Tôi tình cờ gặp CCB Trịnh Văn Đức khi ông về Hải Dương thăm bạn chiến đấu. Rất nhiều kỷ niệm được những người lính già chia sẻ với nhau, trong đó có trận tập kích phá cầu Hói Cạn thuộc địa phận xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Mặc dù trận đánh diễn ra cách đây gần 45 năm nhưng diễn biến của nó vẫn còn in sâu trong ký ức của CCB Trịnh Văn Đức. Ông nhớ lại: Tháng 10-1974, Đại đội 2, Tiểu đoàn 21, Quân khu Trị Thiên được giao nhiệm vụ phá hủy đường sắt, ngăn chặn tiếp tế của địch từ Huế ra Quảng Trị. Sau khi nghiên cứu tình hình, đại đội chọn cầu Hói Cạn làm mục tiêu tiến công. Theo phương án xác định, đại đội sử dụng Trung đội 1 được tăng cường một tổ trinh sát của Đại đội 2 và một khẩu đội ĐKZ của Đại đội 4 để thực hiện nhiệm vụ.
Là chiến sĩ trinh sát có nhiều năm kinh nghiệm nên Trịnh Văn Đức được giao nhiệm vụ cùng đồng chí Quý, Trung đội trưởng Trung đội ĐKZ, đồng chí Toát-Trung đội trưởng Trung đội 1 do đồng chí Miêng, Đại đội trưởng Đại đội 2 chỉ huy đi trinh sát thực địa. Buổi sáng trước hôm diễn ra trận đánh một ngày, bộ phận trinh sát tiếp cận mục tiêu và phát hiện lực lượng địch bảo vệ cầu Hói Cạn khoảng một trung đội bộ binh thiếu. Bên trong trận địa, địch xây dựng một lô cốt và 7 ụ súng, phía bên ngoài chúng bố trí hai lớp hàng rào mái nhà đứt đoạn dọc hai bên đường tàu với ý đồ vừa ngăn chặn ta tiến công, vừa bảo vệ đường ray. Sau khi trinh sát về, Đại đội trưởng Miêng hội ý trong ban chỉ huy và quyết định dùng mìn ĐH-10 để phá hai lớp hàng rào mái nhà, sau đó xung phong tiêu diệt địch.
|
|
CCB Trịnh Văn Đức (bên trái) gặp lại CCB Nguyễn Văn Lệ - người cùng tham gia trận tập kích cầu Hói Cạn. |
Buổi tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, Trịnh Văn Đức được lệnh dẫn đường cho đơn vị cơ động tiếp cận mục tiêu. Khoảng 2 giờ sáng, các bộ phận đã vào vị trí triển khai, bảo đảm yếu tố bí mật và chờ lệnh nổ súng. Đến giờ G, đồng chí Miêng lệnh điểm hỏa mìn ĐH-10 để phá hàng rào, tuy nhiên, do mìn bị đứt dây nên không nổ. Trước tình huống đó, đồng chí Miêng lệnh cho Trịnh Văn Đức sử dụng B41 tiêu diệt mục tiêu lô cốt đầu cầu. Ông Đức nhớ lại: “Nhận được lệnh, tôi lấy phần tử bắn và bóp cò, đạn bay trúng mục tiêu nhưng lô cốt chỉ bị sập một góc. Bị lộ, địch sử dụng hỏa lực trong công sự bắn mạnh về phía đội hình của ta. Tôi và đồng chí Toát đi đầu đội hình, vừa vượt qua được lớp hàng rào mái nhà bên ngoài thì vướng phải lớp hàng rào bùng nhùng. Đây là lớp hàng rào địch mới bố trí thêm vì hôm trước đi trinh sát không có. Đồng chí Toát bị mắc lại ở hàng rào bùng nhùng và bị thương, tôi may mắn lách qua được, lăn xuống ta luy đường tàu bên kia”.
Quan sát phía sau, Trịnh Văn Đức thấy đơn vị vẫn ở bên ngoài hàng rào và bị hỏa lực 12,8mm, súng phóng lựu M79 của địch trong công sự bắn ra ngăn chặn không thể vào được. Lúc này chỉ có một mình vào được bên trong nên Trịnh Văn Đức dùng “võ miệng” để làm địch hoang mang. Ông Đức kể tiếp: “Lúc đó, tôi hô to: “Tiểu đội 1 báo cáo… Tiểu đội 1 đã vào vị trí. Tiểu đội 2 báo cáo… Tiểu đội 2 đã vào vị trí…”. Địch thấy vậy tưởng bộ đội ta đã phá được hàng rào vào bên trong nên hoảng loạn. Tận dụng thời cơ, tôi nạp quả đạn B41 thứ hai và nhằm lô cốt đầu cầu đã bị sập một góc để bóp cò, lần này, lô cốt bị đánh sập hoàn toàn”.
Do địch bắn pháo sáng nên các ụ súng hiện rõ ngay trước mặt, thấy đây là thời cơ tốt để tiêu diệt địch nên Trịnh Văn Đức tiếp tục nạp đạn bắn phát thứ 3, lại một ụ súng nữa bị nổ tung. Sau khi bắn xong 3 quả B41 thì bị ù tai nhưng thấy các mục tiêu ở rất gần, có những mục tiêu chỉ cách khoảng 15m nên Trịnh Văn Đức nghĩ ra cách kẹp súng B41 vào nách để bắn. Đến quả thứ 5 thì hết đạn, Đức quay ra hàng rào lấy thêm hai quả đạn B41 của đồng đội, sau đó tiếp tục trở lại tìm các ụ súng để tiêu diệt. Tổng cộng, Trịnh Văn Đức bắn 7 quả đạn B41, tiêu diệt một lô cốt và 4 ụ súng. Địch sợ hãi gọi nhau bỏ chạy khỏi trận địa; lúc này, đơn vị cũng vào được bên trong thu chiến lợi phẩm và phá hủy đường ray.
Kết thúc trận đánh, đơn vị phát động phong trào học tập tấm gương quả cảm, mưu trí của đồng chí Trịnh Văn Đức. Sau này, Trịnh Văn Đức được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Chiến công hạng Ba.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG