Năm 1959, 19 tuổi, ông được “gặp” Bác Hồ trong một lần đạp xe qua cầu Long Biên, đúng vào khoảnh khắc Bác vẫy tay qua cửa kính ô tô chào nhân dân hai bên cầu. Đó là lần Bác đi đón một đoàn khách nước ngoài, khi về qua cầu thì nhân dân nhận ra Bác. Giữa tiếng hoan hô của mọi người, ông đứng lặng bên cầu ngắm Bác với niềm yêu kính và đôi chút xót xa: Sao Bác gầy quá!

Cũng năm ấy, chàng thanh niên Đỗ Mạnh Cương tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Vốn có năng khiếu hội họa, sau thời gian rèn luyện, ông được điều lên trung đoàn phụ trách công tác tuyên huấn. 3 năm sau, ông về nhận công tác ở Nhà máy Điện Hà Nội. Với niềm say mê hội họa không ngừng nghỉ, cứ giờ giải lao hoặc ngày nghỉ là Đỗ Mạnh Cương lại say sưa cầm bút vẽ, dù khi ấy ông chưa được qua một trường lớp đào tạo nào về hội họa. Đề tài của ông chính là những người đồng nghiệp: Anh công nhân bên máy tiện, chị thợ hàn… Cứ say sưa rèn nghề, lãnh đạo nhà máy cũng nhận ra năng khiếu nghệ thuật và đam mê của ông nên năm 1966 cử ông đi học đại học mỹ thuật.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Đỗ Mạnh Cương giới thiệu về bức tranh “Bác Hồ đi công tác”. Ảnh: THU THỦY

Tốt nghiệp, không như nhiều người cho rằng ông sẽ về một cơ quan mỹ thuật chính thống để làm nghề (lúc ấy có 3 cơ quan đề nghị ông về làm việc), ông lại có một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là quay lại nhà máy điện với một suy nghĩ rất đơn giản là “muốn trả ơn nơi đã cho mình đi học”. Vậy là ông xách ba lô về nhà máy. 5 năm sau, ông mới chính thức về Xưởng tranh cổ động Trung ương rồi về công tác ở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đến khi nghỉ hưu.

Họa sĩ Đỗ Mạnh Cương kể, ấn tượng về Bác từ những năm tháng thanh niên đã theo suốt chặng đường sáng tác của ông. Để sau này, khi bắt đầu vẽ về Bác, ông đã bỏ công hàng tháng trời tìm kiếm tư liệu, tranh, ảnh về Người. Với ông, phải hiểu thật nhiều về Bác thì mới bắt tay vào sáng tác, mỗi nét vẽ phải thể hiện được tinh thần, tình cảm, thần thái của Người. Bác Hồ-vị lãnh tụ của dân tộc nhưng có cuộc sống rất đỗi giản dị, bình thường mà chan chứa tình cảm, nếu tranh vẽ không thể hiện được điều ấy thì coi như thất bại!

“Giữa những ngày lặn lội ở các thư viện tìm kiếm tư liệu về Người, một lần tôi nhìn thấy những bức ảnh Bác đi tắm suối. Vị Cha già giản dị, tắm xong thì giặt áo phơi trên cái sào vác trên vai mang về... Tôi đã ứa nước mắt!”-họa sĩ Đỗ Mạnh Cương nhớ lại. Cùng với dòng cảm xúc đó, ông đã dành nhiều tâm huyết để hoàn thành bức “Bác Hồ đi công tác”. Bức tranh là một sự sáng tạo độc đáo của họa sĩ Đỗ Mạnh Cương. Hình ảnh Bác hiện lên giữa những vệt màu có chiều kích đậm nhạt khác nhau xuất hiện trong toàn bộ tác phẩm khiến người xem cảm nhận trong tranh ông như có thơ, có nhạc. Sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên càng khiến hình ảnh Bác trong tranh ông trở nên sống động, gần gũi. Sau này, hàng loạt tác phẩm của ông về Bác như: “Bác Hồ và thiếu nhi”, “Bác Hồ chuẩn bị đi thăm mặt trận Bắc Kạn năm 1950”, “Theo con đường Bác Hồ đã chọn”, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”… đều gây tiếng vang.

Ông cho biết: “Càng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người, tôi càng say mê thể hiện hình tượng Bác trong tranh. Học tập tấm gương đạo đức của Bác, tôi luôn suy nghĩ tìm cách giúp đời, giúp người”.

Khi chia tay chúng tôi, họa sĩ Đỗ Mạnh Cương chia sẻ về ước muốn đấu giá 3 bức tranh đặc biệt về Bác hiện vẫn được lưu giữ tại phòng tranh tại gia. Số tiền thu được ông sẽ dành tặng các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ông tâm niệm, tri ân các gia đình người có công chính là để thể hiện sự biết ơn với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc như Bác hằng căn dặn…

KHÁNH AN