Cuối năm 1965, Trung đoàn 278 và 275 (thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân) làm công tác chuẩn bị hành quân sang Liên Xô học chuyển loại tên lửa ABUHA. Trung đoàn 278 của tôi học tập tại trung tâm huấn luyện ở sa mạc Karakum. Đến phần thực hành xạ kích, để có máy bay luyện tập, kíp chiến đấu của tiểu đoàn tôi được đưa sang Baku (Azerbaijan), nơi huấn luyện của Trung đoàn 275 cùng học tập bắt máy bay thật.

10 ngày huấn luyện thực hành sao mà nhanh thế. Ngày đi bắn đạn thật, kiểm tra sau khóa huấn luyện đã đến. Chúng tôi nhận bộ khí tài tên lửa còn mới, bạn đã triển khai và làm tham số sơ bộ. Trong khi làm tham số, đồng chí Zaxpon-sĩ quan điều khiển, thầy giáo của tôi cho biết: “Bộ khí tài này bắn xong, thu hồi hành quân sẽ đưa thẳng sang Việt Nam bàn giao cho tiểu đoàn để chiến đấu”. Tôi rất sung sướng và khi nhận bộ khí tài “6005”, tôi đã đánh dấu ghi chữ P trong khối U32 tủ sĩ quan điều khiển.

Đầu tháng 9-1966, đơn vị được lệnh hành quân về nước bằng tàu hỏa. Chúng tôi được đưa về xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội) để làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Những ngày này, máy bay Mỹ ngang nhiên bay trên bầu trời miền Bắc nước ta, chúng bắn phá các khu dân cư, giết hại bà con nhân dân. Tội ác của giặc Mỹ không thể nào tha thứ, càng khích lệ tinh thần chúng tôi hăng hái sẵn sàng ra quân đánh giặc. Ngày 9-10-1966, đơn vị được lệnh nhận khí tài đưa về khu vực làm định kỳ, tham số. Tôi cùng đồng chí Lê Quang Thừa, trợ lý kỹ thuật của trung đoàn, làm công tác kiểm tra. Đúng là bộ khí tài số 6005. Kéo khối U32 ra, tôi thấy có chữ P mà tôi ghi trước đây. Tôi reo to: “Đúng, đúng bộ khí tài tiểu đoàn đã bắn tại trường bắn sau khóa huấn luyện và đã diệt 2 mục tiêu, còn tiết kiệm được 1 quả đạn rồi”. Tôi ôm đồng chí sĩ quan điều khiển bạn và kíp chiến đấu vui mừng khôn xiết.

Làm công tác chuẩn bị xong, tiểu đoàn triển khai tại trận địa Mãn Đức, Cao Phong, Hòa Bình. Ngày 22-10-1966, tôi theo lệnh bắt được tốp mục tiêu bay vào, được lệnh ấn nút phóng 2 quả đạn có điều khiển tốt, diệt mục tiêu lúc 10 giờ 30 phút, chiếc F105 rơi tại chỗ. Đây là trận mở màn, là trận đầu đánh thắng của Tiểu đoàn 93, Trung đoàn 278 bằng bộ khí tài số 6005. Đó là chiến công đầu của tôi trên cương vị là một sĩ quan điều khiển. Tiếp tục chiến đấu từ tháng 10-1966 đến tháng 5-1968, đơn vị tôi đã hành quân trên các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... chiến đấu 46 trận, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái; bị địch đánh vào trận địa 4 lần, có 3 lần hỏng khí tài phải sửa chữa.

Một lần, tại trận địa xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đơn vị đang sửa chữa khí tài để tham gia chiến dịch thì bị địch phát hiện. Chúng đánh đi đánh lại bằng máy bay, phi pháo suốt từ 10 giờ ngày 12-5 đến 10 giờ 30 phút ngày 13-5-1968. Lần này, tiểu đoàn bị hỏng hoàn toàn xe AA (tính toán) phải hủy tại trận địa, số còn lại kéo về nông trường Sông Con của Nghệ An chờ lệnh quân chủng để sửa chữa. Đến tháng 3-1969, theo lệnh trên, Trung đoàn Tên lửa 278 và 261 sáp nhập, lấy phiên hiệu Trung đoàn 261 có 4 tiểu đoàn hỏa lực 57, 59, 93, 94 và Tiểu đoàn Kỹ thuật 95.

Tháng 6-1972, tôi được điều động từ Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 93 về làm quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57. 4 giờ sáng 22-6-1972, tôi có mặt nhận nhiệm vụ thay đồng chí Trần Khắc Cần, Tiểu đoàn trưởng đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi bắt đầu nắm đơn vị, nghiên cứu phương án chiến đấu, kiểm tra khí tài thấy số hiệu 6005, chính là bộ khí tài đã gắn bó với tôi, chiến đấu cùng tôi gần hai năm (từ tháng 10-1966 đến tháng 5-1968). Hỏi cán bộ đơn vị được biết, bộ khí tài này tiểu đoàn nhận tháng 4-1972.

