QĐND - Trong căn phòng làm việc của Trung tướng, Anh hùng LLVT Hà Minh Thám, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật thỉnh thoảng vẫn vang lên bản tình ca “Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp-xa-ra” của nhạc sĩ Minh Quang từ chiếc ra đi ô bé nhỏ. Áp-xa-ra! Ơi điệu múa hay tình đất nước/Áp-xa-ra anh từng yêu Cam-pu-chia… Lời bài hát lúc lắng lại, lúc như thổi bùng lên trong tâm hồn ông về những ngày tháng làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Cam-pu-chia anh em.
Trung tướng, Anh hùng LLVT Hà Minh Thám kể: "Tôi là một trong những người lính tình nguyện Việt Nam có mặt đầu tiên trên đất Cam-pu-chia và cũng là những người cuối cùng rút khỏi nước bạn. Thời gian hơn 11 năm (1978-1989) sống, chiến đấu trên đất nước bạn, tôi đã thực hiện nhiệm vụ bằng chính mệnh lệnh từ chính trái tim, bằng tình yêu tha thiết với nhân dân đất nước Chùa Tháp.
 |
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hà Minh Thám, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật.
|
Để giúp nhân dân Cam-pu-chia hồi sinh dân tộc, những người lính tình nguyện Việt Nam vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác. Trên toàn bộ đất nước Cam-pu-chia vừa được giải phóng, bộ đội Việt Nam, chuyên gia Việt Nam cùng bạn Cam-pu-chia đã giúp hàng chục vạn, hàng triệu người dân tiều tụy đói khát trở về quê cũ, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền. Bằng những việc làm thiết thực, cao thượng và trong sáng, Quân tình nguyện Việt Nam được người dân Cam-pu-chia gọi là “Bộ đội nhà Phật”.
11 năm làm nhiệm vụ trên đất nước Cam-pu-chia, Trung tướng Hà Minh Thám đã tham gia hàng chục trận chiến đấu. Có những trận đánh cái chết cận kề trong gang tấc nhưng với bản lĩnh, lòng dũng cảm ông không chỉ vượt qua, mà còn chỉ huy đơn vị chiến đấu giành thắng lợi. Trong đó, Trung tướng Hà Minh Thám nhớ nhất trận phục kích căn cứ Núi Hồng (Xiêm Riệp - Cam-pu-chia). Khi ấy, ông mang quân hàm thiếu tá, chức vụ Phó trung đoàn trưởng về Chính trị Trung đoàn 95, Sư đoàn 307.
Ngày 4-5-1988, cấp trên điện thông báo: Sư đoàn 801 của Pôn Pốt với lực lượng khoảng 300 đến 400 tên, đang chuẩn bị từ Thái Lan về Cam-pu-chia nhằm tiếp tục chống phá cách mạng Cam-pu-chia. Trung đoàn 95 tổ chức lực lượng nắm và phục kích tiêu diệt để ngăn chặn đập tan âm mưu của địch. Chính ủy Hà Minh Thám nhớ lại:
"Nhận điện, tôi triển khai nhiệm vụ và trực tiếp chỉ huy lực lượng đi trinh sát địa hình và bám nắm địch. Quá trình trinh sát, đơn vị đã phát hiện một con đường mòn, có nhiều dấu dép đúc, lực lượng khoảng 10 người. Tôi nhận định ngay: Đây là lực lượng phản động từ nội địa lên biên giới để đón Sư đoàn 801 Pôn Pốt vào nội địa Cam-pu-chia theo tuyến đường mòn này. Tôi lập tức báo cáo xin chỉ thị của sư đoàn cho lực lượng phục kích. Sư đoàn trưởng Trần Minh Thiệp đồng ý. Nhận mệnh lệnh, tôi tổ chức lực lượng gồm 3 tiểu đoàn của trung đoàn, với đầy đủ vũ khí trang bị. Sau gần 10 tiếng hành quân, vượt qua đủ các loại địa hình rừng núi, sông suối phức tạp, 14 giờ ngày 5-5, đơn vị đến vị trí và triển khai đội hình phục kích. Đến 16 giờ ngày 8-5, địch đi theo đường mòn, tiến dần vào đội hình phục kích của đơn vị. Theo hiệp đồng, Tiểu đoàn 1 đảm nhiệm hướng phục kích chủ yếu, nổ súng phát hỏa bằng mìn định hướng sau đó đồng loạt nổ súng tấn công. Bị đánh bất ngờ, một bộ phận địch dừng lại chống trả ngăn chặn, lực lượng còn lại tiếp tục chạy về hướng Tây gặp đội hình phục kích của Tiểu đoàn 3, tiểu đoàn nổ súng truy đuổi địch. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, trên hướng phục kích của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 im tiếng súng”.
