Tên tuổi Thượng tướng Nguyễn Hữu An gắn liền với nhiều trận đánh oanh liệt trên hầu khắp các chiến trường Đông Dương suốt ba cuộc chiến tranh của dân tộc trong thế kỷ XX. Ông còn có một "nỗi oan" ít người biết đến, kéo dài đằng đẵng suốt 41 năm. Hai tháng sau ngày về với "thế giới người hiền", ông mới được chính thức minh oan...

Vị tướng trận mạc

Thượng tướng Nguyễn Hữu An

Ông sinh tháng 10-1926 tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha là bí thư chi bộ đầu tiên của xã Trường Yên, mẹ và anh trai tham gia cách mạng từ khi Đảng mới ra đời. Nguyễn Hữu An tham gia cách mạng và vào bộ đội năm 19 tuổi. Suốt 50 năm quân ngũ, ông đã tham gia trọn vẹn ba cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, trưởng thành từ chiến sĩ lên đến quyền Tư lệnh quân khu, Phó tổng thanh tra Quân đội, Giám đốc Học viện Quốc phòng với quân hàm Thượng tướng, phó giáo sư khoa học quân sự. Nửa thế kỷ tham gia cách mạng thì hơn 30 năm ông trực tiếp cầm quân đánh giặc, từ trận Đông Khê, Thất Khê, Bình Liêu, Bông Lau… trong kháng chiến chống Pháp; chiến dịch Cánh Đồng Chum-Mường Sủi (Lào) năm 1971, sông Sa Thầy, Quảng Trị-Thừa Thiên… trong kháng chiến chống Mỹ đến các trận đánh ở chiến trường Cam-pu-chia, góp phần giải phóng nước bạn năm 1979. Qua thử thách khốc liệt của chiến tranh, Nguyễn Hữu An đã trở thành "một tướng lĩnh có tài năng, xây dựng và huấn luyện các binh đoàn bộ đội, tổ chức, chỉ huy, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo" (lời Đại tướng Chu Huy Mân).

Năm 28 tuổi, Nguyễn Hữu An là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 chủ công của Đại đoàn 316, trực tiếp đánh chiếm đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tham gia chiến dịch này, ông và đồng đội có những ngày "máu trộn bùn non", gian khổ và oanh liệt. Ông đã chỉ huy trung đoàn chiến đấu cực kì anh dũng, làm chủ đồi A1, mở toang "cánh cửa thép" để quân ta từ hướng Đông tiến công vào phân khu trung tâm, bắt sống tướng Đờ Cát, giành toàn thắng.

Năm 1964, ông chuẩn bị đi học ở nước ngoài. Hộ chiếu, hành trang đã sẵn sàng. Gia đình, người thân còn có bữa "liên hoan nhẹ" để chia tay. Đột nhiên, ông được lệnh dừng đi học để vào Quân khu 4 nhận chức Tư lệnh Sư đoàn 325, gấp rút chấn chỉnh bổ sung trang bị và đưa vào miền Nam chiến đấu.

Vào Tây Nguyên, Nguyễn Hữu An trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy Trung đoàn 101 diệt gọn tiểu đoàn biệt động "Cọp đen", đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 44 chủ lực của ngụy, diệt tên trung đoàn trưởng trung đoàn này. Tháng 11 năm sau, ông chỉ huy trận đánh Ia Đrăng nổi tiếng, tiêu diệt hoàn toàn 1 tiểu đoàn và làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn kị binh không vận Mỹ. Đây là một trận đánh chiến thuật nhưng mang tính chiến lược, tạo bước ngoặt cho chiến trường. Sau trận đánh này, quân đội Mỹ phải xem xét lại về "sức mạnh vô địch" của lực lượng kị binh bay, còn phía ta đã hình dung được cách đánh Mỹ và củng cố niềm tin về khả năng tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn quân Mỹ. Hai mươi năm sau, Trung tướng Ha-rôn Mo-rơ, nguyên tiểu đoàn trưởng kị binh bay may mắn thoát chết trong trận Ia Đrăng đã thừa nhận: "Ia Đrăng là trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến ở Việt Nam". Viên tướng này bày tỏ sự khâm phục đối với Thượng tướng Nguyễn Hữu An và quân giải phóng: "Bộ đội các ông thật tuyệt vời-một đối phương có sự chỉ huy tuyệt vời ở mọi cấp và có những người lính thiện chiến vì sự nghiệp, không bao giờ được đánh giá thấp…".