Thời gian này, đế quốc Mỹ thua đau ở miền Nam, chúng đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, chúng leo những nấc thang vô cùng thâm độc. Đánh thẳng vào Hà Nội, Hải Phòng kể cả những khu dân cư, chúng đưa cả máy bay B-52 ra đánh phá. Với bộ khí tài này, đơn vị chiến đấu một số trận không bắn rơi máy bay. Anh em nghĩ rằng nguyên nhân là do khí tài. Sau đó, tôi cùng luyện tập với kíp chiến đấu, tìm hiểu, trao đổi với cán bộ kỹ thuật, họ đều khẳng định khí tài tốt, tham số ổn định. Tôi họp với kíp chiến đấu bàn bạc, giải quyết tư tưởng, đặt lòng tin vào bộ khí tài, đi sâu rút kinh nghiệm luyện tập. Những ngày ấy liên tục báo động vào cấp 1, địch ở xa chưa đánh. Ngày 27-6-1972, địch vào vùng hỏa lực, đơn vị phóng 2 quả đạn, diệt tại chỗ chiếc F4C. Máy bay rơi tại xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), ta bắt sống giặc lái. Chiến công này khẳng định khí tài tốt.

leftcenterrightdel

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (ngoài cùng, bên phải) cùng kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261

trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh do tác giả cung cấp 

Từ tháng 6 đến hết tháng 8-1972, tiểu đoàn bắn rơi thêm 4 máy bay, có 2 chiếc rơi tại chỗ. Đầu tháng 11-1972, trên lệnh cho tiểu đoàn nhận bộ khí tài mới từ trong kho. Tiểu đoàn triển khai tại trận địa xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (Hà Nội), do đồng chí Phó tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hòe cùng kíp 3 trông coi, ngụy trang, bảo quản làm tham số hằng ngày. Tiểu đoàn vẫn sẵn sàng chiến đấu bằng bộ khí tài 6005. Đồng thời, chúng tôi luôn suy nghĩ và đặt câu hỏi: Sao trên lại giao cho tiểu đoàn bộ khí tài mới chỉ để trông coi?

Ngày 9-12-1972, cấp trên lệnh Trung đoàn 261 chuẩn bị tư tưởng, động viên bộ đội kiểm tra khí tài hành quân đi chiến trường B. Thế là đã rõ, trên quan tâm cho chúng tôi bộ khí tài mới để đi chiến đấu. Thật sung sướng. Đang làm công tác chuẩn bị, đơn vị cho một số đồng chí đi tranh thủ thăm gia đình. Chiều 15-12-1972, tiểu đoàn nhận được lệnh “không đi B nữa, ở lại chiến đấu tại chỗ”, bảo vệ Thủ đô Hà Nội; tiếp tục làm công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, luyện tập theo phương án, gọi cán bộ, chiến sĩ đi phép về...

Khi nhận nhiệm vụ ở trung đoàn, đồng chí Phó trung đoàn trưởng Võ Công Lạng lệnh cho tiểu đoàn thu hồi bộ khí tài cũ bàn giao về kho quân chủng, triển khai bộ khí tài mới để chiến đấu. Tôi suy nghĩ rồi bàn với đồng chí chính trị viên và báo cáo trung đoàn, xin cho tiểu đoàn giữ bộ khí tài cũ để chiến đấu. Bởi, mặc dù khí tài đã cũ nhưng tham số rất ổn định, nó đã quen với tay quay của trắc thủ. Nhờ có nó, chúng tôi đã bắn rơi máy bay Mỹ. Những trận đánh trước đó là minh chứng rõ nhất, đã trở thành niềm tin của kíp chiến đấu và cả tiểu đoàn. Được trung đoàn đồng ý, tôi rất phấn khởi về họp tiểu đoàn phổ biến nhiệm vụ. Ai cũng phấn khởi, tin tưởng đợt chiến đấu chắc chắn sẽ giành thắng lợi.

Chiến dịch phòng không tháng 12-1972 diễn ra. Trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu với máy bay B-52, bộ khí tài 6005 càng tỏ rõ sức bền vật liệu, không có hỏng hóc, địch vào đều chiến đấu được ngay. Đơn vị đã đánh 19 trận, tiêu diệt 4 máy bay B-52, trong đó có 2 chiếc rơi tại chỗ. Đặc biệt, có trận trong 10 phút bắn rơi 2 chiếc B-52, 1 chiếc rơi tại chỗ chỉ với 2 quả đạn. Đây là trận đánh có hiệu suất cao, tiết kiệm đạn. Bộ khí tài có số hiệu 6005 đã được chúng tôi nâng niu, yêu quý. Nó đã cùng chúng tôi chiến đấu, bắn rơi 20 máy bay, trong đó có 4 máy bay B-52.

 

       Trong trận đánh ngày 28-12-1972, khí tài bị hỏng, chúng tôi kéo về khu vực chợ Yên của Kim Anh (nay là Đông Anh, Hà Nội) để sửa chữa. Rồi tôi cùng kíp chiến đấu   được lệnh đi vào chiến trường Khu 4 và từ đó xa bộ khí tài đã cùng tôi đi suốt một chặng đường dài chiến đấu...

Trung tướng NGUYÊN VĂN PHIỆT

Nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân