Tháng 8-1951, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu 5 chủ trương mở đợt hoạt động hè ở bắc Tây Nguyên. Ngày 6-8-1951, vừa tiếp thu kỹ thuật, chiến thuật mới của bộ đội ta ở Mặt trận Biên giới, Liên khu 5 mở đầu thử thách bằng trận tiêu diệt cứ điểm Kon Plông. Đây là phân chi khu kiên cố của địch ở Kon Tum. Cứ điểm Kon Plông có 5 cạnh: Phía bắc và phía nam dài hơn 120m. Cổng chính ra vào ở phía đông. Có hệ thống công sự vững chắc: 5 lô cốt ở 5 góc, mỗi lô cốt có hai tầng hỏa lực. Chính giữa là lô cốt mẹ, nửa chìm nửa nổi. Nối liền giữa các lô cốt và các nhà là giao thông hào, các hầm ngầm. Đặc biệt có hệ thống đường ngầm từ trong cứ điểm chạy ra hướng chân đồi phía bắc cứ điểm. Xung quanh cứ điểm là những hàng rào kẽm gai và nhiều bãi mìn các loại. Quân số địch bảo vệ cứ điểm thường xuyên là 200, dưới sự chỉ huy của đại úy Ducher. Nhiệm vụ tiêu diệt Kon Plông được giao cho Trung đoàn 108. Trung đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Bá Phát.
Để trận quyết chiến này bảo đảm giành thắng lợi, ta đã chuẩn bị rất công phu, chu đáo về mọi mặt. Nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các đơn vị như sau: Tiểu đoàn 50 đánh vào lô cốt C, lô cốt D ở tây bắc cứ điểm; Tiểu đoàn 19 đảm nhận nhiệm vụ chủ công đánh vào lô cốt A, B phía nam cứ điểm. Đại đội SKZ (hai trung đội 4 khẩu) tăng cường cho Tiểu đoàn 19. Một trung đội (2 khẩu) tăng cường cho Tiểu đoàn 50. Đại đội phòng không đi theo hướng điểm, tăng cường hỏa lực cho Tiểu đoàn 19, làm nhiệm vụ phòng không cho toàn trận đánh. Đại đội cối 81mm và phóng bom bố trí góc tây nam cứ điểm. Tiểu đoàn 79 làm nhiệm vụ phối hợp cùng với một tiểu đoàn của Trung đoàn 803 chặn đánh quân tiếp viện từ hướng Kon Tum cơ động tới.
Theo đúng kế hoạch, toàn trung đoàn hành quân đến điểm tập kết vào chiều 5-8-1951. Lúc này, tham mưu mặt trận cho biết, địch vừa tăng cường cho Kon Plông 100 tên thuộc lực lượng xuyên sơn tinh nhuệ. Như vậy, địch ở Kon Plông trước ngày ta đánh đã lên tới 300 tên.
Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 6-8-1951, các trận địa hỏa lực và Tiểu đoàn 19 hướng chủ yếu đã bố trí xong, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Riêng hướng thứ yếu Tiểu đoàn 50 vì bị lạc đường nên chưa đến được địa điểm đột phá. Đến 4 giờ, vẫn chưa liên lạc được với Tiểu đoàn 50. Trung đoàn quyết định đúng giờ G vẫn sẽ nổ súng, nếu chậm sẽ mất thời cơ. Đúng giờ G (4 giờ 30 phút), trung đoàn ra lệnh phát hỏa. Đạn phóng bom, đạn cối tới tấp nã vào đồn địch. Đạn SKZ ngay từ đầu đã bắn sập lô cốt trên hướng tiến công chủ yếu và loạt đạn đầu tiên đã giết chết tên Ducher, chỉ huy trưởng Kon Plông. Trên hướng chủ yếu, Đại đội 213 lợi dụng hiệu quả của hỏa lực đã nhanh chóng phá rào, mở cửa bằng mìn ba càng. Quả thứ nhất chỉ phá được một mảng, tiếp quả thứ hai cũng không đạt kết quả bao nhiêu vì tường lô cốt của địch quá kiên cố, hạn chế sức công phá của mìn, ta có thương vong. Nhưng chỉ 15 phút sau, Đại đội 213 đã chiếm được lô cốt A, tạo thuận lợi cho Đại đội 211 tiến vào tung thâm.
Sau gần hai giờ chiến đấu, ta chiếm thêm một số nhà dọc tường phía đông và tường phía nam, chiếm lô cốt B, dồn địch về phía lô cốt C, D. Địch chống trả quyết liệt, trận chiến càng kéo dài ác liệt. Tiểu đoàn 19 thương vong nhiều. Tiểu đoàn 50 cũng chưa chiếm được lô cốt đầu cầu.
Đến 10 giờ, ngay cửa mở, Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát cùng Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 hội ý và quyết định: Tập trung hỏa lực phóng bom bắn mạnh vào đồn. Sức công phá chính xác của hỏa lực ta đã đè bẹp sự phản ứng của địch. Lô cốt D và E im tiếng súng, cùng lúc này, Tiểu đoàn 50 trên hướng thứ yếu cũng đã chiếm được lô cốt còn lại. Toàn bộ cứ điểm địch bị vây chặt. Hệ thống công sự nổi chỉ còn lại lô cốt mẹ-lô cốt trung tâm và lô cốt E. Quân địch số chết, số chui xuống hầm ngầm, số nằm cố thủ trong hai lô cốt còn lại.
Bộ đội ta từ hai hướng đột kích, đánh thốc vào chiếm lô cốt mẹ và lô cốt E. Từ lô cốt mẹ có 3 tên Pháp chui ra, cầm cờ trắng phất lia lịa, sau đó lần lượt tất cả ra hàng. Theo sau các tên chỉ huy, lính Tây có, lính người Thượng có, lóp ngóp từ các hầm ngầm chui lên, mặt mày tái mét, lũ lượt giơ tay xin hàng.
18 giờ, tiếng súng chấm dứt, ta làm chủ cứ điểm Kon Plông. Ta tập trung tù binh ngoài cổng chính, tiếp tục lùng sục các hầm ngầm, lô cốt, thu chiến lợi phẩm. Kết quả trận đánh: Gần 100 tên địch bị tiêu diệt, trong đó có tên đại úy đồn trưởng; gần 200 tên bị bắt; thu hơn 200 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Cứ điểm Kon Plông bị san bằng, đồng bào Tây Nguyên vô cùng vui sướng.
VÕ VĂN MINH