Trong khu nhà xưởng luôn rộn ràng tiếng máy reo. Đứng bên khung cửi, chị Tâm tỉ mẩn theo dõi những đường tơ ngang dọc dệt hoa văn họa tiết. Mấy chục năm gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống, chị vẫn tự mình đứng máy để làm ra những tấm lụa óng ả. Giới thiệu xong quy trình dệt, chị tạm ngưng tay bước sang gian hàng lưu niệm. Nơi đó trưng bày khá nhiều sản phẩm lụa truyền thống, tặng phẩm, bằng khen, giấy khen, ảnh lưu niệm. Ánh mắt chị dừng lại bên bức ảnh cũ chụp cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xưởng dệt. Chị kể lại kỷ niệm ấy trong niềm xúc động: “Ngày 9-3-2003, tôi cùng các thợ dệt đang làm việc thì có tiếng xôn xao ngoài sân. Thế rồi một người đi vào báo tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xưởng dệt. Chúng tôi vui lắm, chạy ùa ra đón Đại tướng. Đi cùng đoàn có một số cán bộ của các cơ quan Trung ương và tỉnh Hà Tây (trước đây). Đại tướng đến bên máy dệt đang chạy, thăm hỏi từng người thợ phụ trách máy”.
Tiếp đoàn khi đó là ông Triệu Văn Mão (bố chồng chị Tâm) giới thiệu với Đại tướng về xưởng dệt, về những ngày khó khăn khi cả nước chuyển từ cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã giải thể, gia đình đã thuê lại 4 máy rồi tự sản xuất, duy trì nghề cho đến nay. Nghe chuyện xong, Đại tướng chia sẻ: “Tôi biết ông là người tâm huyết và có công trong gìn giữ nghề. Thế ông có truyền lại cho ai không?”. Lúc ấy ông Mão thành thực thưa lại: “Dạ tôi có 5 người con, cô con dâu Tâm này đam mê tâm huyết hơn cả nên tôi dạy nghề. Mà truyền cho dâu con trong nhà thì nghề tổ mới bền vững, không bị mai một được ạ!”.
Đại tướng nghe vậy rất phấn khởi. Khi ấy chị Tâm đứng ngay cạnh liền giới thiệu tấm lụa do mình làm ra. Đại tướng rất vui bởi sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam không hề thua kém các nước bạn. Đại tướng căn dặn, những sản phẩm lụa có chất lượng cần được giới thiệu trên thị trường để nhiều khách quốc tế biết đến, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người thợ thủ công. Thế rồi có người giới thiệu chị Tâm đã từng phục chế thành công hai kỷ vật quý là bức rèm cửa phòng khách của Bác Hồ do cán bộ ở Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đem đến và chiếc khăn mùi xoa đề dòng chữ “Phụ nữ cứu quốc Hà Đông kính tặng Bác” lưu trữ tại Bảo tàng Công an nhân dân. Đại tướng nghe vậy rất phấn khởi, động viên: “Cháu cố gắng tiếp thu kinh nghiệm của lớp người đi trước để làm ra nhiều sản phẩm chất lượng”.
Sau lần gặp mặt ấy, chị Tâm luôn ghi nhớ những lời căn dặn của Đại tướng, coi đó là nguồn động viên để bản thân có thêm quyết tâm gắn bó với nghề dệt lụa. Chị đã khôi phục thành công dòng lụa Vân nổi tiếng. Miệt mài lao động sáng tạo, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được tặng nhiều phần thưởng. Gian hàng giới thiệu sản phẩm lụa của gia đình chị được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là địa điểm mua sắm phục vụ khách du lịch hàng đầu Việt Nam.
VŨ DUY