Quyết chốt giữ bản Tà Lèng
Ngày 26-1-1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra quyết định thay đổi phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và ra lệnh cho các đơn vị kéo pháo trở ra vị trí tập kết quy định. 4 ngày sau, thực dân Pháp cho quân ra phía đông để thăm dò lực lượng của ta. Trung đội trưởng Lê Quyên được giao nhiệm vụ đưa một tiểu đội bộ binh và một tổ súng máy gồm 15 đồng chí thuộc Đại đội 653 (Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) tổ chức cảnh giới phía trước quả đồi ở bản Tà Lèng (nay thuộc xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) nhằm không cho quân địch tiến sâu vào phía sau quả đồi nơi có lực lượng của ta.
Mờ sáng, ông chỉ huy bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa. Bản Tà Lèng có mấy hộ dân là người dân tộc Khơ Mú đã di chuyển hết vào rừng, đất đai khô cằn, việc đào công sự rất khó khăn. Đến khoảng 9 giờ sáng, một chiến sĩ cảnh giới chạy vào báo cáo: “Báo cáo thủ trưởng, hướng ngoài bản có khoảng 20 tên "tây trắng" và cả "tây đen". Máy bay địch cũng đang bay vào lượn lờ thăm dò”. Trung đội trưởng Lê Quyên liền lệnh cho các chiến sĩ vào vị trí chiến đấu.
“Tất cả chúng tôi nằm im giữ bí mật. Cách công sự khoảng vài chục mét, tên "tây trắng" cầm gậy ba toong đi đầu, bên cạnh có một tên đeo đài liên lạc. Tôi liền ra lệnh nổ súng bắn hai tên này trước. Bị đánh bất ngờ, chúng lùi lại phía sau, gọi máy bay yểm trợ và pháo binh ở Mường Thanh bắn tới tấp vào bản Tà Lèng làm hai chiến sĩ hy sinh, khẩu trung liên cũng bị vỡ nòng”, ông Lê Quyên nhớ lại.
Cầm cự đến quá trưa vẫn chưa thấy quân ta chi viện, lúc này đơn vị chỉ còn 6 người nên ông Quyên ra lệnh cho đơn vị rút lên quả đồi phía sau có nhiều cây cối để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị trận chiến đấu tiếp theo. Đến 15 giờ, địch bắn đạn cối nổ gần công sự của ông Quyên và hai chiến sĩ là Lê Văn Bạc, Trần Văn Kiểm. Mảnh đạn bắn ra khiến ông Quyên bị thương vào mắt, chiến sĩ Kiểm bị thương vào tay, còn chiến sĩ Bạc bị thương vào đầu.
Ông Quyên và đồng đội được đưa về tuyến sau điều trị. Sáng hôm sau, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An xuống đơn vị biểu dương chiến công của các cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cảnh giới phòng ngự ở Tà Lèng. Từ trận đấu này, Trung đội trưởng Lê Quyên được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đồng chí Lê Văn Bạc do vết thương quá nặng đã hy sinh ngày 5-2-1954, tức mồng 3 Tết Giáp Ngọ. Còn vết thương ở mắt của ông Quyên phải đến năm 1958 mới được bác sĩ người Bulgaria ở Bệnh viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) phẫu thuật.
Cải chính ngày giỗ cho đồng đội
Năm 1958, đơn vị cử ông Quyên đi học ngành kiến trúc ở Hà Đông (nay là Hà Nội). Ngồi cạnh bàn ông Quyên có học viên tên là Giang Thị Huấn. Qua chuyện trò biết chị Huấn là người ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông Quyên hỏi chị Huấn có biết ai tên là Lê Văn Bạc, người làng Đông Tảo Nam thuộc xã Đông Tảo không? Chị Huấn bảo đó là người anh họ đã hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Cuối tuần nghỉ học về quê, Giang Thị Huấn liền kể chuyện với mẹ liệt sĩ Lê Văn Bạc. Bà khẩn thiết đề nghị ông Quyên về thăm quê và kể cho gia đình biết quá trình chiến đấu, hy sinh của con trai bà.
Ngày về làng Đông Tảo Nam, Lê Quyên thắp nén nhang cho người đồng đội rồi kể lại những kỷ niệm trên chiến hào và cả sự chiến đấu ngoan cường đến hơi thở cuối cùng của Lê Văn Bạc cho người thân của anh nghe. Ngày 6-2-1954, anh em trong đơn vị đã tổ chức chôn cất thi hài Lê Văn Bạc bên sườn đồi Mường Phăng và trong những ngày Tết rét buốt ở chiến trường Điện Biên Phủ, chính tay Lê Quyên cùng đồng đội đã khắc bia mộ Lê Văn Bạc trên một tấm gỗ.
Nghe Lê Quyên kể, mẹ liệt sĩ Lê Văn Bạc không nén nổi xúc động. Bà bảo, mấy năm qua, gia đình bà đã làm giỗ cho con trai không đúng ngày, bởi giấy báo tử ghi Lê Văn Bạc hy sinh ngày 6-5-1954, tức ngày 4-4 âm lịch. Sau khi biết chính xác ngày hy sinh của con trai qua lời kể của của đồng đội, từ năm 1959, gia đình đã làm giỗ tưởng nhớ liệt sĩ Lê Văn Bạc vào ngày 3-1 âm lịch mà không phải ngày 4-4 như trước kia.
Sau khi họp bàn gia đình, họ hàng, mẹ liệt sĩ Lê Văn Bạc nói với Lê Quyên: “Nhà mẹ có Bạc là con trai duy nhất. Giờ con hãy về làm con nuôi mẹ nhé!”. Vậy là Lê Quyên lại có thêm một gia đình nữa. Từ đó đến nay, ông Quyên vẫn gắn bó mật thiết với anh em, họ hàng liệt sĩ Lê Văn Bạc. “Tôi năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn thường xuyên tự bắt xe hoặc nhờ con cháu đưa về quê Hưng Yên thăm họ hàng, dự lễ cưới hỏi của các cháu và làm giỗ cho bố mẹ, cho đồng đội”.
Bài và ảnh: CHÍ HÒA