Truy kích địch ở Phước An. Ảnh tư liệu

Nói đến chiến dịch Tây Nguyên, phải nói tới trận then chốt mở đầu-Buôn Ma Thuột. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu như không nói rõ trận then chốt thứ hai diễn ra nhanh và rất gọn tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 23 và Liên đoàn biệt động quân số 21 làm cho địch hoang mang, rối loạn. Từ sai lầm về chiến thuật, chiến dịch dẫn đến sai lầm về chiến lược thì thất bại trong chiến tranh là điều không tránh khỏi.

Ngày 14-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu bay ra Cam Ranh để nghe Phạm Văn Phú tường trình về quân sự. Cùng đi với Thiệu còn có đại tướng Trần Thiện Khiêm và đại tướng Cao Văn Viên-tổng tham mưu trưởng quân ngụy và trung tướng Đặng Văn Quang.

Theo tin sau này chúng tôi nắm được (1), cuộc họp có một số diễn biến chủ yếu như sau:

Phạm Văn Phú - tư lệnh Quân đoàn 2, tư lệnh Quân khu 2 báo cáo với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu:

- Trình tổng thống, tôi đã cho các trung đoàn 44, 45 giải tỏa Buôn Ma Thuột, nhưng lực lượng cộng sản quá mạnh đã đẩy lùi lực lượng tăng viện của chúng ta (ngụy) về phía đông quốc lộ 21. Ở Kon Tum và Plei-cu, quân cộng sản đánh mạnh vào Liên đoàn biệt động quân 23, hoạt động ở phía đông và phía tây, phi trường Cù Hanh bị pháo kích liên tục. Ở phía đông quốc lộ 19, trung đoàn 95 cộng sản đánh mạnh vào liên đoàn biệt động quân 4 và thiết đoàn kỵ binh 3, đã có 12 thiết giáp bị cháy. Ở Bình Định, các trung đoàn 12 và trung đoàn 2 của cộng sản từ phía đông tiến về hướng phi trường Phù Cát…

Nghe xong, Nguyễn Văn Thiệu hỏi Phạm Văn Phú:

- Trước sự kiện đó anh nghĩ sao?

Phú trả lời:

- Tôi hy vọng có thể cứu vãn được quân khu 2 với điều kiện tổng thống cho quân tăng viện.

Sau khi nghe Phạm Văn Phú báo cáo tình hình, Nguyễn Văn Thiệu quay sang hỏi Cao Văn Viên:

- Còn lực lượng dự bị chi viện cho quân khu 2 không?

- Thưa tổng thống, không còn.

Nguyễn Văn Thiệu quay sang hỏi Phạm Văn Phú:

- Nếu không có quân tăng viện, anh có khả năng giữ được bao lâu?

- Nếu được tổng thống và đại tướng Viên yểm trợ không quân tối đa, tiếp tế bằng không quân đầy đủ về vũ khí, đạn dược tôi sẽ giữ được một tháng. Quân khu 2 thôi không xin tăng viện mà chỉ xin quân bổ sung để bù tổn thất nặng nề sau trận Buôn Ma Thuột. Với trách nhiệm là tư lệnh, tôi sẽ ở lại Plei-cu và sẽ chết ở đó!

Nghe xong lời thề thốt của Phú, Thiệu ngán ngẩm lắc đầu:

- Không! Không thể có quân tăng viện, không có quân bổ sung, quân viện bị cúp, đạn và tiền đều thiếu. Chúng ta đang bị tấn công mạnh ở khắp mọi nơi chứ không riêng ở quân khu 2. Địch đánh mạnh hơn năm 1968, hơn cả năm 1972. Kon Tum, Plei-cu người ít, kinh tế không có. Để bảo toàn lực lượng, cần đưa quân về giữ đồng bằng ven biển, ở đấy điều kiện tiếp tế thuận lợi hơn.

Dừng hồi lâu, Nguyễn Văn Thiệu lại hỏi Cao Văn Viên:

- Rút theo đường 19 có được không?

