QĐND - Các chiến sĩ Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ-Tây Nguyên và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào thường gọi Đại tướng Chu Huy Mân bằng một cái tên thân thương, kính mến: Anh Hai Mạnh. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Chu Huy Mân (17-3-1913 / 17-3-2013), Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng giới thiệu bài viết của Đại tá Đỗ Sâm, cán bộ dưới quyền Đại tướng Chu Huy Mân trong những năm tháng ở Quân khu 5.
Anh Hai Mạnh bên nước bạn Lào
Năm 1961, sau khi liên quân Lào-Việt giải phóng Sầm Nưa, anh Chu Huy Mân-Trưởng đoàn Cố vấn và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cùng một số chuyên gia về làm việc tại thủ đô Viêng Chăn. Lúc này quân phản động Lào do Phu-mi Nô-xa-vẳn chỉ huy tập trung quân, dự định tấn công chiếm lại Viêng Chăn. Anh Chu Huy Mân đã điện về Hà Nội đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho viện trợ pháo để chi viện bộ binh chiến đấu. Được Đại tướng đồng ý, anh Hai Mạnh đã bàn với Đại úy Koong Le, Tổng chỉ huy quân đảo chính Lào, cử đặc phái viên sang Hà Nội xin viện trợ.
Ngày 12-12-1960, Bộ tư lệnh Pháo binh đã cho chuyển ngay một đại đội trọng pháo 105mm, một đại đội súng cối 120mm cùng một số đạn theo đường máy bay từ Sân bay Gia Lâm sang Sân bay Vát-tày. Sau đó, trưa 13-12-1960, một số chuyên gia và chiến sĩ pháo binh Việt Nam đã bay tiếp sang Viêng Chăn. Đại úy Koong Le đề nghị với chuyên gia Việt Nam cho pháo binh bắn vào một số vị trí quân Phu-mi Nô-xa-vẳn đang tập trung quanh ngoại ô Viêng Chăn. Đại úy chỉ tiếp trên bản đồ, đề nghị bắn vào một trận địa pháo ở Noọng-khai trên đất Thái Lan bên kia sông Mê Công thường vẫn bắn sang phía quân đảo chính Koong Le và Pa-thét Lào.
Anh Chu Huy Mân đã cân nhắc kỹ rồi quyết định:"Khi địch tấn công, để gây uy thế cho Koong Le, có thể bắn trong một thời gian rất ngắn vào trận địa pháo Noọng Khai nhưng chỉ dùng khoảng 10 đạn pháo, bắn thật chính xác, không được để thiệt hại cho dân lành".
Thực hiện chỉ thị của anh Hai Mạnh, các đơn vị pháo lập tức sẵn sàng chiến đấu.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi Thiếu tướng lên đường vào công tác ở Quân khu 5 và Tây Nguyên. Ảnh tư liệu. |
Ngày 14-12-1960, sau nhiều loạt trọng pháo bắn từ Noọng-khai, quân Phu-mi từ Chi-na-mô tấn công vào trung tâm Viêng Chăn. Pháo binh đã chi viện cho các lực lượng liên quân Lào-Việt đánh thắng ngay trận đầu hôm đó.
Ít ngày sau, lực lượng quá ít, đại bộ phận chủ lực ta phải rút ra ngoài Viêng Chăn.
Sau đó, anh Hai Mạnh nhận điện về Hà Nội họp bàn giải phóng Cánh Đồng Chum.
Tối 29-12-1960, anh đã cùng đoàn quân của Liên quân Lào-Việt xuất quân từ Văng Viêng tiến đánh Cánh Đồng Chum rồi sáng ngày 1-1-1961, Liên quân Lào-Việt tiến vào giải phóng thị xã Xiêng Khoảng.
