|
Chiến sĩ pháo binh đánh địch trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947. |
Đúng như nhiều người thường nói, mỗi dòng sông, ngọn núi của Tổ quốc ta đều là đề tài vô tận của thi ca nhạc họa. Nhưng giữa mùa thu nay tôi nhớ đến một dòng sông lịch sử đã đi vào các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác, thơ của Tố Hữu, tiểu thuyết của Siêu Hải, ký sự và hồi ký của nhiều nhà văn, cán bộ quân đội. Đó chính là dòng sông Lô mà thuở mới mười ba, mười bốn tuổi tôi đã nghêu ngao hát một cách say sưa ở đất Quảng quê hương: Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau, núi rừng âm u…
Tập kết ra Bắc, tôi vinh dự được tham gia biên soạn quyển “Lịch sử pháo binh nhân dân Việt Nam” và từ đó được hiểu biết thêm về dòng sông Lô. Các anh Nông Văn Cờ, Trần Thái Quang, Trương Thành Phao, Nguyễn Phú… nhân chứng sống thời đó-dẫn giải cho tôi biết thế nào là “Mặt trận Sông Lô” và những chiến công oanh liệt của đoàn quân chân đồng, vai sắt (pháo binh) còn rất non trẻ mới bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 7-10-1947, quân Pháp gồm 20 nghìn tên mở cuộc hành binh lớn tiến công căn cứ địa Việt-Bắc của ta bằng cả thủy, lục, không quân. Cụ thể: Binh đoàn đổ bộ đường không nhảy dù xuống Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn. Binh đoàn bộ binh thuộc địa từ Lạng Sơn theo đường số 4 lên Cao Bằng, đến Bắc Cạn. Binh đoàn hỗn hợp bộ binh thuộc địa và lính thủy đánh bộ từ Hà Nội ngược sông Hồng và sông Lô lên Tuyên Quang, đến Chiêm Hóa. Các cánh quân lớn đó hình thành thế bao vây với những gọng kìm dài từ 300 đến 400 ki-lô-mét, thọc sâu vào hậu phương ta, đánh thẳng vào khu vực quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc.
Địch đưa đại quân đến một chiến trường rừng núi hiểm trở, giao thông độc đạo, tiếp tế khó khăn, thật là mạo hiểm! Những ngày đầu chúng có gây cho ta một số khó khăn, nhưng càng về sau những chỗ yếu của chúng càng bộc lộ. Trong cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 14-10-1947, Bác Hồ nói: “Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này coi như thắng lợi…”.
Về mặt tác chiến, Bộ tổng chỉ huy ta có chủ trương đúng đắn: Khước từ trận đánh lớn mà kẻ địch cố tình tìm kiếm với ý định đánh quỵ chủ lực ta; kịp thời phân tán bộ đội thành “đại đội phân tán, tiểu đoàn tập trung” để hoạt động trên từng khu vực và đại đội độc lập gắn liền với từng địa phương để đẩy mạnh chiến tranh nhân dân. Ta hình thành ba mặt trận để đánh địch: Mặt trận đường số 4, Mặt trận đường số 3 và Mặt trận sông Lô. Từ trung du, 5 trung đội pháo binh-vốn quý của quân đội hồi đó-hành quân gấp lên thượng nguồn sông Lô, nơi có địa hình rậm rạp ven bờ thuận lợi cho việc phục kích tàu thủy địch.
… Tôi được phân công viết chương “Chiến thắng sông Lô” của công trình lịch sử pháo binh, còn lắm bỡ ngỡ, vì vậy được đồng chí phụ trách tạo cho một chuyến về nguồn để có thêm hiểu biết và cảm xúc lịch sử khi ngồi vào bàn viết. Lúc này đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chiếc ca-nô chở tôi qua Phú Thọ rồi ngược Tuyên Quang phải vừa chạy vừa dòm chừng máy bay địch. Nhưng rồi tôi cũng tới nơi, được tự mình soi bóng xuống dòng Lô trong xanh và vốc nước vào hai lòng bàn tay phả lên mặt, được tận mắt ngắm nhìn bờ bãi, đồi núi, xóm làng trải dài theo sông. Trời nước mênh mang, cảnh vật vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ và hoang sơ. Các trận địa pháo xưa không để lại dấu vết, nhưng địa danh còn đây, còn mãi. Khoan Bộ là trận thắng đầu. Cả hai chiếc tàu địch trúng đạn, dạt sang một phía bờ. Máy bay khu trục địch lao tới, bắn xối xả xuống khu vực trận địa pháo ta. Các tay súng bộ binh, dù chỉ với mấy khẩu mút-cơ-tông, hất lũ giặc trời lên cao để bảo vệ pháo. Trong thế nguy, địch bỏ tàu lội nước chạy lên bờ… Rồi trận Đoan Hùng bắn chìm và bắn hỏng 4 tàu, trận đánh kéo dài từ trưa đến lúc sẩm tối… Trận Khe Lau dựa vào bãi lau rậm rạp nối với sườn núi hiểm trở ở ngã ba sông Lô và sông Gâm, pháo hành quân thông ngày, thông đêm không nghỉ, hai tàu địch chìm nghỉm, một ca-nô trúng đạn nằm chết gí…
Tiếp xúc với nhân dân, thật cảm động khi biết bà con vẫn không quên những chuyện xảy ra mấy chục năm trước. Một bà bủ kể lại lần 200 dân công khiêng giúp bộ đội khẩu pháo nặng hàng tấn đi suốt đêm để đánh trận Đoan Hùng. Một cụ già, trước là cán bộ làng Ngọc Chúc, từng bày mưu cho du kích lấy bưởi bôi đen rồi luồn dây thả nổi trên sông giả làm thủy lôi để tàu địch sợ đi chậm lại, tạo điều kiện cho bộ đội nổ pháo thuận lợi.
Tôi trở về xuôi, lòng đầy phấn khích và tự tin. Nhất định tôi sẽ thể hiện tốt trên trang sử chiến công của lớp chiến sĩ đàn anh và người dân Việt Bắc, coi đó là sự đền đáp của mình. Từ bản nhỏ theo con dốc đổ xuống bến ca-nô, tôi lại ngắm nhìn suốt một dải sông Lô. Tôi chợt nhớ trước đây Đoàn văn công Tổng cục Chính trị có lần cũng đã từng về nguồn một chuyến như tôi, để sau đó họ biểu diễn rất thành công bài hát “Trường ca sông Lô”. Bài hát đó tôi hát từ thuở ấu thơ, đến hôm nay vẫn say sưa hát: “Sông Lô đang trôi mau. Tin mừng về với bao người. Sông trôi quanh co về. Mừng một mùa chiến công”.
TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