3 phút diệt 3 máy bay địch

Cuối tháng 6-1972, Nguyễn Hùng Tiến chiến đấu trong đội hình của Đại đội 9, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 241, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân (sau này, Trung đoàn 241 chuyển thành Lữ đoàn 241, Quân đoàn 1), cắm chốt trên điểm cao 52 ở phía nam sông Mỹ Chánh, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Từ sáng sớm, quân ta cho một chiếc xe tăng cơ động vào chân điểm cao cách vị trí xạ thủ Nguyễn Hùng Tiến khoảng 150m. Buổi chiều, máy bay cường kích A37 của địch từ hướng đông đột nhiên xuất hiện, bay thấp, lao thẳng vào điểm cao 52. Theo phản xạ, Nguyễn Hùng Tiến hô “Chết này!”, rồi mắt bám sát kính ngắm, tay di chuyển súng máy 14,5mm, chân đạp cò, loạt đạn 3 viên vút lên không trung. Ở hầm chữ A bên cạnh, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Cân ngước đầu lên: “Nó chết thật rồi!”. Chiếc máy bay bốc khói đen, chao liệng rồi rơi cách điểm cao khoảng 3km.

Chưa kịp ăn mừng vì vừa lập công, từ xa nghe tiếng máy bay A37 khác lại gầm rú lao đến. Không chút đắn đo, Nguyễn Hùng Tiến giương nòng súng vào lũ “cướp trời” và nhả đạn, chiếc máy bay thứ hai bị tiêu diệt. Đang tối tăm mặt mũi vì khói đạn thì một chiếc A37 nữa lại hướng vào điểm cao 52, xạ thủ Tiến bình tĩnh thực hiện các thao tác rồi đạp cò. Sau giây lát, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Cân lại ngước đầu reo lên: “Chiếc thứ ba cháy rồi!”.

Do chủ quan, cho rằng hỏa lực của ta ở điểm cao 52 không đáng sợ nên không quân Mỹ cho cả biên đội đến để diệt các mục tiêu của ta, nhưng chúng không ngờ lại bị tổn thất lớn. Trong vòng 3 phút, 3 chiếc máy bay cường kích A37 của địch bị bắn hạ bởi xạ thủ Nguyễn Hùng Tiến bằng súng máy 14,5mm. Địch không dám quay trở lại tập kích tiếp. Các đơn vị bộ binh xung quanh ra hò reo ăn mừng chiến công vang dội của Đại đội 9.

“Địa ngục cấp thấp”

Tháng 9-2015, cựu phi công người Mỹ tên là Hugh L.Mills có dịp trở lại Việt Nam. Đến Bảo tàng Phòng không-Không quân, Hugh L.Mills chỉ vào những khẩu súng 12,7mm, 14,5mm và nói với chúng tôi: “Đây là những khẩu súng đã gây ra nỗi khiếp sợ cho các máy bay hạng nhẹ, tầm thấp của không quân Mỹ. Năm 1969, 100% quân nhân trong đơn vị tôi đã bị thương ít nhất một lần, trong đó có 8 người tử nạn”.

Tháng 12-1968, phi công Hugh L.Mills tham gia chiến đấu ở chiến trường Việt Nam với nhiệm vụ là phi công trinh sát, chuyên đi do thám các hoạt động của quân ta ở các chiến trường Trị Thiên và Nam Bộ. Giữa năm 1971, Hugh L.Mills trở lại Việt Nam lần thứ hai với nhiệm vụ chỉ huy biên đội trực thăng giải cứu các lính Mỹ bị thương sau các cuộc đối đầu với quân ta. Cựu binh Mỹ cho rằng, phi công chiến đấu là nghề cực kỳ nguy hiểm, nhất là lái các loại máy bay hạng nhẹ, bay ở độ cao thấp dễ bị các loại vũ khí phòng không bắn hạ, hầu như ngày nào ông cũng bị nhắm bắn.

leftcenterrightdel

Phi công Hugh L.Mills trong lồng sắt, được máy bay trực thăng kéo lên, ngày 30-1-1972. Ảnh tư liệu

Từ trải nghiệm tham gia chiến đấu ở chiến trường Việt Nam, Hugh L.Mills đã viết hồi ký với tựa đề “Low Level hell” (tạm dịch “Địa ngục cấp thấp”). Ông Mills giải thích: “Địa ngục cấp thấp” là chữ in trên phù hiệu và được thêu lên áo của các phi công Mỹ. Người thiết kế ra phù hiệu này là phi công John West. Ngày 6-11-1969, John West điều khiển chiếc trực thăng bay song hành cùng với Hugh L.Mills ở tầm thấp, nhưng không may, máy bay của John West bị lực lượng của quân đội Việt Nam bắn hạ và tử nạn. Đó là lý do mà tôi đặt tên cho cuốn hồi ký của mình”.     