- Thưa tổng thống, trong lịch sử chiến tranh ở Đông Dương, chưa có lực lượng nào rút theo đường 19 mà không bị tiêu diệt…

Kế hoạch rút lui được Thiệu, Viên, Phú bàn tính rất kỹ. Thời điểm này, mọi con đường từ Tây Nguyên về đồng bằng đều bị cắt đứt, chỉ còn đường số 7 - con đường còn lại duy nhất để về đồng bằng. Đường số 7 bị hư hỏng nặng vì đã bỏ từ lâu, nhất là đoạn phía đông thị xã Cheo Reo 10km trở về Phú Yên đường rất xấu, cây cối um tùm, cầu sập nhiều nhưng sửa chữa có thể sử dụng được. Thiệu, Viên, Phú thống nhất rút lui theo tỉnh lộ 7 là một việc rất mạo hiểm nhưng họ hy vọng sẽ tạo được bất ngờ.

Ngay tối 14-3, Phạm Văn Phú triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại bộ tư lệnh quân đoàn 2. Vào cuộc họp, Phú nói:

- Cuộc họp bàn về vận mệnh quốc gia ở Cam Ranh hoàn toàn bí mật, chỉ có 5 người tham dự: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đại tướng Trần Thiện Khiêm, đại tướng Cao Văn Viên, trung tướng Đặng Văn Quang và tôi (Phú) đã bàn việc rút khỏi cao nguyên…

Phạm Văn Phú vừa nói xong, chuẩn tướng Trần Văn Cẩm - người chịu trách nhiệm lập kế hoạch rút lui hỏi Phú:

- Ta có thông báo cho các tỉnh trưởng và cơ quan hành chính cấp tỉnh cùng lực lượng bảo an dân vệ và dân chúng biết không?

Phú nói:

- Theo lệnh của tổng thống, không được thông báo cho các tỉnh trưởng. Ai biết thì rút, không biết thì ở lại Tây Nguyên. Dùng lực lượng địa phương ở lại chống đỡ để bảo vệ cho chủ lực rút an toàn, mặt khác đó cũng là cách đánh lạc hướng sự chú ý của đối phương, giữ bí mật cho cuộc rút lui…

Về phía ta, tối 15-3, anh Văn Tiến Dũng gọi điện thông báo cho Bộ tư lệnh chiến dịch biết có hiện tượng địch rút bỏ Kon Tum, Plei-cu. Tiếp đến từ Hà Nội, Bộ Tổng tư lệnh cũng điện cho Bộ tư lệnh chiến dịch: Sở chỉ huy tiền phương của quân đoàn 2 và lãnh sự quán Mỹ đã chuyển về Nha Trang. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng đã gợi ý cho Bộ tư lệnh chiến dịch nên nghĩ đến khả năng địch buộc phải rút bỏ Tây Nguyên.

Sáng 16-3, Bộ tư lệnh chiến dịch vừa triển khai kế hoạch đánh sư đoàn 23 trên đường 21 vừa làm kế hoạch đánh địch rút chạy trên đường số 7…

Đêm 16-3, Tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn 64 được lệnh cơ động ngay trong đêm, ngày 17 phải có mặt ở phía nam Cheo Reo nổ súng chặn địch…

Trong đêm 16-3, anh Đặng Văn Khoát - Phó chủ nhiệm hậu cần chiến dịch trực tiếp điều động 110 xe ô tô chở Sư đoàn 320 đang làm nhiệm vụ hướng Buôn Ma Thuột về Thuần Mẫn. Thiếu ô tô, bộ đội tổ chức chạy bộ, ô tô quay lại đón bộ đội dọc đường.

Sáng 17-3, một số xe địch chạy lọt về Củng Sơn nhưng đại bộ phận tập đoàn rút chạy của quân đoàn 2 nguỵ vẫn chưa chạy thoát. Trên đường 7, hàng nghìn xe đủ loại nối đuôi nhau ùn ùn đổ về thị xã Cheo Reo. Chúng chạy hàng tư, hàng năm lấn ra cả hai bên đường. Đoàn xe địch qua khỏi Cheo Reo khoảng 4km gặp trận địa phục kích đầu tiên của Tiểu đoàn 9. Bộ đội chưa kịp đào công sự, lợi dụng gốc cây ụ mối nổ súng. Đang cơn hoảng loạn, nghe tiếng súng của ta, cả đoàn xe địch ngoặt ra hai bên đường chạy vào rừng. Một số tên lái nhảy ra khỏi xe chạy bộ về Cheo Reo.