Một số chuyên gia Việt Nam tại Lào cùng anh em pháo binh Lào đến chúc Tết anh Hai Mạnh. Phía Lào có anh Su-li-ma, chỉ huy lực lượng pháo binh Pa-thét Lào (sau là Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng Lào); anh Si-ha-rát Pha-xúc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo binh của tổ chức thanh niên đảo chính Vương quốc Lào. Trong tiểu đoàn anh Si-ha-rát Pha-xúc có anh Khăm La cùng đi. Anh Khăm La đã để một bộ râu quá dài. Các bạn đề nghị anh cạo râu nhưng anh từ chối và nói "Khi nào giải phóng Thủ đô mới cạo râu". Anh Pha-xúc kể câu chuyện này với anh Hai Mạnh rồi khuyên Khăm La:
- Đến chúc Tết anh Hai Mạnh đúng thời gian liên quân Lào-Việt đã giải phóng Xiêng Khoảng, Thủ đô mới của chúng ta rồi. Khăm La cạo râu đi.
Khăm La trả lời:
- Viêng Chăn mới là Thủ đô của ta. Khăm La chỉ cạo râu khi giải phóng Viêng Chăn.
Anh Chu Huy Mân ôn tồn cười, khen tấm lòng yêu nước của Khăm La.
Các anh Khăm La, Si-ha-rát Pha-xúc, Su-li-ma đều rất cảm động trước cách xử sự nhân hậu, độ lượng của người anh, người thầy Chu Huy Mân.
Một thời gian sau, anh Hai Mạnh được cử làm Cố vấn Chính phủ Liên hiệp Lào. Tuy nhiều khó khăn nhưng có sự cộng tác chặt chẽ của Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, Hoàng thân Thủ tướng Su-va-na Phu-ma, anh Hai Mạnh được tín nhiệm cao trong chính phủ Liên hiệp Lào.
Tháng 5-1961, anh Hai Mạnh về Việt Nam. Trước khi về nước, anh được Chính phủ Vương quốc Lào tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và một thanh bảo kiếm.
Người anh trung thực, chân thành của Quân khu 5
Trong kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 đồng chí Chu Huy Mân là Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, sau có thời kỳ là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5.
Một số anh em Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ đã có thời gian cùng chiến đấu với anh tại Lào vẫn thấy ở anh lòng nhân hậu thương yêu cấp dưới và chiến sĩ; tính quyết đoán, mưu trí chỉ huy như trước đây anh vẫn có.
Bác sĩ Sâm, người được phân công chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh cho tôi biết, có lần thấy nhà văn Nguyên Ngọc ốm, anh Hai Mạnh đã nói với bác sĩ Sâm trích tiêu chuẩn thuốc bổ của mình đưa Nguyên Ngọc dùng.
Có lần mùa mưa, trời quá lạnh, khi xuống thăm phòng pháo binh, anh Hai Mạnh đã nhường tôi chiếc áo len anh đang mặc. Một số anh chị em trong quân khu cho tôi biết nhiều lần bị yếu cũng được anh cho những củ sâm, những lọ sữa ong chúa của anh.
Trong cương vị Tư lệnh Quân khu, công việc rất nhiều nhưng anh vẫn dành thời gian chơi bóng chuyền, bóng rổ, sống chan hòa thân mật với anh chị em cơ quan.
 |
Đại tướng Chu Huy Mân (người đeo kính, thứ tư từ trái sang) trong chiến dịch giải phóng thành phố Đà Nẵng tháng 3-1975. Ảnh: TTXVN.
|
Một lần, trong Chiến dịch Kon Tum năm 1972, anh Chinh, Đại đội trưởng súng cối 120mm của mặt trận được gọi lên gặp anh Chu Huy Mân lúc ấy đang đi kiểm tra chiến đấu. Anh đã được Tư lệnh cho chiếc áo rét, ít thuốc bổ và nhắc lại một số kỷ niệm lúc anh Chinh là công vụ cho Tư lệnh một thời gian trước đó.