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, dưới sự chỉ huy của ông, Quân đoàn 2 đã giải phóng Quảng Trị, thành phố Huế và cùng quân, dân Quân khu 5 đánh tan gần 10 vạn lính chủ lực cơ động của ngụy quyền Sài Gòn tại căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng chỉ trong 3 ngày đêm. Sau đó với khí thế như thác đổ triều dâng, Quân đoàn 2 đã hành quân thần tốc gần một nghìn cây số để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch tại Phan Rang, tiến vào nội đô cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập và bắt nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ông nhớ lại cảm xúc trong ngày 30-4-1975 lịch sử: "Có lẽ trong trận đánh liên tục khẩn trương, dài ngày và thắng lợi vĩ đại này, có thể tinh thần, tình cảm của con người tôi đã quá tải. Đúng vậy. Cái gì cũng quá mức. Mệt mỏi quá. Căng thẳng quá. Lo lắng quá. Vui mừng sung sướng quá! Tất cả những cái "quá mức" ấy đến lúc này, chiến tranh đã kết thúc, trong đầu tôi tự nghĩ: Tuy chiến tranh kết thúc rồi nhưng chưa phải là đã được thảnh thơi đâu anh bạn ơi, còn có hàng trăm, hàng nghìn công việc đang đợi anh đấy, hãy sẵn sàng chuẩn bị mà lên đường tiếp tục sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước".

Đúng như dự liệu của ông, sau đại thắng mùa xuân 1975 chưa được bao lâu, tiếng súng chiến tranh lại vang lên ở biên giới hai đầu đất nước. Nguyễn Hữu An cùng đồng đội ra trận giữ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Cam-pu-chia diệt lũ diệt chủng Pôn Pốt. Ở tuổi 60, khi là quyền Tư lệnh Quân khu, ông vẫn xông xáo đi đến từng căn hầm, từng điểm tựa nơi một thời là "Lò vôi thế kỷ" để chỉ bảo cho người lính về những điều cần thiết trong chiến đấu. Năm 1995, khi đã sắp sang tuổi "thất thập", Thượng tướng Nguyễn Hữu An vẫn chuẩn bị cho chuyến đi ra quần đảo Trường Sa. Nhưng chưa kịp thực hiện dự định đó thì chiều ngày 31-3, ông đã phải vào Viện 108 cấp cứu. Đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ông vĩnh viễn đi xa. Vị tướng trận mạc về với tổ tiên cũng vội vã và bình thản như những lần ra trận vậy…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Cậu bị phê bình oan"

Trong quá trình tìm hiểu và viết bài về Thượng tướng Nguyễn Hữu An, tôi có đến gặp và được nhà giáo Bùi Thục Chi, phu nhân Thượng tướng tiếp niềm nở, ân cần. Bà Thục Chi có kể lại một chuyện mà đến nay chưa nhiều người biết đến. Ngày ấy, sau khi Thượng tướng Nguyễn Hữu An qua đời, bà Chi được mời đến Học viện Quốc phòng để nhận lại các hiện vật trong phòng làm việc của chồng. Trong chồng sách, bà vô tình thấy một phong thư, ngoài bì đề: "Kính gửi anh Văn" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV). Sau đó, bà đã nhờ một cán bộ Học viện Quốc phòng chuyển thư này đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khoảng đầu tháng 6-1995, theo yêu cầu của Đại tướng, bà Chi đã đến gặp và đưa Đại tướng tập bản thảo hồi ức của Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Vừa gặp bà, Đại tướng đã xúc động nói:

- Anh An mất đi, nỗi đau của tôi không kém gì nỗi đau của chị.

Rồi Đại tướng hỏi:

- Chị đã nhận được thư của tôi trả lời về lá thư của anh An chưa?

- Thưa anh, chưa ạ - Bà đáp.

Đại tướng bảo:

- Để tôi xem lại.

Đến chiều ngày 12-6-1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho người mang thư đến nhà đưa cho bà Thục Chi. Ngoài phong bì đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chị Nguyễn Hữu An. Từ lá thư trả lời của Đại tướng, bà Thục Chi đã tìm hiểu và biết được về một nỗi day dứt suốt 41 năm của chồng vì bị phê bình oan.