Cuộc gặp gỡ của những người ở hai đầu chiến tuyến

Đầu tháng 8-2015, CCB Nguyễn Hùng Tiến nhận được cuộc điện thoại của một cán bộ ở Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng: “Có một cựu phi công Mỹ tên là Hugh L.Mills đề nghị được gặp chú và những người lính Việt Nam đã từng bắn ông ấy và các phi công khác bị thương vào ngày 30-1-1972 tại chiến trường Quảng Trị. Mong chú sắp xếp!...”.

Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 2-9-2015, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vợ chồng ông Mills và đoàn làm phim người Mỹ cùng các CCB, cán bộ, đoàn thể địa phương đã có cuộc gặp gỡ tại nhà CCB Nguyễn Hùng Tiến. Mở đầu cuộc gặp, ông Tiến đặt câu hỏi:

- Lý do gì sau gần nửa thế kỷ các ông lại muốn đến gặp những người đã từng bắn hạ các ông?

- Các ông là những chiến sĩ giỏi. Mà đã là chiến sĩ giỏi thì dù ở bất kỳ bên nào cũng đáng cảm phục!-Hugh L.Mills đáp lại.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Tiến (áo xanh), ông Hugh L.Mills cùng vợ và người phiên dịch, tháng 9-2015. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Câu trả lời dễ “chấp nhận” của cựu binh, từng là cảnh sát trưởng một bang ở Mỹ khiến thầy giáo Nguyễn Hùng Tiến thay đổi thần thái: “Người Việt Nam chúng tôi luôn đề cao và trân trọng sự tử tế. Sự tử tế xuất phát từ đáy lòng. Các ông quay lại Việt Nam với sự tử tế nên ngồi đây hôm nay, chúng tôi khép lại quá khứ và xem các ông như những người bạn”.

Sự căng thẳng phút ban đầu qua đi, những người lính từng đối đầu ở hai bên chiến tuyến lại ôn tồn, thân thiện. Cả cựu phi công Hugh L.Mills và các CCB của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 241 vẫn nhớ rõ trận chiến ngày 30-1-1972. Khoảng 10 giờ ngày hôm ấy, ven bìa rừng ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chiếc máy bay UH-60 của không quân Mỹ đang bay trinh sát thì bị xạ thủ Nguyễn Văn Thắng thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 8 (lúc đó, ông Nguyễn Hùng Tiến cũng đang chiến đấu trong đội hình của Đại đội 10) sử dụng khẩu 14,5mm bắn hạ, viên phi công nhảy dù ra, bị thương, liền sử dụng bộ đàm gọi đồng đội đến cứu. Lúc đó Hugh L.Mills vừa cất cánh ở sân bay Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) đang bay ra gần khu vực biên giới Việt-Lào nhận được tin liền đến ứng cứu. Khi đang bay độ cao lên 5.000 feet (khoảng 1.500m), quan sát dưới mặt đất thấy một mục tiêu vừa bắn hạ đồng đội mình, Hugh L.Mills dùng hỏa lực để triệt hạ xạ thủ Nguyễn Văn Thắng. Nhưng ngay lập tức, xạ thủ Phạm Nhật Ánh cũng thuộc Đại đội 10, ở chốt bên cạnh giương nòng súng 14,5mm bắn rơi cánh quạt đuôi trực thăng của Hugh L.Mills. Chiếc trực thăng mất kiểm soát quay vòng vòng trên không rồi rơi xuống đất. Phi công Hugh L.Mills bị gãy chân.

Để giải cứu hai phi công, Mỹ đã huy động gần 40 máy bay bắn phá xung quanh với bán kính 2-4km nhằm không cho quân ta tiếp cận, bắt sống các giặc lái. Hai phi công được cho vào lồng sắt rồi trực thăng kéo lên đưa về căn cứ.

Sang Việt Nam đợt này, Hugh L.Mills được CCB Nguyễn Hùng Tiến dẫn về Thái Nguyên, Thanh Hóa để thắp hương cho hai người lính Phạm Nhật Ánh và Nguyễn Văn Thắng vừa mới mất cách đó chưa lâu. Sau đó, Hugh L.Mills đã đi bộ qua cầu Hiền Lương, đi dọc bên sông Bến Hải, sông Mỹ Chánh, lên Khe Sanh (Quảng Trị) để hồi tưởng về quá khứ và chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của mảnh đất từng được mệnh danh là “túi bom” này.  

NGUYỄN CHÍ HÒA