Ông Trần Ngọc Anh, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 5 từng kể:
- Tháng 3-1970, Bộ tư lệnh quân khu quyết định tổ chức một trận tập kích hỏa lực lớn, dùng hơn 300 đạn hỏa tiễn ĐKB và A12 bắn vào sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà. Đây là trận dùng hỏa lực lớn nhất của quân khu từ trước đến thời gian ấy. Anh Hai Mạnh đã quan tâm theo dõi và chỉ đạo chiến đấu ngay từ thời kỳ đầu. Khó khăn lớn nhất là vận chuyển bằng sức người hơn 10 tấn đạn. Anh đã quyết định cho học viên trường quân chính quân khu tạm ngừng học tập một thời gian để vận chuyển hết số đạn hỏa tiễn này ra trận địa. Trận tập kích hỏa lực ngày 6-5-1970 bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng khi mặt trời đã bắt đầu mọc, có bắn thử, quan sát sửa bắn nên đã giành được thắng lợi lớn. Trong tổng kết trận đánh, anh Hai Mạnh đã dự, chỉ đạo từ đầu đến cuối, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm lớn dùng cho những trận tập kích hỏa lực về sau.
Khi được tin Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết ngày 27-1-1973, nhiều tiếng nổ vang khắp rừng Trường Sơn ngay cả quanh khu vực Bộ tư lệnh quân khu. Anh em cảnh vệ giải về một số chiến sĩ vô kỷ luật vừa bắn súng thuộc một đơn vị công binh về phòng công binh quân khu. Biết tin này, anh Hai Mạnh đã xuống phòng công binh. Một chiến sĩ công binh vừa bị bắt khai ra:
- Được tin sắp hòa bình, chúng em vui sướng quá. Không có pháo đốt mừng nên đã dùng súng bắn thay đốt pháo.
Anh em tưởng Tư lệnh sẽ thi hành kỷ luật nặng. Nhưng anh chỉ ôn tồn nhắc nhở:
- Bao năm chiến tranh ác liệt gian khổ quá mức rồi, ai chẳng sung sướng khi được sống hòa bình. Tuy vậy không được "lạc quan tếu". Phải biết tiết kiệm đạn để đủ dùng sau này vì chúng ta mới "đánh cho Mỹ cút”, còn phải tiếp tục "đánh cho ngụy nhào".
Thời gian này đã giáp Tết Quý Sửu.
Được biết, trong số các chiến sĩ vừa bị bắt có mấy anh giỏi văn thơ, nhạc, họa, anh Hai Mạnh nói anh Bùi Đắc Ngôn, Trưởng phòng công binh tha cho rồi vui vẻ đề cập:
- Để mừng hòa bình được lập lại trong dịp Tết Quý Sửu này, chúng ta nên tổ chức cho cơ quan Tham mưu ra một số báo Tết.
Tờ báo Tết của cơ quan Tham mưu Quân khu hoàn thành, ai xem cũng tỏ lời khen.
Tư lệnh Chu Huy Mân khơi gợi tiếp ý kiến:
- Tờ báo đã tốt rồi. Ta cần có thêm một đêm liên hoan văn nghệ đầu Xuân nữa!
Thế là ngay sau đó các nhóm múa, hát, kịch được thành lập.
Diễn viên là các cán bộ chiến sĩ cơ quan tham mưu từ cán bộ các cơ quan tác chiến, trinh sát, pháo binh... đến chị nuôi, giao liên, cảnh vệ.
Sau này, khi anh Hai Mạnh đã về nghỉ, các bạn chiến đấu ở Quân khu 5 và Tây Nguyên, ở Lào vẫn thường xuyên thân mật đến thăm anh tại gia đình.
Thế rồi một căn bệnh hiểm nghèo đã đến với anh Hai Mạnh. Anh đã ra đi về với cõi vĩnh hằng ngày 1-7-2006, hưởng thọ 93 tuổi.
Bạn bè chiến hữu ở Việt Nam, Lào và nhiều nước bạn khác, gia đình, bà con quê hương... vô cùng thương tiếc Đại tướng Chu Huy Mân, anh Hai Mạnh, một người anh trung thực, có lòng nhân hậu, chân thành thương yêu chiến hữu, bạn bè; một người chỉ huy có tính quyết đoán, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác.
ĐỖ SÂM