Tại thị xã Cheo Reo, lúc này quân khu 2 đã biến thành tuyến trung chuyển để đặt sở chỉ huy hành quân và điều hành việc rút chạy. Do đường chưa sửa xong, lại bị quân ta chặn đánh, thị xã Cheo Reo người chật ních và ước chừng khoảng 2.000 xe các loại đậu kín mặt đường và có hơn một vạn tên địch dựng lều bạt nằm ngổn ngang tràn ra cả sân bóng.

Mờ sáng ngày 18-3, địch củng cố lại đội hình dùng 2 thiết đoàn xe tăng mở đường chạy về Củng Sơn. Tiểu đoàn 9 ngoan cường nổ súng dữ dội vào đoàn xe địch.

11 giờ ngày 18-3, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho Sư đoàn 320 nhanh chóng đánh chiếm thị xã Cheo Reo. Được pháo binh chi viện, Trung đoàn 48 mở đợt tiến công vào sân bay, tòa hành chính, khu cố vấn Mỹ, tiểu khu Phú Bổn, trại lính “Ngô Quyền”, ty cảnh sát, ty chiêu hồi, đài phát thanh. Cầu Ea Nu bắc qua sông Ba bị xe tăng địch tranh nhau vượt qua. Cầu sập, địch cho xe chạy bừa, bãi sông biến thành bãi xác xe. 13 giờ ngày 18, Phạm Văn Phú điện cho Phạm Duy Tất: “Mở đường máu mà thoát thân, xe không đi được thì phá xe, bỏ qua mọi tình huống mà chạy, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”. Phạm Duy Tất bất lực trước sự tổn thất quá nặng nề, gần như tan rã, thất thểu leo lên máy bay chuồn về Nha Trang, bỏ lại quân lính phía sau.

18 giờ ngày 18-3, Sư đoàn 320 hoàn toàn làm chủ thị xã Cheo Reo.

Ngày 21-3, các chiến sĩ Trung đoàn 64 đuổi kịp lực lượng rút chạy trước của địch và vây diệt chúng ở Phú Túc. Ngày 22-3, Trung đoàn 64 diệt địch ở Ga Pui. Ngày 23-3, Trung đoàn 64 tiến sát Củng Sơn.

Tại Củng Sơn, địch ùn lại khoảng 6.000 tên, đủ các sắc lính, cùng 40 xe tăng, thiết giáp.

Bộ tư lệnh Quân khu 5 ra lệnh cho Tiểu đoàn 96 và Tiểu đoàn 13 tỉnh Phú Yên chặn đường rút chạy của địch ở phía đông Củng Sơn.

12 giờ ngày 24-3, Trung đoàn 64 và bộ đội tỉnh Phú Yên từ ba hướng tiến vào Củng Sơn. Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân ta, đội quân ô hợp rối loạn, chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng bị tiêu diệt tan rã. 18 giờ ngày 24-3, Củng Sơn được hoàn toàn giải phóng.

Cùng thời gian, Sư đoàn 320 đánh địch trên đường số 7, Sư đoàn 10 diệt địch ở Phước An. Ngày 17-3, Trung đoàn 29, Sư đoàn 968 cùng lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Kon Tum tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum. Trung đoàn 95A ngược đường 19 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai tiến vào giải phóng thị xã Plei-cu.

Trên đường 21, ngày 23-3, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 đánh chiếm Khánh Dương, diệt và làm tan rã trung đoàn 40, thuộc sư đoàn 22 ngụy và 4 tiểu đoàn bảo an. Ở Quảng Đức, ngày 24-3, Trung đoàn 271 cùng lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng thị xã Gia Nghĩa.

Cả vùng Tây Nguyên bao la được giải phóng.

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (kể)

Lê Hải Triều (ghi)