Ngày đó, anh lính trẻ Nguyễn Nhân Mùi có mặt trong đội hình của Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) đang ở Quảng Trị hành quân thần tốc vượt Trường Sơn vào tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Sau khi tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột rồi giải phóng Tây Nguyên, theo lệnh của cấp trên, Trung đoàn 95B tiếp tục cơ động theo Đường 20 xuống Xuân Lộc, Đồng Nai để phá “cánh cửa thép” địch đang chốt chặn án ngữ cửa ngõ Sài Gòn.
Xuân Lộc bấy giờ trở thành trung tâm phòng ngự vững chắc, kiên cố, được địch tập trung lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vũ khí hiện đại cùng sự hỗ trợ của không quân, pháo binh tối tân. Trung đoàn 95B được lệnh phối thuộc với Sư đoàn 6 tiến công chiến đoàn 52 địch, chiếm giữ Chi khu Gia Khiêm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Quốc lộ 1A (đoạn Xuân Lộc đến Bàu Cá) và Đường 20 (đoạn Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây). Ngày 17-4-1975, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 của Nguyễn Nhân Mùi được giao nhiệm vụ tiến công địch dọc Đường 20. Anh Mùi kể: “Lúc đó, khoảng 8 giờ, phát hiện thiết giáp địch ở phía trước cách đội hình chúng tôi khoảng 300m, lợi dụng tán rừng, chúng tôi triển khai đội hình chiến đấu. Tôi là xạ thủ B41, Nguyễn Văn Tịnh là xạ thủ B40 cùng hai đồng chí sử dụng súng AK được Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn cử lên phía trước đội hình. Chúng tôi đào công sự cách nhau khoảng 4m sau mỗi gốc cây. Vừa đào vừa cảnh giác địch, mồ hôi ướt đầm áo, đất bết dính vào người...”.
    |
 |
Nhà báo Nguyễn Nhân Mùi (bên trái) tác nghiệp. |
Anh Mùi kể tiếp: “Bên kia địch trông rõ mồn một, xe thiết giáp chúng bố trí dày đặc, tên chỉ huy đứng trên xe chĩa ống nhòm về phía chúng tôi nói câu gì không rõ. Chúng tôi vừa đào công sự xong thì pháo địch từ Trảng Bom bắn tới cấp tập. Cây đổ ngả nghiêng, đất đá tung tóe, mùi thuốc súng với khói bụi đến ngạt thở. Bên kia cánh đồng, thiết giáp địch cũng xuất phát. Pháo, đại liên 12,7mm gắn trên xe bắn như vãi đạn. Hai chiếc thẳng hướng về phía tổ chúng tôi nã đạn liên hồi, mảnh pháo cắm vào gốc cây phía trước công sự. Tôi nhìn sang nháy mắt với Tịnh, ngầm ý chờ chúng đến thật gần rồi bắn. Đạn đã sẵn sàng, xe tăng địch đến đúng cự ly, tôi bóp cò, đạn bay căng như kẻ chỉ đúng vào chiếc bên phải nổ tung, khói đen từ xe bốc ra cuồn cuộn”.
