QĐND - Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Chính ủy Quân chủng Không quân (thời kỳ 1977-1986), năm nay tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng chất giọng vẫn còn hào sảng. Chúng tôi tới gặp ông với mong muốn được nghe kể về quãng thời gian ông gắn bó với Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên cùng trận đầu đánh thắng của lực lượng không quân. Biết chuyện, vị tướng trận mạc mỉm cười bảo: “Cháu nên tìm gặp các phi công, họ là những người trực tiếp chiến đấu và sẽ có nhiều chuyện thú vị”.

Trận “đầu tiên” trong nhiệm vụ lịch sử

Ngược dòng thời gian, Trung tướng Chu Duy Kính bảo rằng, ông không sao quên được cảm xúc hân hoan trong các ngày 3 và 4-4-1965, khi Đài Tiếng nói Việt Nam báo tin với đồng bào cả nước: “Không quân Việt Nam vừa ra trận đã hạ máy bay phản lực Mỹ”. Ngày ấy, Không quân còn đang là một Binh chủng non trẻ thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, vậy mà trong trận đầu không chiến, hai biên đội Mig 17 gồm các phi công: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương, Trần Hanh, Phạm Giấy đã bắn rơi 2 máy bay của địch trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ngày 5-4, trên sân bay, toàn Trung đoàn xúc động lắng nghe từng lời động viên trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đơn vị Không quân: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”. 

Bác Hồ đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội thi đua Cục Không quân tại Đoàn bay 919 (năm 1960). Ảnh tư liệu.

Ông Kính cho biết, để có được chiến thắng trong trận đầu ra quân ấy, trước đó Bác Hồ và Quân ủy Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt tới lực lượng Không quân. Khi lứa phi công tiêm kích đầu tiên của Trung đoàn 921 hoàn thành khóa huấn luyện ở Trung Quốc và về nước nhận nhiệm vụ, Bác đã đến sân bay thăm hỏi, động viên các phi công trẻ. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng đến thăm và dặn dò: “Các đồng chí nên nhớ là từ thời Hồng Bàng tới giờ ta mới có không quân. Tổ tiên ta đã đánh kẻ thù trên mặt đất bằng nhiều trận quyết chiến lịch sử, nhưng giờ đây ta mới có lực lượng không chiến, vì vậy các đồng chí phải coi đây là nhiệm vụ lịch sử của dân tộc”.

Trong những năm làm Chính ủy Đoàn Sao Đỏ, ông Kính thường có mặt ở sân bay Nội Bài làm công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay chở Bác trước và sau mỗi chuyến công tác, vì vậy hầu như năm nào ông cũng được gặp Bác Hồ. “Mỗi khi máy bay đưa Bác đi công tác hoặc hạ cánh ở sân bay Nội Bài, Bác lại vào thăm anh em trực ban, trực chiến, tặng quà và động viên các phi công. Lúc xuống sân bay, chúng tôi tổ chức chu đáo việc đón Bác, nhưng Bác thường xuống kiểm tra nơi sinh hoạt và điều kiện ăn ở của các phi công trước. Xuống nhà bếp, thấy khẩu phần ăn của phi công không bảo đảm hoặc chưa sạch sẽ, Bác phê bình ngay”, ông Kính nhớ lại.

Sau này, cứ đều đặn một, hai tháng, Bác lại mời các phi công xuất sắc tới Phủ Chủ tịch dự bữa cơm thân mật. Để kịp thời động viên khen thưởng, mỗi khi phi công ta bắn rơi một máy bay Mỹ, Bác quyết định tặng mỗi phi công một huy hiệu của Người.

Năm 1973, ông Kính được cử sang Liên Xô học chuyên ngành chỉ huy không quân và có dịp chứng kiến sự khâm phục của bạn bè các nước dành cho cán bộ, chiến sĩ PK-KQ Việt Nam. Ông kể: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng tôi sang Liên Xô học tập nhằm chuẩn bị giải phóng miền Nam. Tới nơi, chưa học được gì nhiều thì đã thấy bạn tập hợp đông đảo tướng lĩnh, giáo viên và học viên các nước lại để nghe ta kể kinh nghiệm diệt máy bay Mỹ. Họ thường nêu hai câu hỏi chính: “Làm sao chống lại được việc gây nhiễu của không quân địch?” và “Làm thế nào để trang bị cho cán bộ, chiến sĩ không quân có được một tinh thần chiến đấu dũng cảm khi đối mặt với máy bay Mỹ?”.

Cùng các phi công giải đáp thắc mắc của bạn bè quốc tế, ông Kính càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ, của Trung ương và niềm vinh dự của một đơn vị không quân gánh sứ mệnh đương đầu với không lực Hoa Kỳ.

Người “sở hữu” 9 huy hiệu Bác Hồ

Theo gợi ý của Trung tướng Chu Duy Kính, chúng tôi tìm đến số 10, ngõ 178 Thái Hà (Hà Nội) để gặp Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, người phi công bắn rơi 9 máy bay Mỹ và là một trong số 15 phi công được phong danh hiệu Anh hùng của Trung đoàn 921.

Năm 2004, Trung tướng Cốc bị ngã và chấn thương khá nặng. Để có thể ngồi xe lăn và tiếp chuyện khách như hiện nay, 9 năm qua ông đã phải kiên trì bền bỉ tập luyện để chiến thắng bệnh tật. Gặp chúng tôi, ông mỉm cười: “Đang khỏe chân, mạnh tay, giờ phải nằm một chỗ cũng thấy bí bách, nhưng bên tôi luôn có đồng đội, gia đình và bạn bè thân thiết”.

