Mặc dù đã 90 tuổi nhưng Trung tướng Trần Linh vẫn còn rất minh mẫn. Ông bồi hồi nhớ lại: Ngày 7-10-1947, trên bầu trời thị xã Bắc Kạn, máy bay liên tục quần lượn. Sau đó có khoảng 800 lính Pháp nhảy dù xuống. Chỉ trong vòng hai ngày, chúng đã chiếm được 5 cứ điểm trên địa bàn thị xã, trong đó có đồn Phủ Thông. Tại đây, chúng xây dựng và củng cố hệ thống hầm hào công sự vững chắc có thế đánh, thế giữ để làm bàn đạp tiến công lên Cao Bằng và các tỉnh Việt Bắc qua Đường số 3. Đồn Phủ Thông được xây dựng trên mỏm đất nhô ra của núi Nà Cót ở độ cao 198m so với mực nước biển, cách ngã ba Phủ Thông 300m theo hướng bắc tây bắc. Đồn được xây dựng kiên cố, có hàng rào tre cắm chông bao quanh. Phía trong có dây thép gai, hào sâu, có tường dày cao gần 3m, có 4 lô cốt chính hai tầng xây bằng bê tông cốt thép. Chúng ra sức củng cố và xây dựng đồn Phủ Thông thành một cứ điểm vững chắc, kiên cố để kiểm soát Bắc Kạn và tuyến đường số 3, đồng thời làm chỗ dựa cho lực lượng quân phỉ ở Chợ Rã. Đồn Phủ Thông có 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội trợ chiến thuộc trung đoàn 3 với quân số khoảng 150 tên.

Nhằm tiêu hao sinh lực địch, đánh bại kế hoạch bình định Bắc Kạn của thực dân Pháp, tháng 7-1948, ta quyết định mở Chiến dịch Đường số 3. Tiểu đoàn 11 được chọn trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngoài trang bị theo biên chế, Tiểu đoàn 11 còn được tăng cường 1 đại đội sơn pháo 75mm cùng 2 khẩu pháo của Tiểu đoàn pháo 410 và du kích địa phương phối hợp, do đồng chí Vũ Yên-Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Mai Nhân-Chính trị viên và đồng chí Nguyễn Đăng Quỳnh-Phó tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy.

leftcenterrightdel
Trung tướng Trần Linh (thứ ba, từ trái sang) kể lại trận đánh đồn Phủ Thông.

Nhớ lại những ngày tháng chuẩn bị bước vào trận Phủ Thông, Trung tướng Trần Linh xúc động cho biết: “Năm 1948, tôi được phân công làm Chính trị viên Trung đội 6, Đại đội 243, Tiểu đoàn 11. Khi nhận nhiệm vụ đánh đồn Phủ Thông, tôi thường xuyên động viên tinh thần các đội viên hăng hái luyện tập để bước vào chiến đấu. Tiểu đoàn khi đó đóng quân ở Phú Bình (Thái Nguyên), sau đó cơ động qua Đại Từ, Định Hóa, Chợ Chu theo đường mòn đến bản Ty, qua hồ Ba Bể, Chợ Rã tập kết ở bản Áng (xã Chu Hương) cách đồn Phủ Thông 7km làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Đến vị trí tập kết, Liên chi ủy nghe báo cáo của các lực lượng trinh sát, tác chiến và thảo luận, thông qua kế hoạch chiến đấu. Trong buổi hội nghị dân chủ hôm đó, tôi cũng có mặt để thảo luận và quán triệt nhiệm vụ chiến đấu của tiểu đoàn. Sau đó, chỉ huy Đại đội 243 triển khai kế hoạch tác chiến đến từng trung đội.

Đúng 18 giờ 45 phút ngày 25-7-1948, pháo binh của ta bắn quả đạn đầu tiên mở màn trận đánh. Tiểu đoàn chia thành hai mũi tiến công vào đồn, mũi thứ nhất do Đại đội 245 đảm nhiệm tiến công vào hướng cổng chính của đồn, bị địch bắn trả dữ dội. Mũi thứ hai do Đại đội 243 đảm nhiệm, trong đó Trung đội 6 do tôi chỉ huy tiến công bên phải đồn. Lợi dụng khói đạn mù mịt, tôi lệnh cho một đồng chí đội viên cắt hàng rào dây thép gai, phá hàng rào tre nứa mở đường cho tổ xung kích bắc thang cho bộ đội vượt tường tiến vào công đồn. Trung đội 6 của tôi tiếp tục phát triển vào sâu bên trong đồn diệt các ổ đề kháng, lần lượt đánh chiếm các nhà đồn bên trong. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ, ta tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch, trong đó có tên trưởng đồn và tên đồn phó, phá hủy 3/4 đồn và hệ thống công sự trận địa. Ta thu được 5 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường và một số lựu đạn. Đến 23 giờ 30 phút, ta rút khỏi đồn. Trong đợt này, về phía ta có khoảng 100 đồng chí bị thương, 43 đồng chí hy sinh”.

Bài và ảnh: ĐÀO NGỌC LÂM