Bây giờ, anh đã là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Nguyễn Văn Được. Có thể do công việc bận rộn, cũng có thể anh coi đó như là một hành động tự nhiên, nên không còn nhớ những trận đánh ấy, song chúng tôi-những người lính cùng thời, cùng Sư đoàn 312 với anh hồi đó, lại bị cuốn hút kỳ lạ. Cũng dễ hiểu thôi, chiến sĩ trẻ nào vào mặt trận mà không có mơ ước lập công.

Trước ngày anh Được chuyển về đơn vị chúng tôi, chuyện đánh giặc của anh đã lan truyền trong cánh lính trẻ như những huyền thoại. Anh gia nhập Quân giải phóng khi còn bé lắm. Còn bé, nên từ lúc ở huyện đội Nghĩa Hành, đến khi chuyển sang Tiểu đoàn 95, anh vẫn chỉ được giao có một việc: làm liên lạc. Mãi đến sau lần đánh đồn chợ Gồm, anh mới chính thức được biên chế về khẩu đội ĐKZ. Chả là trận đánh ấy kéo dài tới sáng chưa dứt điểm, địch thả bom bi  và cho quân phản kích. Ta được lệnh rút. Được đang dẫn Đại đội trưởng Tùng rời trận địa, thì một máy bay chúi xuống cắt bom, anh xô ngã Tùng, nằm đè lên trên. Đưa đại đội trưởng về đến vị trí an toàn, Được giấu mảnh bom còn găm ở tay trái, xin trở lại tìm thương binh. Loanh quanh thế nào, Được lại gặp một ụ súng của địch, tiện quả lựu đạn trong tay, Được tung vào cửa hầm, rồi nhảy vô theo cướp một khẩu AR-15 rồi mới chạy… Được chưa lớn hơn bao nhiêu đâu, nhưng hành động như thế, ai “dám” nghĩ là “còn bé”.

Anh Được xuống khẩu đội ĐKZ ít ngày, thì Tiểu đoàn 95 nhận lệnh về mật phục ở xã Thuận Linh (Phù Cát) chuẩn bị đánh không đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ đổ bộ xuống Quy Nhơn. Trận đánh ác liệt, địch trút bom dọn bãi không ngớt: đợt 1, chúng dùng bom tấn, bom tạ xới tung hầm hào lên; đợt 2, chúng rải bom bi sát thương người trồi lên mặt đất; đợt 3, là bom na-pan cho thiêu trụi tất thảy, rồi từng đoàn trực thăng mới ồ ạt kéo đến. Ta quá biết các quy luật này, nên đã bố trí lực lượng và trận địa ngoài dự kiến của chúng. Cả tiểu đoàn nằm yên trong lòng đất chờ giặc. Được nhấp nhổm quan sát. Anh đếm đến chiếc trực thăng thứ 15 đổ quân xuống rồi lại bay lên, chúng vẫn nối đuôi nhau ùa tới như đàn nhặng. Đúng lúc ấy, lệnh nổ súng được truyền xuống. Các cỡ pháo và cả các cỡ đạn 12,7mm, đại liên của ta dồn dập chụp xuống đàn trực thăng và đám quân đang táo tác. Trận địa bị lộ. Máy bay địch lại ào tới đánh phá. Lòng Được như lửa đốt. Anh là lính hỏa lực, nhưng chưa có số. Phải tới lúc 3 người trong khẩu đội bị thương nặng, anh mới được ngồi vào vị trí pháo thủ số 1. Được ham đánh giặc thì rõ rồi, nhưng rõ là có “khiếu” nữa: Học ĐKZ được mấy buổi mà anh sử dụng súng thành thạo và bắn rất chính xác. Cuộc đổ quân của không đoàn kỵ binh bay số 1 thất bại. Chúng bỏ lại 14 chiếc trực thăng cháy và nhiều xác chết. Bình công, khẩu đội được tiểu đoàn công nhận diệt 90 tên…

Sau trận này, khẩu đội ĐKZ của Được còn liên tiếp tham gia nhiều trận đánh khác, như trận phục kích đoàn tàu chở vũ khí ở ga Hàm Tân; trận tập kích tiểu đoàn lính Mỹ trên đèo Nhông… Trận nào cũng gặp nhiều tình huống éo le, nguy hiểm, song khẩu đội đều vượt qua và chiến thắng. Đến trận hiệp đồng với bộ binh đánh chiếm căn cứ Trà Vinh thì phẩm chất, ý chí và bản lĩnh chiến đấu của Được càng bộc lộ rõ nét. Cứ điểm này địch xây dựng kiên cố từ lâu, bao quanh có 4 lớp rào kẽm gai đan xen với mìn, hàng rào ngoài cùng lại có gỗ chắn kín như một bức tường, khiến ta không thể phát hiện được địch trong đó đang làm gì và bố phòng hỏa lực ra sao? Khẩu đội của Được được giao nhiệm vụ phá rào, mở đường cho bộ binh xung phong. Anh đã cho bắn 3 loạt ĐKZ, hàng rào vẫn chưa bị quét sạch, trong khi đó những ụ hỏa lực từ đâu đó trong căn cứ vẫn nhả đạn như mưa vào đội hình bộ binh ta. Phải kéo nòng pháo chui vào trong mới dập tắt được mấy ụ súng này. Được bàn với anh em vậy, rồi ôm khẩu AK trườn lên trước. Đến hàng rào thứ 3 thì một quả mìn nổ, 3 pháo thủ hy sinh, còn một mình Được vừa kéo nòng pháo vừa cõng 4 quả đạn, trườn lên tiếp. Kia rồi, hai ụ súng 12,7mm đang khạc lửa. Được bình tĩnh nạp đạn vào nòng rồi đưa pháo lên vai bắn ứng dụng. Một, rồi hai ổ hỏa lực lần lượt câm họng. Bộ binh ào ạt xông lên…

