Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, cuối năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam. Anh đề nghị chọn một số cán bộ đi cùng để hỗ trợ công việc. Vì lúc đó chiến trường B đang cần một số cán bộ quân chủ lực có nhiều kinh nghiệm vào gấp để xây dựng quả đấm chủ lực cho Miền. Số được chọn có đủ cả cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần đại diện của các quân binh chủng. Khi ấy tôi đang là Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân đã được trên chọn vào đội hình này. Sau gần ba tháng tham gia lớp học đặc biệt, chúng tôi lần lượt được cử vào chiến trường B. Để bảo đảm an toàn, mỗi tổ xuất phát một ngày bằng một đường riêng. Tổ của tôi gồm năm người, lập thành một chi bộ do anh Nguyễn Thế Bôn làm tổ trưởng, anh Phú, anh Xuân Tiêu pháo binh, anh Nguyễn Văn Lưu, Quân khu 3 là tổ viên, tôi (Văn Phác) là bí thư chi bộ đi bằng đường biển.

Sau bảy ngày bảy đêm vô cùng mạo hiểm trên con tàu không số bé nhỏ chất đầy vũ khí, thuốc nổ, chúng tôi cũng vào được an toàn ở một bến ngầm cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh. Được du kích Miền đón đợi, chúng tôi chuyển lên đi theo đường giao liên. Phải mất một tháng trời từ Thạnh Phú, qua ấp Bắc, Mỏ Cày... chúng tôi mới tới được R Tây Ninh (cơ quan của Trung ương Cục miền Nam). Sáng hôm sau ở đại bản doanh của Bộ chỉ huy Miền gần đấy chúng tôi được gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Anh vui vẻ giới thiệu với mọi người, rồi Anh nói ngay về tình hình, nhiệm vụ của chiến trường và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Tôi được phân đảm trách nhiệm vụ Chánh văn phòng Quân ủy Miền, bí thư riêng cho Anh. Trước tiên anh hỏi chúng tôi trên đường đi có theo dõi chiến thắng Bình Giã không? Rồi anh phân tích: Đây là đòn đầu tiên, trung đoàn chủ lực của ta diệt chiến đoàn ngụy ngoài công sự. Nhưng ta còn phải vươn lên để có nắm đấm chủ lực lớn hơn, mạnh hơn đủ sức diệt gọn cả tiểu đoàn chủ lực ngụy trong công sự mới hy vọng xoay chuyển nổi tình hình. Anh nhắc đi nhắc lại nhiệm vụ cần kíp trước mắt là phải có phong trào chiến tranh nhân dân mạnh, phải có quả đấm chủ lực mạnh mới mong nắm chắc phần thắng trong tay. Thỏa mãn dừng lại lúc này là có tội, phải thừa thắng xốc tới, quyết tâm đập tan chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch.

Liền ngay sau đấy, Anh Thanh cùng Bộ chỉ huy quân sự Miền gấp rút chỉ đạo việc chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài. Đây là chiến dịch lớn cả về mục đích yêu cầu, lực lượng tham gia và thời gian kéo dài của chiến dịch. Trong lúc chiến dịch Đồng Xoài đang diễn ra ở Phước Long thì quân và dân khu V cũng thắng lớn trong trận Ba Gia ở Quảng Ngãi. Để cổ vũ khí thế chiến thắng, hôm sau Anh viết bài “Ba Gia gọi Đồng Xoài” lấy bút hiệu “Trường Sơn”. Anh nêu bật một nhận định có ý nghĩa to lớn, phân tích sâu sắc chiến thắng vang dội này. Theo Anh, đây là thắng lợi quan trọng ngăn chặn một bước chiến lược bình định gom dân lập ấp của địch, đồng thời cũng bộc lộ sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy... Điều đó chứng tỏ quân và dân miền Nam đã giành quyền làm chủ trên chiến trường. Bài báo được Đài phát thanh Quân giải phóng phát đi phát lại nhiều lần, gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận cả trong và ngoài nước. Tiếp sau Anh còn viết nhiều bài khác nêu lên những ý kiến mới với những phân tích sâu sắc của Anh như bài “Mỹ giàu nhưng không mạnh”. Những bài viết mang bút hiệu “Trường Sơn” khi ấy đã làm bừng bừng khí thế giết giặc của mọi người, từ người dân thường đến cán bộ cao cấp, từ anh binh nhì đến sĩ quan cấp tướng trong quân đội, cả trong nước và bạn bè quốc tế. Đồng chí Trường Chinh cũng đã nhận xét: Nội dung sâu sắc, tác dụng to lớn. Nghe bài bình luận quân sự của Trường Sơn, thấy như tác giả đang viết ngay trên chiến hào đầy khói súng.

Một lần vào buổi tối, gọi tôi sang lán chỉ huy, Anh Thanh hỏi: “Chú có nghe tin gì mới không?”. Rồi Anh nói ngay: “Hôm nay Mỹ đã đổ hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến vào Đà Nẵng, chúng sẽ còn tiếp tục đổ thêm quân vào nữa. Chú báo ngay cho bên tham mưu theo dõi sát, nắm kỹ tình hình để giao ban sáng mai Bộ chỉ huy Miền bàn biện pháp chủ động đối phó. Từ hôm ấy, Anh dồn sức vào chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm để chắc thắng của chiến dịch Đồng Xoài, chuẩn bị ngay cho cuộc đọ sức trực tiếp với quân đội Mỹ. Đặc biệt tập trung xây dựng quyết tâm đánh Mỹ trong bước chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng trên chiến trường miền Nam”.

Tôi còn nhớ và ấn tượng mãi một lần chủ trì hội nghị mở rộng của Quân ủy Miền để bàn gấp những vấn đề cấp bách đối với “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, trong đó nổi lên hai tư tưởng lo ngại: đánh Mỹ thế nào? Có thắng Mỹ không?

Hội nghị bàn đi bàn lại, nêu nhiều phương án và cách đánh. Cuối cùng ý kiến quả quyết Anh Thanh nhấn mạnh và kết luận: Cách đánh rồi sẽ bàn sau, ta phải trực tiếp quần nhau với chúng sẽ tìm ra cách đánh chúng. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên bây giờ phải giải quyết là vấn đề tư tưởng. Phải xây dựng cho được quyết tâm dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ, quyết tâm đập tan kế hoạch phản công mùa khô 1965-1966 của chúng. Nếu dám đánh Mỹ thì chúng ta sẽ tìm ra cách đánh Mỹ. Từ ý kiến của Anh, Quân ủy Miền nhất trí phát động một phong trào thi đua “Dám đánh và quyết thắng Mỹ” với những khẩu hiệu đầy sức sống được Anh khái quát, sau này đã trở thành câu nói cửa miệng của quân và dân miền Nam: “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”... Khởi đầu từ T.4 (Đặc khu Sài Gòn) sau đó nhanh chóng phát triển thành cao trào rộng lớn toàn miền Nam.

Được theo Anh Thanh vào chiến trường B, được làm việc cùng với người “bình luận quân sự” Trường Sơn, tôi thấy ở Anh toát lên một quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ sắt đá. Một thái độ lạc quan đầy tin tưởng, phân tích sắc sảo, khách quan, khoa học về những vấn đề chính trị, quân sự ở miền Nam, ở Việt Nam và rộng ra trên cả thế giới. Những hình ảnh đó đến giờ tôi không thể nào quên.

Thiếu tướng Văn Phác-Bùi Minh Đức (ghi)