QĐND - Đã 40 năm trôi qua, 40 xuân đi, xuân đến rồi mà mỗi lần nhắc đến Mùa Xuân đại thắng 1975, những nhà văn áo lính một thời, đặc biệt là những người đã từng có mặt ở Sài Gòn trưa 30-4-1975 lại như thấy cái không khí của những ngày lịch sử đó trở về với đầy vơi những bâng khuâng thương nhớ. Những ngày ấy, không chỉ là những “ngày vui đại thắng” của cả dân tộc, ngày lịch sử đất nước mở sang trang mới mà còn là những ngày thật ấn tượng đối với họ. Những ngày ấy, không chỉ có những cuộc hành quân “thần tốc” vĩ đại oai hùng, không chỉ có những niềm vui vỡ òa, không chỉ có những rừng cờ, những biển người  mà còn có cả những giọt nước mắt, “nước mắt của ngày gặp mặt”, còn có cả những “chuyện thường ngày” của người chiến sĩ...

Tiểu thuyết: Nắng đồng bằng.

Trước những ngày lịch sử đó, các nhà văn quân đội đa số còn trẻ. Họ là những “nhà văn trung úy” theo đại quân thần tốc tiến về Sài Gòn từ nhiều đơn vị trong toàn quân ở khắp ba miền đất nước, nhưng đông hơn cả là từ ba trung tâm: Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam mà chủ yếu là anh em ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng; Cục Chính trị Quân khu 5 mà đông hơn cả là anh em ở Tạp chí Văn nghệ giải phóng Khu 5 và các nhà văn ở các cơ quan báo chí, xuất bản thuộc Tổng cục Chính trị mà nòng cốt là anh chị em ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đáng chú ý hơn cả là những gương mặt trẻ, những chiến sĩ thực sự: Hữu Thỉnh đến từ Binh chủng Tăng-Thiết giáp; Chu Lai từ lực lượng Đặc công; Khuất Quang Thụy từ Quân đoàn 3 Tây Nguyên; Đào Thắng, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Trọng Tạo từ Quân khu 4; Đình Kính, Trần Đăng Khoa từ Hải quân; Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường), Dương Duy Ngữ từ Phòng không-Không quân; Phạm Hoa, Xuân Mai, Trần Nhương từ Tổng cục Hậu cần; Văn Lê, Hoàng Đình Quang, Thái Vượng, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng từ căn cứ Trung ương Cục; Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh từ Quân khu 5... Và nữa, Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Duy Khán, Anh Ngọc... từ Tổng cục Chính trị vào.

Bìa Tạp chí Văn nghệ Quân đội xuất bản những năm chống Mỹ.

Một điều rất kỳ lạ là trong ký ức của các anh về những ngày lịch sử ấy, không phải, không chỉ là những hình ảnh kỳ vĩ, hào hùng của những đoàn quân chiến thắng với cờ, hoa cùng những nụ cười, mà là những chuyện, những chi tiết rất lính, rất đời thường!

Nhà thơ Hữu Thỉnh theo xe tăng đột kích vào thành phố, và anh nói anh không thể nào quên được bữa cơm dã chiến của người chiến sĩ... “bữa cơm chiều”  trong dinh Độc Lập ngày 30-4 năm ấy:

Màu xanh-sân cỏ xanh mải miết

Quây quần đồng đội đến vui chung

 Hàng cây so đũa cùng ta đó

Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng

trong khi Tăng vẫn dàn theo hình chiến đấu/ Xích còn vương đất đỏ Phan Rang (Trong bài “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập”).

Nhà văn Lê Lựu nhớ lại: “Sau Chiến thắng Buôn Ma Thuột, nhà văn Nguyễn Khải và tôi được lệnh đi “B dài” vào thẳng Tây Nguyên. Gấp gáp quá. Gấp gáp đến nỗi mẹ của người yêu ốm sắp chết không kịp đến thăm. Nhà tôi chỉ cách Hà Nội có 27km cũng không kịp về. Mẹ, anh trai và các cháu tôi phải mang cá mòi nướng, xôi, gà, cơm nắm đi qua sông, đón đường ở ga Tía để “liên hoan chia tay”. Nhưng vào đến Quảng Trị, chúng tôi lại được lệnh không đi Tây Nguyên nữa. Theo mũi tiến quân của Quân đoàn 2 vào giải phóng Huế ngày 26-3. Khi đoàn quân chiến thắng ào ạt tiến vào phía trong, để lại một thành phố tím bầm, vắng lặng. Giữa im ắng đầy sự ngờ vực ấy chỉ trông thấy một người đàn ông mặc quần loe, áo chẽn, tóc dài... trông thấy hai chiến sĩ giải phóng ở tư thế cảnh giác, liền nói rất to: “Con là sinh viên hoạt động nội thành đó mấy chú”. Thế là cả hai bên chạy ùa đến ôm lấy nhau, chả cần giữ gìn mà cũng chả cần nguyên cớ. Đêm đó nhập ngay với hàng trăm sinh viên gân cổ lên “hát cho đồng bào tôi nghe” và bác Khải giở sách, bút ra ghi đến bảy chục trang trong một đêm gặp gỡ đầu tiên ấy... Vào Sài Gòn, tôi chỉ có hai địa chỉ là dinh Độc Lập ở đường Công Lý và nhà Trịnh Công Sơn ở đường Duy Tân. Dinh Độc Lập thì tìm thấy vào ngay từ chiều 30-4”... Và ông bảo, ấy là buổi chiều thanh bình hiếm hoi trong lịch sử dân tộc sau hàng trăm năm chìm trong tiếng súng. Ông kể tiếp: “Những chiến sĩ Quân Giải phóng vật lộn trong công sự chiến đấu giữa bom đạn hàng tháng trời không kịp tắm giặt và thiếu ngủ, đến giờ phút đại thắng này mới ăn mừng bằng cách cả chục người lao vào những cái vòi phun nước trước dinh để tắm. Hàng chục cái đầu trắng xóa bọt xà phòng, nói cười tung tóe. Bên cạnh đó là hàng chục người ôm súng nằm ngủ ngon lành...” (Trong bài “Ấn tượng đầu tiên của ngày chiến thắng đầu tiên”-Phụ san Văn nghệ Quân đội số 100 ngày 5-5-2001).

