leftcenterrightdel
Đoàn viên, thanh niên khu Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận giấy báo nhập ngũ năm 1971. Ảnh: KIM HÙNG

Hè năm 1971, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trở nên ác liệt, không khí động viên thanh niên nhập ngũ sôi sục, rầm rộ khắp các cửa ô ở Hà Nội. Lớp lớp ĐVTN hừng hực khí thế viết những bức tâm thư (nhiều bức còn được viết bằng máu) tình nguyện được lên đường ra trận. Nhận được giấy báo nhập ngũ, các thanh niên khu Hoàn Kiếm đã bày tỏ niềm hân hoan tự hào. Khoảnh khắc đó đã được nhiếp ảnh gia Kim Hùng, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam bấm máy. Bức ảnh này được in trong cuốn Another Vietnam, được biên tập và xuất bản bởi Tạp chí National Geographic với dòng chú thích: “Cảm xúc của thanh niên Hà Nội khi nhận giấy báo nhập ngũ. Những người đàn ông Bắc Việt suy nghĩ về danh dự khi chiến đấu để giải phóng quê hương của họ”. Bản thân ông Lợi trực tiếp chứng kiến khoảnh khắc đó, khi nhìn tấm ảnh, cũng như nhiều người xem đều cảm nhận được tâm trạng vui mừng phấn khởi với nhiệt huyết tuổi trẻ khi được cầm trên tay tờ giấy đặc biệt ấy. Ông Phạm Lợi cho biết:        

- Năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường tấn công miền Bắc bằng không quân. Trước tình hình đó, Thành đoàn Hà Nội đã xác định nhiệm vụ của thanh niên là: Sản xuất và bảo vệ sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, học tập và rèn luyện, đồng thời thay đổi nội dung Phong trào “Ba sẵn sàng” từ “sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược; sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào mà Đảng, nhân dân, Tổ quốc cần mà không đòi hỏi đãi ngộ” sang “sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm; sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần”.

Để phong trào lan tỏa, ông Lợi cùng các thành viên trong Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức đoàn các cấp thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, cổ động ĐVTN. Trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội nhằm giúp đỡ, vinh danh các gia đình có ĐVTN tòng quân giết giặc… Từ các chương trình hành động thiết thực này, Phong trào “Ba sẵn sàng” được ví như mồi lửa đã thắp sáng tinh thần, lý tưởng cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn đã như củi khô chờ được đốt cháy.  

NGỌC GIANG