Thượng tướng Nguyễn Văn Được dâng hương tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm

Buổi lễ mừng trận đánh thắng lợi ấy cũng là buổi anh Được nhận quyết định đi học khóa sĩ quan cấp tốc. Kết thúc lớp học, anh được điều về đơn vị chúng tôi với cương vị mới: Đại đội trưởng. Từng bị cuốn hút trước hành động chiến đấu say mê quả cảm của Được, giờ chúng tôi càng cảm phục hơn sự mưu trí, táo bạo, tính quyết đoán trong phong cách chỉ huy của người sĩ quan trẻ này. Với những đức tính đó, nhiều trận anh đã chuyển bại thành thắng, khó khăn thành thuận lợi. Trận mật tập đánh chiếm Pu Xô là một thí dụ. Trận ấy, Đại đội 6 bộ binh của Được chỉ đảm nhiệm hướng phụ, còn hướng chủ yếu do bộ đội đặc công đặc trách. Phụ, song Được đi trinh sát rất kỹ, trở về báo cáo tỉ mỉ, nhờ vậy cấp trên đã có quyết định chính xác: Nếu chỉ đánh mật tập, sẽ không ổn, vì Pu Xô là ngọn núi cao, hình chóp nón, đường lên dốc đứng bao quanh, lại có nhiều hàng rào và bãi chông, mìn, bộ đội tiếp cận rất khó giữ được bí mật. Vì thế các mũi, hướng phải chuẩn bị cả khả năng đánh bằng cường tập, nghĩa là trong đó không thể thiếu thang, dây và bộc phá ống, bị lộ thì phá rào xung phong luôn… Đúng như trên nhận định, chưa đến giờ nổ súng, hướng chủ yếu đã chạm mìn. Địch phản ứng dữ dội. Biết là phía đặc công đang bị lưới lửa chặn đường, Được ra lệnh nổ bộc phá quét rào, rồi ôm khối thuốc nổ 5kg dẫn một tổ thọc sâu lao thẳng vào khu hầm chỉ huy của địch và anh cũng là người trực tiếp điểm hỏa. Địch rối loạn, các mũi hướng của ta ào ạt xông lên… Thử hỏi, trong tình huống này, anh Được không nhanh chóng biến vai trò “phụ” của đơn vị thành lực lượng tấn công chủ yếu, thì trận đánh sẽ không thắng, còn thương vong sẽ đến mức nào?

Trận Phu Phựng diễn ra càng oái oăm hơn. Đây là điểm cao án ngữ đường tiến quân của ta, là cửa ngõ vùng căn cứ rộng lớn của địch. Tiểu đoàn 2 được giao “nhổ” cái gai này, tạo bàn đạp cho bước 2 chiến dịch. Kế hoạch đã triển khai: Đại đội 5 và Đại đội 7 đánh thẳng lên Phu Phựng; Đại đội 6 đón lõng, song do đại đội phó chỉ huy, còn Được thì cấp trên quyết định “ở nhà” nghiên cứu, hoàn chỉnh phương án trận đánh mới. 17 giờ, bộ đội vừa vào gọn các vị trí tập kết thì mấy tốp phản lực lao tới bắn phá đồi Xanh nằm giáp bên Phu Phựng, tiếp sau là một đàn trực thăng đến đổ quân. Được ngồi yên làm sao được. Anh chạy vội lên sở chỉ huy tiểu đoàn, ở đó trung đoàn trưởng cũng vừa xuống, đang cùng tiểu đoàn trưởng chụm đầu quanh tấm bản đồ băn khoăn, lo lắng: lực lượng đã sử dụng hết, anh em đã ém quân đánh Phu Phựng, mà “thằng” bên đồi Xanh chọc sườn, thì thắng thế nào được?…

- Báo cáo… cho chúng tôi đánh bọn vừa đổ xuống đồi Xanh ạ…

Được rụt rè nói. Trung đoàn trưởng ngơ ngác:

- Đơn vị cậu đi đón lõng cơ mà?

- Đúng, song ở nhà còn tôi, còn một cán bộ trung đội, một cán bộ đại đội và 9 chiến sĩ nữa. Báo cáo, nó mới đổ quân chưa kịp làm hầm hào, công sự, vả lại thấy Phu Phựng bị đánh, chúng còn hồn vía đâu mà chống cự ạ!…

Trung đoàn trưởng nhíu mày, lắc lắc, gật gật một hồi, rồi chợt cười ha hả ôm ghì lấy Được… Và thế là trận đánh được quyết định. Chỉ có 12 người, Được cũng chia làm 3 mũi, mũi nào cũng có hỏa lực mạnh. Vào chiến đấu, nhiều tình huống phức tạp đã xảy ra, song Được xử trí rất linh hoạt, anh còn “tương kế tựu kế” thế nào mà địch lại cứ nhằm nhau mà bắn. Kết thúc trận đánh, địch bỏ lại trên đồi Xanh 63 xác chết. Trận đánh đã giúp tiểu đoàn rảnh tay tấn công Phu Phựng giành thắng lợi hoàn toàn.

Bốn năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, Nguyễn Văn Được đã đánh biết bao trận như thế. Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng được giải phóng, theo bước chân sư đoàn Chiến Thắng, anh còn có mặt ở những chiến dịch lớn: Quảng Trị năm 1972, Hồ Chí Minh năm 1975... với nhiều cương vị khác nhau: tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, rồi sư đoàn trưởng… Song xin dừng ở đây, bởi như tiêu đề bài báo, chúng tôi chỉ xin kể về tuổi xuân đánh giặc của anh!…

NGUYỄN PHÚC ẤM