Một kỷ niệm ngay sau trận chiến đấu này không thể nào quên với Trung tướng Hà Minh Thám. Ông kể: "Tôi luôn có thói quen, khi đi chiến đấu bao giờ cũng đội mũ cối và mang theo AK báng gấp. Do trời tối, khi trở về tôi đi thẳng vào hướng phục kích của Đại đội 3. Bộ đội canh gác phát hiện có tiếng động nên ra ký tín ám hiệu cho đơn vị triển khai đội hình chiến đấu. Đơn vị chuẩn bị nổ súng thì đồng chí Luận, Đại đội trưởng phát hiện có người đội mũ cối, nếu là quân Pôn Pốt chúng không bao giờ đội loại mũ này. Ngay lập tức, đồng chí Luận ra lệnh không được nổ súng và hô: "Ai?". Anh em trinh sát cùng đi nói to: "Thủ trưởng Thám đây!". Nghe vậy, cán bộ, chiến sĩ từ các vị trí chiến đấu chạy ào ra ôm lấy tôi. Ai cũng bảo: "May quá, nếu anh Luận cho nổ súng thì chúng em đã…".
Đêm hôm đó, khi đã lệnh cho đơn vị lùi về phía sau củng cố lực lượng, tôi trằn trọc không ngủ được vì thỉnh thoảng lại có tiếng nổ của M79, đồng thời đại đội trưởng trinh sát báo cáo, có nhiều pháo hiệu bắn về hướng Tây. Nửa đêm, tôi trèo lên chòi quan sát thì phát hiện, thỉnh thoảng lại có một pháo hiệu màu vàng của địch bắn về hướng Tây Nam. Từ kinh nghiệm chiến đấu, với lại địa bàn này tôi nắm khá chắc nên nhận định: Lực lượng địch còn đông và sẽ thu gom về hồ Không Tên để lấy nước uống. Chờ cho tới sáng, tôi tiếp tục tổ chức cho đơn vị vào trận địa kiểm tra, tảo trừ và thu vũ khí. Sau khi nghe các tiểu đoàn báo cáo kết quả trận đánh, tôi tổ chức cho bộ đội chia làm 3 đường hành quân cắt rừng đến phục kích đón lõng tại hướng nam và đông nam hồ Không Tên. Sau hơn 6 giờ hành quân, đội hình trung đoàn đã đến vị trí (chậm 2 giờ so với kế hoạch do đường khó đi, trinh sát cắt lạc hướng). Khi triển khai đội hình thì địch đã đến trước và nổ súng trước, đơn vị hy sinh 1 đồng chí, bị thương 3. Sau khoảng 10 phút “tao ngộ chiến”, trời mưa to, địch bỏ chạy. Do trời tối, tôi cho đơn vị dừng lại, tổ chức cấp cứu thương binh, kiểm tra trận địa và hành quân về đơn vị".
Sau trận chiến đấu kép, Trung đoàn 95 đã diệt được 93 tên địch, thu 96 vũ khí các loại, Hà Minh Thám được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Đây là tấm huân chương chiến công thứ tư của ông. Với những thành tích chiến công đặc biệt xuất sắc, ngày 13-12-1989, Hà Minh Thám được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bài và ảnh: GIA LINH