Nhờ giọng nói dễ nghe, lại đam mê thơ phú nên tôi được giao nhiệm vụ trở về quê hương làm công tác địch vận. Tranh thủ tổ chức hội phụ nữ cứu quốc xã, tôi lập mưu kế kêu gọi binh lính địch quay súng trở về với chính nghĩa. Tết Kỷ Sửu 1949, bọn lính là tay sai của Pháp đem bánh chưng, giò chả, kẹo mứt, hoa quả... úy lạo dân để gây cảm tình hòng chiếm đoạt những cô gái trẻ trong làng làm vợ của chúng. Tết kháng chiến nghèo, tôi bàn với chị em không bỏ lỡ cơ hội nhận quà nhưng phải thật khôn khéo, quyết không để cô gái nào rơi vào tay giặc. Nhờ cách thuyết phục mềm dẻo nhưng kiên quyết, tôi cùng bà con trong làng lần lượt gỡ thế bí cho 12 cô gái trẻ đang ở tuổi 16, 17 thoát khỏi “bầy quỷ”.
Sau khi trở thành chiến sĩ trong quân đội, tháng 6-1951, tôi bị địch bắt. Chúng dùng đủ đòn tra tấn dã man, kể cả đào hố đe dọa chôn sống nhưng tôi cùng hai nữ chiến sĩ khác vẫn kiên trung, không khai nửa lời. Tại nhà tù Máy Chai (Hải Phòng), tôi bí mật làm bài thơ địch vận nôm na dài 50 câu kêu gọi binh lính địch quay về với nhân dân. Một lần, tên cai tù nghi tôi, hắn theo dõi lục soát phòng giam, tôi liền thủ bài thơ ấy trong người rồi kêu đau bụng chạy vội ra nhà vệ sinh cất giấu. Bài thơ ấy sau được tung ra ngoài, địch chuyền tay nhau đọc. Lời kêu gọi trong thơ khiến lính ngụy xem như những lời gọi thống thiết của mẹ, của vợ chúng từ quê hương gọi chồng con quay súng trở về. Và ngay trong dịp Tết Nhâm Thìn 1952, lần lượt 19 lính ngụy tại địa phương trở về, lên chiến khu gia nhập lực lượng cách mạng.
Thực tình, tôi đâu có muốn “trình làng” việc mình đã hoạt động địch vận trong mỗi dịp Tết kháng chiến của cái thời “chín năm” đánh Pháp như thế. Song, hội cựu chiến binh phường đã “liệt” tôi vào danh sách những cựu chiến binh có nhiệm vụ “kể chuyện truyền thống” phục vụ con cháu hôm nay. Mỗi khi làm nhiệm vụ này, tôi thấy những đôi mắt trẻ trung của con cháu hướng về mình, chúng phấn chấn bao nhiêu, tôi càng tự hào bấy nhiêu bởi đã vượt lên tuổi già, đóng góp sức mình xây dựng quê hương.
ĐINH QUANG HUY (*)
(*) Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Trần Thị My ở khu phố Nam Tân, phường Nam Khê, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.