng tôi phải luôn nêu cao cảnh giác với các thủ đoạn đánh phá của địch, trong mọi tình huống phải luôn bảo đảm thông đường, thông xe. Riêng với Trung đội nữ B3, lực lượng chủ yếu chốt giữ đèo Phu La Nhích được Đại tướng khen và đặt tên cho là “Trung đội nữ công binh thép”.
Hơn 30 phút ngắn ngủi được Đại tướng đến thăm là một vinh dự to lớn đối với toàn đơn vị. Với riêng tôi, đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời 40 năm binh nghiệp của mình. Sự bình dị, gần gũi và chân tình của Đại tướng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi. Khoảng 20 ngày sau, “Trung đội nữ công binh thép” nhận được món quà quý hơn cả vàng do Đại tướng gửi tặng gồm: 100 bánh xà phòng, một bao quả bồ kết khô và một cuộn vải xô. Nhận được những món quà này, không riêng chị em mà cả đại đội tôi đều xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt. Dù bận nhiều việc, Đại tướng vẫn không quên lời hứa với những cô gái nhỏ bé ở một trung đội nữ công binh trên đỉnh Trường Sơn.
29 năm sau, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ 3, ngày 26-12-2002, trong bài phát biểu của mình, Đại tướng vẫn nhớ và nhắc đến “Trung đội nữ công binh thép” và nhắn những ai còn sống, ở đâu thì biên thư cho mình. Tin nhắn ấy lan nhanh, chị em rất vui và cảm động, mọi người liên hệ với nhau hẹn ngày ra Hà Nội thăm Đại tướng. Và ngày 16-7-2003, hơn 10 chị em thuộc “Trung đội nữ công binh thép” được ra Hà Nội thăm Đại tướng. Trong niềm vui, xúc động và hạnh phúc, Đại tướng lần lượt hỏi thăm từng người và gửi tặng chị em cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” cùng với dòng lưu bút: “Tặng đội nữ công binh thép tôi đã gặp cách đây 30 năm về trước, chúc chị em và gia đình mọi sự tốt lành”.
HOÀNG VĂN KÍNH