QĐND - Gặp Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), mới thấy, dù tuổi đã xấp xỉ 90, không còn khỏe do di chứng của 17 lần bị thương nhưng người được mệnh danh là “hổ cụt Tây Nguyên” năm xưa vẫn rất hăng hái khi nhớ lại những ngày theo dõi chiến trường xa ở Tổ miền Nam và được trực tiếp làm việc với Đại tướng Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 61 năm.

Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức. Ảnh Tuấn Tú.

Giữa năm 1953, vừa nhận đề bạt Trung đoàn phó Trung đoàn 108, tôi được lệnh rời chiến trường Liên khu 5 về Cục Tác chiến, lúc đó đồng chí Đại tá Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng) làm Cục trưởng. Tôi được giao làm Tổ trưởng Tổ miền Nam cùng các đồng chí: Đỗ Hữu Nghĩa, Quốc Trung, Nguyễn Đông. Tổ có nhiệm vụ theo dõi tình hình, nghiên cứu đề đạt phục vụ Thường vụ Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo ba hướng tấn công quan trọng của bộ đội chủ lực ta là: Chiến trường Bình Trị Thiên - Liên khu 5, Trung Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia.

Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vẫn phải xin chỉ thị của Thủ trưởng Cục trước khi lên báo cáo Đại tướng Tổng Tư lệnh. Nhưng khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu thì tôi được phép báo cáo trực tiếp. Có thể là sáng, trưa, tối hay khuya. Đại tướng dù rất mệt nhưng vẫn tỉnh táo ngồi nghe tôi trình bày, cái nào đúng thì biểu dương ngay, cái nào không đúng ông hướng dẫn thêm.

Sau khi chuyển cách đánh, bộ đội ta ở Điện Biên Phủ ra sức xây dựng hệ thống giao thông hào. Và để đánh lạc hướng phán đoán của địch, buộc chúng phân tán lực lượng, đồng thời cũng là tạo điều kiện tốt để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ ra lệnh Đại đoàn 308 cùng bộ đội, dân quân Pha-thét Lào tấn công tuyến Nậm Hu và Phong Sa Lỳ. Kết quả là ta mở rộng thêm gần một vạn ki-lô-mét vuông. Căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào nối liền khu giải phóng Sầm Nưa với khu Tây Bắc của ta. Na-va buộc phải tiếp tục phân tán lực lượng, Luông Phra-băng trở thành nơi tập trung binh lực thứ 5 của địch. Na-va phải điều thêm 4 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 3 tiểu đoàn pháo đến Trung Hạ Lào, nâng lực lượng địch ở Trung Hạ Lào lên 26 tiểu đoàn. Thấy ta chưa tấn công Điện Biên Phủ, Na-va tưởng lực lượng chủ lực ta đã "hết hơi” vì tham gia tấn công trên nhiều hướng, thời gian kéo dài, lại bị thương vong nên y huênh hoang thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp hãy tấn công ngay vào Điện Biên Phủ, vì “chúng tôi đã sẵn sàng”. Đồng thời, y cố gắng giành lại thế chủ động trên các chiến trường Trung Hạ Lào, Đông Bắc Miên và Liên khu 5…

Tổng hợp các tin tức trên, tôi báo cáo với anh Văn. Nghe xong, anh đọc cho tôi viết ngay bức điện giao nhiệm vụ cho mặt trận Trung Hạ Lào và Đại đoàn 325: Nhanh chóng, mạnh bạo phát triển xuống Hạ Lào và Đông Bắc Miên, cùng các lực lượng bạn bắt địch tiếp tục phân tán lực lượng. Đồng thời phá được âm mưu chúng muốn bịt hành lang của ta, ngăn cản ta xuống Hạ Lào và Điện Biên Phủ. Anh chỉ thị cho Liên khu 5 phải tiếp tục uy hiếp các thị xã, thị trấn quan trọng như Plei-cu, Đắc Đoa, An Khê, phải đánh phá liên tục Đường 19, cắt thành nhiều đoạn, tổ chức những phân đội chuyên trách đánh phá thường xuyên. Đặc biệt phải đưa bằng được một trung đoàn qua nam Đường 19, trong tam giác Măng Giang - Cheo Reo - Biển Hồ vừa uy hiếp Plei-cu từ phía nam, phối hợp đánh phá Đường 19 từ phía Nam…

Ngày 7-5-1954, ta tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sáng 9-5, anh Văn vào Điện Biên Phủ để trực tiếp nghiên cứu cách phòng thủ một tập đoàn cứ điểm lớn của địch. Chúng tôi cũng được đi theo. Tôi nhớ trước lúc lên ngựa, anh nhìn thẳng tôi, nói vui: “Bây giờ cậu Đức không đeo bám đòi điện nữa chứ gì?”. Tôi cũng mạnh dạn thưa: “Dạ, vẫn còn chứ ạ. Vì Liên khu 5 - Nam Bộ và Bình Trị Thiên còn tiếp tục đánh mà”. Là bộ phận theo dõi chiến trường xa, chúng tôi thấy rõ, từ khi chiến dịch đỉnh cao của Đông Xuân 1953-1954 chưa bắt đầu, đến quá trình chiến dịch diễn biến kể cả khi đã kết thúc thắng lợi, Liên khu 5 là chiến trường phối hợp chặt chẽ cao với Điện Biên Phủ. Nhất là thời điểm sau ngày 7-5, trên các chiến trường, sức tấn công của ta có phần giảm vì đã qua gần 5 tháng liên tục chiến đấu. Nhưng ở Liên khu 5, lực lượng của ta vẫn còn, Khu ủy Khu 5 đã ngay lập tức đề ra chủ trương tác chiến mới, tiếp tục làm tiêu hao sinh lực địch. Chiến thắng Đắc Pơ (Nam Trung Bộ) ngày 24-6-1954, một trận đánh tiêu diệt lớn của Trung đoàn 96: 700 tên lính Âu Phi bị chết, gần 1.200 tên bị bắt, 229 xe cơ giới, 20 đại bác, hơn 1000 súng các loại đã lọt vào tay ta là một minh chứng.
THANH TÚ
(Ghi theo lời kể của Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu).