Các anh Nông Văn Cờ, Trần Thái Quang, Trương Thành Phao, Nguyễn Phú…, nhân chứng sống một thời, dẫn giải cho tôi thế nào là “Mặt trận Sông Lô” và những chiến công oanh liệt của đoàn quân chân đồng vai sắt (pháo binh) còn rất non trẻ mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tôi được phân công viết chương “Chiến thắng sông Lô” của công trình lịch sử pháo binh. Mới bắt tay vào việc nên còn lắm bỡ ngỡ, vì vậy đồng chí phụ trách bố trí cho tôi một chuyến về nguồn để có thêm hiểu biết và cảm xúc lịch sử khi ngồi vào bàn viết. Thời điểm ấy, đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chiếc ca-nô chở tôi qua Phú Thọ rồi ngược Tuyên Quang phải vừa chạy vừa dòm chừng máy bay địch khá vất vả. Nhưng rồi tôi cũng tới nơi, được tự mình soi bóng xuống dòng sông Lô trong xanh và vốc nước vào hai lòng bàn tay phả lên mặt, được tận mắt ngắm nhìn bờ bãi, đồi núi, xóm làng trải dài theo sông. Sắn, chè, cọ bao la, rồi cây rừng ngút ngàn, chắc chắn không hiếm loài gỗ quý. Trời nước mênh mang, cảnh vật vừa thơ mộng vừa hùng vĩ và hoang vu. Các trận địa pháo trước đây không để lại dấu vết, nhưng địa danh còn đây, còn mãi. Khoan Bộ là trận thắng đầu. Cả hai chiếc tàu địch trúng đạn, dạt sang một phía bờ. Máy bay khu trục địch lao tới, bắn xối xả xuống khu vực trận địa pháo ta. Các tay súng bộ binh, dù chỉ với mấy khẩu mút-cơ-tông, hất lũ giặc trời lên cao để bảo vệ pháo. Trong thế nguy, địch bỏ tàu, lội nước chạy lên bờ… Rồi trận Đoan Hùng, ta bắn chìm và bắn hỏng 4 tàu, trận đánh kéo dài từ trưa đến sẩm tối… Trận Khe Lau dựa vào bãi lau rậm rạp nối với sườn núi hiểm trở ở ngã ba sông Lô và sông Gâm, pháo hành quân thông ngày thông đêm không nghỉ, 2 tàu địch chìm nghỉm, 1 ca-nô trúng đạn… Chiến công oanh liệt nhưng không dễ dàng chút nào. Pháo chắp vá, đạn ít mà chất lượng lại kém, có trận không thắng lợi, từ đó anh em mới đi đến quyết tâm: Phải đặt gần và bắn thẳng mới bảo đảm trúng đích.

leftcenterrightdel
Sông Lô đoạn chảy qua tỉnh Phú Thọ. Ảnh: THANH NHÀN 
Tiếp xúc với nhân dân, thật cảm động khi biết bà con vẫn không quên những chuyện cũ tưởng đã chìm sâu vào dĩ vãng. Một bà bủ kể lại lần 200 dân công khiêng giúp bộ đội khẩu pháo nặng hơn 4 tấn đi suốt đêm để đánh trận Đoan Hùng. Một cụ già, trước đây là cán bộ làng Ngọc Chúc, từng bày mưu cho du kích lấy bưởi bôi đen rồi luồn dây thả nổi trên sông giả làm thủy lôi để địch sợ hãi cho tàu đi chậm lại, tạo điều kiện cho bộ đội nã pháo thuận lợi. Cụ đọc lại rành rọt mấy câu thơ Bác Hồ biểu dương giới phụ lão: “Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.

Phải, tiếng thơm Việt Bắc…, tấm lòng yêu nước của người dân Việt Bắc quê hương cách mạng cũng trong sáng, hiền hòa như nước dòng Lô. Nhưng những ngày xa xưa, dòng Lô cũng đã từng gầm thét, réo vang cùng dồn sức với các chiến sĩ pháo binh ta nhấn chìm tàu giặc. Và mọi xóm làng, rừng núi đã rùng rùng chuyển động trong suốt 75 ngày phản kích và truy kích địch Thu-Đông năm ấy, Việt Bắc trở thành “mồ chôn giặc Pháp”, Đường số 4 là “con đường máu của bộ binh Pháp”, sông Lô là “thảm họa của thủy binh Pháp”. Phải, không là thảm họa sao được khi “Tàu giặc đắm sông Lô/ Tha hồ mà uống nước/ Máu tanh đến bây giờ/ Chưa tan mùi bữa trước” (Thơ Tố Hữu).

Tôi trở về xuôi lòng đầy phấn khích và tự tin. Nhất định tôi sẽ thể hiện tốt trên trang sử chiến công của lớp chiến sĩ đàn anh và người dân Việt Bắc, coi đó là sự đền đáp của mình. Từ bản nhỏ theo con dốc đổ xuống bến ca-nô, tôi lại ngắm nhìn suốt một dải sông Lô. Lớp sương trắng sáng sớm đang tan dần để lộ những chiếc thuyền xuôi ngược nhỏ xíu như những chiếc lá tre dập dờn trên màn nước xanh. Có tiếng chim lảnh lót trên vòm cây. Và tôi chợt nhớ trước đây Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị có lần cũng đã về nguồn một chuyến như tôi, để sau đó họ biểu diễn rất thành công nhạc phẩm “Trường ca sông Lô” của Văn Cao. Giai điệu hùng tráng và trữ tình tôi hát từ thuở ấu thơ, đến hôm nay vẫn say sưa hát: “Sông Lô đang xuôi mau, tin về đồng lúa reo mừng/Rung trong bao hương đồng mừng một mùa chiến công...”.

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