Gợi lại những tháng ngày đầu tiên bước chân vào quân ngũ, lúm đồng tiền trên má ông xoáy sâu, trẻ trung đến bất ngờ: “Ngày 9-6-1961, tôi nhận giấy gọi vào Trường Dự khóa bay đóng ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng) rồi được cử sang Liên Xô học lái máy bay. Cả đoàn hơn trăm học viên, sau khi học xong lý thuyết còn lại 60 người. Đến khi về nước, chỉ còn 15 người đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp phi công tiêm kích, trong đó có tôi”.

Chính ủy Trung đoàn 921 Chu Duy Kính (giữa) và hai phi công: Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân (bên phải). Ảnh do nhân vật cung cấp.

Công tác tại Trung đoàn 921 một thời gian, Nguyễn Văn Cốc được tuyển chọn đi học chuyển loại máy bay Mig 21 ở Liên Xô, tới tháng 6-1966 thì trở về nước chiến đấu. “Trong đội hình biên đội Mig 21, tôi luôn ở vị trí số 2. Nhiệm vụ của tôi là yểm trợ, quan sát đối phương, giúp cho số 1 vào công kích, nhưng ở vị trí ấy, tôi đã hạ 6 máy bay Mỹ. Thành tích ấy có được là nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ và vận dụng khéo léo các quy tắc chiến thuật trên không của cả biên đội. Nếu chỉ có số 1 vào công kích, tối đa biên đội chỉ tiêu diệt được 2 máy bay địch, còn theo cách đổi mới này, phi đội có lúc bắn hạ được 3 máy bay đối phương, làm cho kẻ thù hoang mang”.

Từ những chiến công hạ địch ở vị trí số 2, đồng đội đã đặt cho Nguyễn Văn Cốc những biệt danh “Chim cắt số 2”, “Dũng sĩ trên bầu trời”... Trung tướng Nguyễn Văn Cốc bảo rằng, đời quân ngũ của ông có nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng xúc động nhất vẫn là kỷ niệm trong lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, khi mà ông đã “sở hữu” 9 huy hiệu của Bác.

Dịp Tết Kỷ Dậu 1969, Nguyễn Văn Cốc có mặt trong đoàn cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của Trung đoàn 921 về Hà Nội dự gặp mặt. “Chẳng hiểu vì sao chúng tôi lại có linh cảm: Nhất định lần này sẽ được gặp Bác Hồ. Vì thế ai cũng chọn bộ quân phục đẹp nhất để mặc. Chẳng riêng gì tôi mà các anh đã nhiều lần được gặp Bác như Trần Hanh, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị... cũng hồi hộp không kém”, Trung tướng Cốc nhớ lại.

Đúng như mọi người mong đợi, khi các đại biểu có mặt đông đủ tại hội trường, với dáng cao gầy, cây gậy trúc giản dị cầm tay, Bác Hồ thong thả bước vào. Khi đứng ở vị trí thuận lợi nhất để tất cả mọi người được nhìn rõ, Bác ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Nghe Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo thành tích xây dựng và chiến đấu của Quân chủng xong, Người hướng xuống phía hội trường hỏi:

- Buổi gặp mặt hôm nay có mấy đồng chí là Anh hùng Quân đội?

Chính ủy Đặng Tính thưa:

- Thưa Bác, có 5 đồng chí ạ!

Bác cười hiền từ rồi hỏi tiếp:

- Chú nào bắn rơi nhiều máy bay nhất?

Chính ủy Đặng Tính báo cáo:

- Thưa Bác, đồng chí Nguyễn Văn Cốc, Phi công Trung đoàn 921 bắn rơi nhiều nhất ạ.

Bác lại hỏi:

- Chú Cốc có mặt ở đây không? Lên đây gặp Bác.

Nghe Bác gọi đến tên, không lường trước được tình huống này nên lúc đó Nguyễn Văn Cốc rất bối rối. Anh muốn chạy nhanh về phía Bác, nhưng rồi lại thầm nghĩ: “Mình là sĩ quan quân đội, phải có tác phong quân sự chứ”. Nghĩ vậy, Cốc đĩnh đạc bước đến, đứng nghiêm trước mặt Bác và giơ tay chào:

- Báo cáo Bác, phi công Nguyễn Văn Cốc có mặt ạ.

Bác nhìn Cốc trìu mến:

- Chú bắn rơi được bao nhiêu máy bay Mỹ?

- Thưa Bác, cháu bắn rơi được 9 chiếc ạ.

Bác lại hỏi:

- Thế chú được tặng mấy huy hiệu của Bác rồi?

- Dạ thưa Bác, 9 chiếc ạ.

Bác cười, nắm chặt tay chàng phi công trẻ và ôm hôn:

- Chú Cốc giỏi lắm, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ là giỏi!

 Nói rồi Bác cầm tay Cốc giơ cao, sau đó hướng xuống hội trường:

- Năm mới, Bác chúc cho Không quân có nhiều Cốc hơn nữa.

 “Đó là khoảnh khắc đáng nhớ và đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Lần đầu tiên tôi được gặp Bác, nhưng cũng là lần cuối cùng, bởi tháng 9 năm ấy Người mãi mãi ra đi”. Kể lại chuyện cũ, Anh hùng Nguyễn Văn Cốc không nén nổi xúc động. Trong ký ức vị tướng không quân, lời dạy của Người cùng 9 huy hiệu Bác trao vẫn luôn tỏa sáng…


VŨ MINH - QUỲNH VÂN