Phòng B29 thành lập theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta, do đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Phòng B29 có chức năng của một “Quỹ ngoại tệ đặc biệt”. Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29 được lập từ các nguồn viện trợ quốc tế, hoạt động bí mật. Từ quỹ này, tiền mặt các loại (chủ yếu là đô la Mỹ và tiền ngụy Sài Gòn) qua nhiều phương thức và bằng những con đường khác nhau được vận chuyển vào miền Nam, tập trung đưa về các vùng căn cứ kháng chiến, do các cơ quan ngân tín của Đảng trực tiếp quản lý, điều hành, phân phối, sử dụng cho các nhu cầu của kháng chiến như mua vũ khí, khí tài, lương thực, thuốc và trang thiết bị y tế...
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29 vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối phổ thông của ngân hàng, vừa phải kết hợp với các kỹ thuật quân sự, tình báo, mà xuyên suốt những hoạt động đó là ý chí cách mạng, là niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Trong suốt quá trình hoạt động, Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29 đã tổ chức được một guồng máy rất tinh vi, liên kết giữa hậu phương với tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế để vận chuyển tiền với nhiều phương thức sáng tạo, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, vượt qua sự chống phá của kẻ thù không những mạnh về quân sự mà còn rất thành thạo về tài chính-tiền tệ.
Đồng chí Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29, kể lại: “Để đảm đương trọng trách thực thi nhiệm vụ trong guồng máy hoạt động của Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29, đội ngũ cán bộ cốt cán được lựa chọn đều là những người có năng lực, đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính-ngân hàng, thông thạo ngoại ngữ, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng phân tích, tổng hợp. Nhiều đồng chí được đào tạo bài bản từ các nước như: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp...
|
|
Hòm sắt cỡ lớn mà Quỹ ngoại tệ đặc biệt - B29 dùng để chuyển tiền vào miền Nam. Ảnh tư liệu |
Ngoài ra, còn có những đồng chí đã từng làm việc tại Nhà băng Đông Dương của chế độ ngụy Sài Gòn, sau đó theo kháng chiến. Đội ngũ cốt cán này đều có khả năng sử dụng thông thạo các ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và cả tiếng Khmer. Có những đồng chí sử dụng thành thạo tới 2 hoặc 3 ngoại ngữ để có thể trực tiếp giao dịch, khai thác tài liệu từ tiếng nước ngoài (nhiều tài liệu mật quan trọng được cung cấp từ các cơ sở tình báo) để phục vụ công tác. Hơn nữa, phải am hiểu tư pháp, công pháp quốc tế, chính sách cấm vận, phong tỏa tài khoản của Mỹ để có thể vận dụng, đề xuất phương pháp đối phó”.
Từ Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29 tại miền Bắc, những dòng ngoại tệ âm thầm len lỏi như hệ thống mạch máu của cuộc kháng chiến, tiếp sức cho các chiến trường qua sự đón nhận của các đầu cầu thuộc Trung ương Cục miền Nam như: Ban Ngân khố Tín dụng R (C32), Ban Tài chính đặc biệt (N2683)... Các đơn vị này đóng vai trò như là tổng kho quỹ tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, chế biến (hối đoái), cấp phát tiền đến các căn cứ, cơ sở cách mạng. Con đường huyền thoại này đã giúp rút ngắn thời gian chuyển tiền từ Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29 ở Hà Nội vào miền Nam, bảo đảm kịp thời, tiết kiệm công sức và xương máu của cán bộ, chiến sĩ.
Hệ thống tổ chức và hoạt động của Quỹ ngoại tệ đặc biệt-B29 được ví như một “binh chủng tiền tệ”, tạo thành dòng tiền chảy vào các “mạch máu” của chiến trường miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
ANH VIỆT