17 tuổi, Đỗ Quốc Ân rời quê hương Hậu Lộc, Thanh Hóa tình nguyện nhập ngũ và được phân về Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Với tư chất tốt, Đỗ Quốc Ân đã được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Pháo binh từ năm 1962 đến 1964. Sau khi tốt nghiệp, ông ở lại làm giáo viên Khoa Bắn pháo, là khoa trọng điểm của trường. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, tháng 10-1967, trường đã chọn và cử 10 giáo viên vào chiến trường miền Nam nghiên cứu thực tế ở các đơn vị chiến đấu, lấy kiến thức vận dụng vào giảng dạy, trong đó có giảng viên trẻ Đỗ Quốc Ân. Vào chiến trường, ông làm Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 675 (nay là Lữ đoàn 675), Binh chủng Pháo binh. Cùng những kiến thức được đào tạo tại Trường Sĩ quan Pháo binh, trải qua nhiều chiến dịch, trận đánh ác liệt như: Làng Vây, Tà Cơn... Đỗ Quốc Ân ngày càng dày dạn kinh nghiệm thực tế. Đặc biệt, ông tự hào kể với chúng tôi về trận đánh căn cứ Chư Nghé năm 1973 mà ông nhớ mãi.
    |
 |
Ông Đỗ Quốc Ân (bên trái) kể lại kỷ niệm chiến đấu. Ảnh: LA DUY |
Căn cứ Chư Nghé cách Pleiku khoảng 30km, nằm sâu trong vùng giải phóng. Tại đây có một tiểu đoàn của ngụy đóng quân. Hằng ngày, trực thăng của địch liên tục bay vào tiếp vận. Thời điểm đó, Đỗ Quốc Ân là Trưởng ban Tác huấn của Trung đoàn 675. Để chuẩn bị cho trận đánh, trung đoàn bí mật đào công sự ở các đồi xung quanh căn cứ Chư Nghé. Do các khẩu pháo cồng kềnh, khó di chuyển, dễ bị địch phát hiện nên bộ đội ta đã tháo từng khẩu pháo ra thành nhiều phần rồi dùng sức người kéo lên công sự trong đêm, khi đến nơi, mới lắp lại hoàn chỉnh. Trong thời gian này, địch không hề hay biết chúng đã bị bao vây bởi pháo ta. Mỗi khẩu pháo của ta đều được phân công cụ thể bắn vào từng lô cốt, cửa mở để cho bộ binh xung phong. Ngày 22-9-1973, thời cơ chín muồi, được lệnh tấn công, những khẩu pháo từ trên các đỉnh đồi bắn phá mãnh liệt vào căn cứ địch. Căn cứ Chư Nghé rền vang tiếng pháo, khói lửa bốc lên mù mịt. Chỉ trong một thời gian ngắn, địch đã phải kéo cờ trắng đầu hàng. Quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Đây là đòn giáng mạnh vào âm mưu của ngụy quân lấn chiếm vùng giải phóng.
Sau này, ông Đỗ Quốc Ân tiếp tục cùng đồng đội tham gia các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30-4-1975 là thời khắc không thể quên trong cuộc đời của ông. Lúc này, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 675. Sau khi chi viện cho Sư đoàn 320 đánh địch ở căn cứ Đồng Dù, tiểu đoàn của ông được lệnh bố trí trận địa pháo ở Hóc Môn để chi viện cho Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. 5 giờ ngày 30-4, pháo của Tiểu đoàn 2 từ hướng tây dồn dập bắn phá vào các mục tiêu trong sân bay Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện cho bộ binh Sư đoàn 10 vào đánh chiếm. Đến khoảng 9 giờ, ta đã chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất. Tiểu đoàn 2 được lệnh chuyển làn bắn vào bộ tổng tham mưu ngụy. Khoảng 10 giờ, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Quốc Ân nhận được điện từ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 675: “Sẵn sàng đánh 3 mục tiêu còn lại: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, cảng Sài Gòn. Trước mắt, tổ đài trinh sát của Tiểu đoàn 2 phải vào Dinh Độc Lập để nhận lệnh bắn khi cấp trên yêu cầu”.
Sau khi nhận điện, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Quốc Ân liền cùng cán bộ, chiến sĩ tổ thông tin, trinh sát, kế toán lên ngay chiếc xe Dos được trưng dụng của ngụy quân bỏ lại để tiến vào Dinh Độc Lập. Do không thuộc đường sá trong nội thành, lại thấy một số thanh niên trẻ khoảng 17-18 tuổi đang ở bên đường, ông liền gọi lên xe đi cùng dẫn đường. Khi ra tới đường Nguyễn Văn Trỗi, xe của Đỗ Quốc Ân đã tình cờ gặp đoàn xe tăng của Quân đoàn 2 từ hướng đông bắc đang tiến vào nội thành Sài Gòn. Vui mừng vì gặp được đồng đội, xe của ông len vào đội hình, hành tiến cùng đội hình xe tăng. “Quãng đường từ đó vào Dinh Độc Lập, tôi đã bật khóc, nước mắt cứ thế tuôn trào vì sung sướng quá. Hai bên đường, lính ngụy đầu hàng cởi hết quần áo vứt la liệt, súng để hết bên đường. Nhân dân vẫy cờ chào đón, họ còn chuẩn bị cả cơm nắm, trái cây cho bộ đội. Xe đi đến đâu, người dân lại đưa đồ ăn lên xe cho bộ đội đến đấy. Tôi cũng không thể quên được hình ảnh bà mẹ Nam Bộ khoác chiếc khăn rằn đi ngược chiều vừa hô vừa khóc: “Miền Nam Việt Nam được giải phóng rồi! Đất nước đã thống nhất rồi!...”, ông Đỗ Quốc Ân bồi hồi nhớ lại. Và như ông chia sẻ, thời khắc vào tới Dinh Độc Lập đúng lúc tổng thống Dương Văn Minh bị áp giải ra đái phát thanh tuyên bố đầu hàng là niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời quân ngũ của ông. Nhưng vui nhất là pháo binh đã không phải bắn vào các địa điểm đã được chỉ định, đó là các mục tiêu trong lòng thành phố...
NGUYỄN VŨ