Đang chờ quả đạn của Tịnh tiêu diệt nốt chiếc xe còn lại thì một tiếng nổ đanh hất đổ gốc cây đè vào người Tịnh đang ngắm bắn. Không chần chừ, đồng chí Nguyễn Văn Sinh, y tá đại đội từ phía sau chạy lên cõng Tịnh về tuyến sau cấp cứu. Trận đánh giằng co ác liệt. Phía trước đội hình chiến đấu của Đại đội 9 có nhiều thiết giáp bốc cháy, xác địch phơi đầy trên ruộng. Tuy nhiên, từ phía sau, thiết giáp của chúng vẫn chồm lên cùng bộ binh dày đặc, hỏa lực cày nát mặt đất. Sau gần 3 giờ đồng hồ giao chiến, quân ta thương vong nhiều. Nhận thấy khả năng không giữ được trận địa, Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn phải ra lệnh lui quân để củng cố lực lượng. “Địch được bổ sung lực lượng tiến đến rất gần. Quân số đại đội chỉ còn mấy tay súng, khó có thể cản bước tiến của địch. 15 giờ, nhận lệnh rút lui, tôi chạy men theo triền đồi được hơn 100m thì gặp một bờ suối sâu, phía dưới cây cối rậm rạp. Quay nhìn lại phía sau, quân địch chỉ còn cách khoảng 50m đến 60m, đạn bắn theo sau gót chân. Không lưỡng lự, tôi lao mình xuống dưới. Bộ binh địch ập đến, đứng trên bờ la ó, ném lựu đạn, bắn xuống bờ suối. Tôi rơi xuống lùm dây rừng, bị thương bên sườn trái, máu chảy đỏ áo. Đói, khát, kiệt sức, dây rừng quấn chặt, tôi nằm mê man. Màn đêm xuống nhanh, phút yên tĩnh hiếm hoi sau trận đánh, bất giác tôi chợt nghĩ mình sẽ chết, sẽ gửi lại tuổi thanh xuân ở mảnh đất Xuân Lộc này. Rồi tôi lại nghĩ có thể mình sẽ rơi vào tay địch… Cô đơn, tuyệt vọng, tôi thiếp đi lúc nào không hay”-anh Mùi nhớ lại.
    |
 |
Nhà báo Nguyễn Nhân Mùi (bên trái) và đồng đội chụp ảnh ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Khoảng 22 giờ, anh Mùi tỉnh dậy khi nghe tiếng súng, hình như đồng đội trở lại. Biết mình còn sống, lòng khấp khởi mừng thầm, đồng đội sẽ chiếm lại trận địa đã mất, sẽ có người phát hiện anh ở đây. Vài phút sau, tiếp tục nghe tiếng súng, rồi tiếng xe tăng ầm ầm nổ máy. Anh như muốn reo lên nhưng lúc đó tiếng chỉ phát ra đến cổ họng. Như được tiếp thêm sức lực, anh vớ con dao găm cắt đứt từng sợi dây rừng. Một bên chân tê cứng, toàn thân đau buốt nhưng anh vẫn cố lết sang bờ bên kia suối cạn rồi kiệt sức thiếp đi lần nữa.
“Hửng sáng, tiếng gà rừng gáy xa xa làm tôi bừng tỉnh. Vừa mở mắt, bỗng nghe tiếng bước chân đi lại, tôi giật mình lấy tay sờ quả lựu đạn còn bên sườn đề phòng gặp địch. Quan sát kỹ thì thấy một ông cụ trên tay cầm con dao đi tới. Ông nói từ xa: “Để tôi giúp”. Nhìn ông lão hiền từ, dáng nông dân lam lũ nên tôi thấy yên tâm. Đến bên, thấy tôi bị thương nặng, ông liền đi gọi cháu gái dìu tôi vào trong một túp lều nhỏ, lấy khăn ướt lau mặt và hái quả mớm cho tôi ăn. Gần trưa, sau khi băng bó lại vết thương, được ông cháu chăm sóc tận tình, sức khỏe có chút hồi phục, tôi sốt sắng xin phép lên đường đi tìm đơn vị. Do sức khỏe tôi còn yếu nên ông lão đã dìu tôi vượt qua mấy cánh rừng, cuối cùng cũng tìm được chỗ đơn vị đóng quân. Gặp đồng đội, mừng vui khôn tả, tôi cảm ơn ông cụ đã nhiệt tình cứu giúp trong lúc hiểm nguy mà không nói nên lời, nước mắt cứ rưng rưng. Lúc chia tay, ông còn dặn sau này hết chiến tranh nhớ quay lại Xuân Lộc, Long Khánh…”.
Thời gian cuốn theo từng trận đánh, rồi công việc, cuộc sống mưu sinh nên đã 45 năm mà anh Mùi chưa có dịp về chiến trường xưa, nhưng kỷ niệm về trận Xuân Lộc vẫn theo anh đi suốt cuộc đời.
AN VÕ