Mùa xuân năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên mà trận then chốt là Buôn Ma Thuột. Khi đó ở Tây Nguyên ta đã có hai sư đoàn là Sư đoàn 10 hoạt động ở Kon Tum và Sư đoàn 320 ở Gia Lai. Địch nhận định: Đụng độ lớn với Quân Giải phóng nếu xảy ra năm nay thì sẽ là bắc Tây Nguyên chứ không thể ở phía nam thuộc tỉnh Đắc Lắc. Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã tương kế tựu kế, bày một thế trận nghi binh. Sư đoàn 968 thuộc biên chế của Bộ tư lệnh Trường Sơn đang bảo vệ khu vực phía tây Đường Hồ Chí Minh được điều về ém ở phía Bắc Tây Nguyên, trở thành “quân bài” chính trong kế hoạch nghi binh địch. Các trung đoàn, tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 968 được “đóng vai” các sư đoàn chủ lực mà địch biết đã có mặt ở bắc Tây Nguyên, thông qua cách phát sóng thông tin giả, đôi khi còn cố tình để “lộ” cả kế hoạch tấn công. Các đơn vị trên chiến trường đều có máy thông tin loại 15W để chỉ huy xuống các trung đoàn và liên lạc với bộ tư lệnh chiến dịch. Khi ta quyết định điều Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 từ phía bắc vào nam Tây Nguyên thì đã dụng ý để lại máy truyền tin, cử báo vụ sư đoàn hằng ngày vẫn phát tin bình thường. Máy của những binh chủng quan trọng và đường dây thông tin hữu tuyến cũng để lại để khi địch đi do thám vẫn thấy quân ta hoạt động. Kết quả là đến tháng 2-1975, hai sư đoàn bộ binh và các đơn vị phối thuộc như xe tăng, thiết giáp, pháo mặt đất, cao xạ... đều về tập kết an toàn ở phía đông Buôn Ma Thuột mà địch không hề hay biết. Điều đáng nói nữa là thời điểm đó có thêm Sư đoàn 316 hành quân từ Nghệ An vào Tây Nguyên với 500 xe ô tô mà địch cũng không biết gì.
    |
 |
Trung tướng Trần Trác (người đứng đầu, đeo kính) gặp lại các bạn chiến đấu nhân Ngày truyền thống của Sư đoàn 968 (tháng 6-1998). Ảnh tư liệu |
Sư đoàn 968 “đội tên” các đơn vị chủ lực khác, rồi ra đòn tiến công vào các căn cứ địch ở phía bắc Tây Nguyên. Chính ủy Trần Trác nhớ lại một ngày tháng 1-1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn cùng ông xuống Trung đoàn 19 giao nhiệm vụ: Trung đoàn bước đầu phòng ngự chiếm giữ phía tây và bắc Đường 19. Tiểu đoàn 2 ở nam Đường 19 giả danh Sư đoàn 320; Tiểu đoàn 3 lấy phiên hiệu Sư đoàn 10 bố trí phòng ngự Chư Kara-Chư Giong Giàng, bắc Đồn Tầm-Chốt Mỹ; còn Tiểu đoàn 1 sẵn sàng cơ động ứng cứu... Ngày đó, Trung tá Lê Quang Huân vừa học xong Học viện Quân sự Cao cấp được điều vào chiến trường, đảm nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19. Ông đã cùng ban chỉ huy thảo ra kế hoạch tác chiến tỉ mỉ, cụ thể, trọng tâm là trận tấn công Đồn Tầm-Chốt Mỹ, rồi phát triển đánh địch từ điểm cao 605 đến huyện lỵ Thanh Bình-Thanh An-Hòn Rồng... Do tính chất quan trọng của trận đánh, Chính ủy Trần Trác thay mặt Bộ tư lệnh Sư đoàn 968 xuống trực tiếp chỉ đạo đơn vị.
Chiều 1-3-1975, Chính ủy Trần Trác cùng Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân phát lệnh tấn công Đồn Tầm-Chốt Mỹ. Hỏa lực ta giội bão lửa lên mục tiêu, tiếp đến các mũi tiến công của Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 dùng bộc phá liên tục mở cửa. Nửa giờ sau, pháo ta chuyển làn về các cao điểm 605 và quận lỵ Thanh Bình-Thanh An. Bộ binh và các đơn vị xung phong đánh chiếm lô cốt đầu cầu và phát triển vào trung tâm, đến 17 giờ 15 phút trong ngày, ta cơ bản làm chủ được cứ điểm. Đến thời điểm Buôn Ma Thuột nổ súng cũng là lúc Trung đoàn 19 làm chủ Thanh Bình-Thanh An-Hòn Rồng... Như vậy trong Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 968 đã nổ súng sớm nhất, tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn đánh đòn hiểm quyết định vào Buôn Ma Thuột, dẫn tới sự tan rã của quân đội Sài Gòn theo “hiệu ứng domino”.
Trung tướng Trần Trác sinh năm 1927, quê ở Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội, nhập ngũ đầu năm 1946. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông rời Sư đoàn 968 đảm nhiệm các chức vụ: Phó tư lệnh Chính trị Binh đoàn 11; Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Ông từ trần ngày 7-1-2003.
PHẠM QUANG ĐẨU