QĐND - Sau Chiến dịch Thu Đông 1947, quân ta đã đập tan tham vọng “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch; cục diện cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, cuối năm 1949, Tiểu đoàn 108, Trung đoàn Thủ Đô được lệnh chuẩn bị tấn công sân bay Bạch Mai nhằm làm suy yếu lực lượng không quân địch, giảm khả năng ứng phó của chúng với các chiến trường Đông Dương; đồng thời tạo niềm tin, sự hứng khởi cho nhân dân nội thành. Phương châm của trận đánh này là "Bí mật, bất ngờ, ít đánh nhiều, hiệu quả cao”.

Những chiến sĩ trực tiếp tham gia trận tập kích chụp ảnh với Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội Phùng Thế Tài và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 108 Trần Hải. Từ trái sang: Trần Hải, Nguyễn Văn Lân, Chu Duy Kính, Phùng Thế Tài, Lê Đình Cửu, Đặng Văn Nguyên, Nguyễn Văn Ngọ, Đàm Đình Chiến. Ảnh: Ngọc Phúc.

Sân bay Bạch Mai được bao bọc bằng những hàng rào thép gai, ao hồ và hệ thống hào sâu. Lực lượng bảo vệ gồm một đại đội lính Âu-Phi và một trung đội lính dù, do một tên đại úy và một tên trung úy Pháp chỉ huy. Xung quanh sân bay có nhiều đèn pha và lô cốt. Ngày cũng như đêm, xe bọc thép, xe ô tô và lính bộ binh thay phiên nhau tuần tiễu canh gác nghiêm ngặt.

Rất may, bên ta có đồng chí Chu Duy Kính (sau này là Tư lệnh Quân khu Thủ Đô) từng bị địch bắt, đưa vào làm phu trong sân bay Bạch Mai. Trong lúc cắt cỏ, dọn dẹp, đồng chí Kính đã quan sát, ghi nhớ được bố phòng của địch và trốn thoát ra ngoài bằng đường cống ngầm. Từ những thông tin mà đồng chí Chu Duy Kính thu thập được, kết hợp với nguồn thông tin của lực lượng trinh sát, ta đã xây dựng phương án tác chiến cho bộ đội luyện tập.

Chiều 17-1-1950, từ đình làng Xà Cầu, huyện Ứng Hòa, cách Vân Đình 4km, đại đội đột kích xuất quân. Mỗi chiến sĩ được trang bị một quả mìn chai, hai quả lựu đạn và một chiếc bánh mì. Thời đó, chưa có bộ đội đặc công được đào tạo bài bản, nhưng nhiệm vụ của đại đội đột kích như là những chiến sĩ đặc công, có nhiệm vụ đi trước, đánh trước phủ đầu. Anh em cải trang giống như những người buôn bán, làm thuê với tốp năm, tốp ba, đi thành nhiều đường để tránh bị lộ. Bộ phận đánh sân bay chia làm ba mũi. Mũi thứ nhất do Đội trưởng Hà Giáp chỉ huy, có 18 người; mũi thứ hai có 9 người do đồng chí Trần Thành chỉ huy; mũi thứ ba do Trung đội trưởng Tráng chỉ huy.

Đêm ấy, sương mù dày đặc, cách 4-5m không nhìn rõ mặt người, rất thuận lợi cho chiến sĩ ta thực hiện nhiệm vụ. Qua hai tiếng đồng hồ luồn lách và chui cống ngầm, đội hình chiến đấu đã vào gọn sân bay. Theo hiệp đồng, đúng 24 giờ ngày 17-1, các chiến sĩ lần lượt leo lên đặt mìn trên máy bay và cắm kíp gắn dây cháy chậm. Sau khi ngoắc quả mìn chai cuối cùng lên động cơ máy bay, một chiến sĩ nhảy xuống không may trượt chân nên phát ra tiếng động. Tên lính gác nổ súng, lập tức địch trong sân bay báo động. Sau những phút sục sạo không thấy động tĩnh gì, địch ngừng bắn. Mũi đánh kho xăng sau ít phút trục trặc cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Khi đặt mìn xong, các chiến sĩ nhanh nhẹn rút ra ngoài, tập kết tại đình làng Kim Lủ theo kế hoạch. Lúc này, từ sân bay Bạch Mai xuất hiện những tiếng nổ dữ dội. Nhất là tiếng nổ từ kho xăng bốc cháy rực cả bầu trời.

Từ Hà Nội, tiếng còi báo động rú lên liên hồi suốt đêm về sáng. Trong sân bay, cảnh tượng càng hỗn loạn. Những chiếc xe ô tô tải hạng nặng, xe thiết giáp được huy động kéo những chiếc máy bay chưa cháy ra ngoài; nhưng không ngờ, kéo chưa được bao xa thì những chiếc máy bay chưa cháy lại thi nhau nổ tan, làm địch càng bối rối. Đêm ấy, ta phá hủy và đốt cháy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí và một số trang bị của địch. Phía ta có một chiến sĩ hy sinh.

NGUYỄN ĐÌNH CẦN