... Nhà thơ Anh Ngọc kể rằng, anh nhớ nhất là cái màu xanh của khung trời cực Nam Trung Bộ như cái chảo xanh khổng lồ úp sấp. Anh gọi cái màu xanh ấy là “cái màu xanh khát nước”... Rồi nhà thơ viết tiếp: “Và ngay trong lần đầu gặp gỡ với mảnh đất huyền thoại này, tôi đã được chứng kiến cảnh... tắm kỳ lạ ở đây. Ấy là khi anh Năm, người giao liên đưa đường cho tôi về căn cứ tiền phương của Tỉnh đội Bình Thuận, dẫn tôi tới một con suối cạn, dừng lại và tươi cười bảo: “Tắm tí cho mát anh”. Nhìn tôi ngơ ngác trước con suối cạn khô, phơi toàn cát trắng, anh lặng lẽ moi cát thành một cái hố, lấy ra từ trong bòng (ba lô nhỏ tự may) một mảnh ni-lông, trải trên miệng hố và ấn xuống cho thành một cái chậu nước tròn vo. Đoạn, anh đào một cái hố khác, rộng và sâu hơn, sâu đến độ một lúc sau thì nước từ đáy hố bắt đầu rỉ ra những mạch nước nhỏ li ti. Anh kiên trì lấy chiếc bát chắt từng bụm nước ở đáy hố, đổ vào cái chậu ni-lông vừa tự tạo. Ơ-rê-ca! Cái gì đây: Chẳng phải là cả một chậu nước trong văn vắt, soi thấu cả trời xanh, chắc không có một thứ nước máy nào sánh kịp! Chỉ có điều, sau dễ đến nửa tiếng gạn chắt, có lẽ cái chậu nước của anh Năm cũng chỉ được độ 5 lít nước không hơn... Chỉ biết rằng, sau chừng 20 phút, với những lớp lang bài bản như một diễn viên kịch hình thể điêu luyện, anh giao liên nhễ nhại mồ hôi đất bỗng trở thành một chàng công tử bảnh bao, tóc tai chải mượt, mặt mũi chân tay sạch sẽ tinh tươm!”. Nhà thơ cho biết: Nhật ký của anh ghi hôm ấy nhằm ngày 25-3-1975, tức là chỉ còn cách ngày 30-4 vẻn vẹn có 36 ngày (Theo “Bây giờ là tháng mấy”-Văn nghệ Quân đội cuối tháng 4-2010).

Ký ức những ngày đầu chỉ thế, vậy mà những năm sau, thậm chí chỉ vài tháng sau, trên giá sách của những người yêu văn học, người ta đã thấy những pho sách đượm chất sử thi viết về những ngày toàn thắng-những tác phẩm có thể nói là chân thật và sáng đẹp nhất trong tủ sách văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX; trong đó có những: Đường tới thành phố-trường ca của Hữu Thỉnh, Hương đất màu cờ-thơ của Anh Ngọc, Mở rừng của Lê Lựu... - những tác phẩm căn bản làm nên tên tuổi những tác giả mà trên đường hành quân thần tốc tiến vào Sài Gòn năm nào chỉ thấy kể chuyện... tắm và ăn! Và, trong đó có những tác phẩm trực tiếp viết về Xuân 1975 mà tiêu biểu có lẽ là ba cuốn tiểu thuyết: Nắng đồng bằng; Năm 1975 họ đã sống như thế; Trong cơn gió lốc... và tiểu thuyết mới nhất là cuốn Xuân Lộc.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết: “Trước khi vào nhập học Trường Viết Văn Nguyễn Du, cánh nhà văn quân đội có ba cây bút lừng lẫy với ba tiểu thuyết lừng lẫy toàn quân, toàn quốc. Nó kịp thời đáp ứng với niềm hân hoan chiến thắng của mọi người, đó là Nắng đồng bằng của Chu Lai, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy và Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân. Bây giờ đọc lại thì thấy đây là ba cuốn tiểu thuyết viết còn thô sơ, chưa ai thoát khỏi cách viết người thực việc thực, nhưng hồi ấy, với chúng tôi, đó là những gia tài lớn. Và đó là niềm kiêu hãnh” (Bài Những “bức tượng đài” về nhân cách người lính- Phụ san Văn nghệ Quân đội số 62, ngày 15-4-2000).

Bốn mươi năm đã đi qua, chúng ta đã có hàng trăm cuốn sách khắc họa lại những ngày hào hùng chưa xa của dân tộc, nhưng với một sự kiện lịch sử vĩ đại như Đại thắng mùa Xuân 1975 thì không một cuốn sách nào, một tác giả nào có thể diễn tả lại một cách đầy đủ được. Sự kiện vĩ đại mùa Xuân 1975 còn tươi mới mãi với mỗi con người đương đại và rất lâu nữa các thế hệ sau này sẽ còn quay trở lại chiêm ngưỡng... Và, tôi tin với tầm vóc ấy, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi còn là nguồn cảm hứng lịch sử lớn lao của nhiều thế hệ cầm bút.    

NGÔ VĨNH BÌNH