Vẹn nguyên kỷ niệm chiến trường

Ngôi nhà ở Stung-treng của Đại tướng Huốt-xiêng, Phó tổng tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia kiêm Tư lệnh Quân khu 1 Cam-pu-chia không có gì quá khác biệt so với những nhà xung quanh. Chỉ hơn là mảnh sân khá rộng, cây cối bao bọc râm mát, tiếng chim ríu ran sau những vòm lá. Tôi chuyển lời Thiếu tướng Trần Ngọc Yến thăm ông, vậy là ông xúc động dành cho tôi những giây phút trải lòng mình. 

Vợ chồng Đại tướng Huốt-xiêng.

“Tôi và anh Yến biết nhau từ năm 1986 khi anh ấy về làm chuyên gia cho tôi lúc ấy là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1. Tôi chưa đến 30, còn anh tuổi đã 42. Tôi mới học ra trường, kinh nghiệm trận mạc chưa được bao nhiêu, trong khi anh đã là lính chiến Sư đoàn 2 thời chống Mỹ, rồi sau này là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 307, một trong những Sư đoàn chủ yếu của Mặt trận 579. Nhưng với tôi, anh không bao giờ khoe khoang chiến công mà luôn đôn hậu và thẳng thắn. Anh nói có lý có tình, làm cho tôi vỡ vạc ra nhiều điều. Cái giọng Quảng Nam rất nhanh, âm điệu biến hóa, đôi lúc tôi phải căng tai ra mới hiểu. Vậy mà nghe dần cũng quen, ngày nào không có tiếng anh là thấy nhớ…”.

Đại tướng Huốt-xiêng cười. Cảm xúc tràn về ào ạt như sông Mê Công mùa nước lũ. Những năm tháng kề vai sát cánh, sống chết bên nhau bỗng sống động: “Có lần, chúng tôi đi thăm đại đội pháo cao xạ của Sư đoàn 307. Chiếc xe Zin 131 cán phải mìn chống tăng Pôn Pốt cài lại, may mà không trúng kíp nổ ở giữa nên không việc gì. Tối đó, hai anh em căng võng ngủ lại giữa rừng trong khi chờ công binh tháo mìn. Cả hai có một đêm hàn huyên đủ chuyện. Tôi càng thêm quý anh và những người bạn Việt Nam. Nhớ nhất là lần anh Yến cùng Tư lệnh Quân khu 1 Thon-chen đi kiểm tra tỉnh Cra-chê bằng xe bọc thép. Đi giữa đường thì một chiếc xe hỏng, đành đi bằng U-oát, bị lính Pôn Pốt bắn, Tư lệnh và anh Yến đều bị thương, một cán bộ hy sinh. Tôi ở trên này nghe báo, có một anh có nước da trắng chết rồi cứ nghĩ là anh Yến. Tôi bồn chồn, thao thức suốt đêm. Sau này, anh điều trị xong và trở lại làm việc, gặp anh, tôi mừng như chưa bao giờ mừng đến thế…”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Yến.

Vừa là thủ trưởng vừa là anh em

Ánh mắt Thiếu tướng Trần Ngọc Yến lộ vẻ trìu mến khi xem những tấm ảnh Đại tướng Huốt-xiêng tiếp đoàn Quân khu 5 tại Stung-treng. Ông nói rằng mới đầu năm, Đại tướng cùng vợ đã đến thăm nhà khi qua dự hội nghị, biếu ông cá lóc khô, món ăn ông rất thích. Đây không phải lần đầu tiên, mà lần nào qua Đà Nẵng, Đại tướng cũng ghé nhà, xưng hô vẫn cứ thủ trưởng và em, thân thiết như ruột thịt. Thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe.

“Đó là một con người rất thông minh, nhiệt huyết, yêu Tổ quốc, luôn lấy nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đất nước lên trên hết”. Thiếu tướng Trần Ngọc Yến kể về Đại tướng Huốt-xiêng. “Ngày đó, lực lượng của bạn còn rất non trẻ, lớp sĩ quan được đào tạo ở Việt Nam kinh nghiệm chiến đấu còn ít. Chúng tôi “xắn tay áo” cùng bạn xây dựng từ không đến có. Tôi hay nói nôm na với Huốt-xiêng rằng, anh làm sao như khi đi học dù chỉ đạt điểm 5 thực chất còn hơn điểm 10 nhưng không phải của mình, làm sao để chúng tôi rút về, các anh đủ sức gìn giữ chế độ. Tham mưu chứ không làm thay, tôi và Huốt-xiêng thống nhất điều đó. Thấy Huốt-xiêng luôn biết lắng nghe và cầu thị, tôi càng dồn hết tâm trí truyền đạt kinh nghiệm cho anh. Có lúc tôi nói thẳng đến mức giận dữ khi anh làm tôi không hài lòng, anh không hề giận mà ngược lại rút cho mình bài học mới. Có lần, tôi phân tích thật thấu đáo cho Huốt-xiêng biết về sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam, về hàng trăm đôi chân cụt khi giẫm phải mìn của Pôn Pốt sau này sẽ đi như thế nào khi về Đất Mẹ… Nghe tôi nói, Huốt-xiêng rơm rớm nước mắt. Chỉ ở cùng hai năm nhưng tôi thấy anh đã trưởng thành rất nhanh. Tôi tin anh sẽ càng phát triển và quả thật như thế”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Yến nói rằng, ông người vùng biển Tam Giang, Núi Thành (Quảng Nam) ăn sóng, nói gió, 17 tuổi đã đi bộ đội và chỉ làm quân sự cho đến khi về hưu, vậy mà công tác với Huốt-xiêng, ông đã làm chính trị từ bao giờ không biết. Có lẽ vì thế ông đã có một tình bạn, tình đồng chí lâu bền với vị đại tướng trẻ của đất nước Chùa Tháp.

HỒNG VÂN