Câu chuyện trở về những ngày đánh cụm cứ điểm A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi đó Nguyễn Hữu An là trung đoàn trưởng Trung đoàn 174. Đây là một trong những trận đánh ác liệt và khó khăn nhất, phải ba lần bộ đội ta mới dứt điểm được. Trong trận đánh mở đầu đợt 2 chiến dịch vào ngày 30-3-1954, do đường dây liên lạc hữu tuyến bị đứt trước giờ nổ súng một tiếng nên chỉ huy Trung đoàn 174 không nhận được lệnh của Đại đoàn. Trung đoàn mở vô tuyến điện liên lạc cũng không được. Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An buộc phải rời sở chỉ huy cơ bản, vượt qua mưa bom bão đạn để về sở chỉ huy phía trước nắm tình hình. Nhưng tại đây, Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Y cũng không có thông tin cụ thể. Phán đoán mặt trận đã nổ súng, mặc dù chưa nhận được lệnh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An vẫn chủ động ra lệnh cho trung đoàn xung phong đánh A1. Nhưng do nổ súng chậm hơn các đơn vị nên pháo binh địch đã tập trung ngăn chặn vào đội hình Trung đoàn 174, làm ta bị tổn thất và trận đánh không thành công. Hôm sau, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tổ chức cuộc họp cán bộ để rút kinh nghiệm. Diễn biến cuộc họp này đã được Nguyễn Hữu An ghi trong hồi kí: "Đối với tôi, đây là một kỷ niệm chua chát, nhớ đời: Mình là người chỉ huy một đơn vị có truyền thống chiến đấu giỏi mà trận này chưa hoàn thành nhiệm vụ, trong lúc đó các đơn vị bạn đã lập được chiến công lớn… Nhưng sự thể chưa dừng lại ở đó. Trong cuộc họp này, Đại tướng phê bình tôi trước cán bộ toàn mặt trận: "Đã chậm giờ nổ súng, tự gây khó khăn, không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng tới sự phát triển của chiến dịch". Mỗi lần kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, trong lòng tôi lại nhớ chuyện này".

Thời gian đã lùi xa. Chi tiết trong cuộc họp hôm ấy nhiều người không còn nhớ. Nhưng với Nguyễn Hữu An đó là nỗi buồn và sự day dứt không yên. Một lần, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đồng Hới, ông kể lại diễn biến trận đánh năm xưa. Đại tướng trách: "Sao cậu không nói rõ nguyên nhân trong hội nghị hôm ấy?". Nguyễn Hữu An trả lời:

- Thưa anh, trong lúc đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ mà thanh minh việc cá nhân không tiện mặc dù mình bị phê bình oan.

Năm 1984, gặp ông tại Bảo tàng Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp siết chặt tay và nói:

- Mình công nhận trận đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ cậu bị phê bình oan.

Câu nói của vị Tổng Tư lệnh đã giúp Nguyễn Hữu An vơi đi rất nhiều nỗi ưu tư suốt 3 thập kỷ nhưng trong thực tế ông vẫn chưa được minh oan chính thức.

Bà Bùi Thục Chi cho chúng tôi xem cả thư của ông An và nội dung trả lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hoàn cảnh câu chuyện đã nêu ở trên. Trong thư, Thượng tướng Nguyễn Hữu An viết: "...mất liên lạc, trung đoàn do phán đoán thấy toàn mặt trận đã đánh nên tự động lệnh cho đánh. Tôi cho rằng đây là một ưu điểm. Có lẽ đối với nhiều người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ít ai còn nhớ tới chuyện này. Nhưng với tôi, nó lại là một nỗi day dứt khó quên... Tuy  trận đánh đã đi vào lịch sử mấy chục năm qua nhưng thỉnh thoảng vẫn có người khơi lại chuyện này trong một số hội nghị. Vì vậy, tôi đề nghị anh xem xét, đánh giá lại nhận xét trước đây và xóa đi cho chúng tôi vì đã bị phê bình oan-như anh đã trực tiếp nói với tôi ở Bảo tàng Quân đội trong dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ".

Và, đây là nội dung thư trả lời với những dòng xác nhận chính thức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Trận tấn công cứ điểm A1 mở đầu đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ đã không thành công vì nhiều nguyên nhân. Trong các nguyên nhân đó có việc Trung đoàn 174 nổ súng chậm do không nhận được lệnh của Đại đoàn 316. Việc không chuyển lệnh kịp thời thuộc trách nhiệm của Đại đoàn, không phải là khuyết điểm của Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An và Chính ủy Trung đoàn Trần Huy". (Ký tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Như vậy, sau 41 năm, "nỗi oan" của vị tướng trận mạc Nguyễn Hữu An đã được giải tỏa chính thức và hoàn toàn. Đáng tiếc là khi đó ông đã đi xa mãi mãi...

Trần Hoàng