Ký ức về những năm tháng đói cơm rách áo, vượt núi băng ngàn chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt của người anh hùng được những người thân và các thế hệ học trò của ông tái hiện trong tình cảm xúc động và sự ngưỡng vọng lớn lao…
Thầy Huê và ngọn cờ Hải Nhân
Anh Phan Thanh Dũng, một Việt kiều yêu nước có nhiều đóng góp cho quê hương, đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức, thông qua mạng xã hội, gửi cho biên tập viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng những hình ảnh, tư liệu về Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê. Anh cho biết: “Tôi là bạn đọc trung thành của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng cả chục năm nay. Từ ngày ấn phẩm có trên Báo Quân đội nhân dân điện tử, tôi chưa bỏ sót một số nào. Tình cờ được xem tư liệu về cố nhà giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê, tôi thấy rất hữu ích với công tác giáo dục truyền thống và tôn chỉ tuyên truyền của báo ta. Tôi gửi các anh xem!”.
Tư liệu mà anh Phan Thanh Dũng gửi cho chúng tôi là những hình ảnh và một phần di cảo của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê (tên thật là Nguyễn Văn Nẵm), do con trai của ông là anh Nguyễn Đình Hùng, sinh sống ở Đức lưu giữ. Trong một lần đến thăm nhà bạn, anh Dũng được anh Hùng cho xem tư liệu gia đình, sau đó, anh Dũng liên hệ với chúng tôi.
    |
 |
Nhà giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê. |
Cảm phục trước tấm gương của một nhà giáo mẫu mực, là một trong những người đầu tiên của ngành giáo dục nước nhà được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ chống Mỹ, chúng tôi đã về quê hương ông. Vào dịp giỗ đầu, bàn thờ ông nghi ngút khói nhang. Căn nhà nhỏ bình dị nép mình bên con đường nhỏ ở phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa vẫn vẹn nguyên nếp xưa, cảnh cũ, với cái gàu múc nước đã mòn vẹt đặt trên bể chứa nước mưa phủ màu thời gian, bên cạnh giàn trầu không sum suê tỏa bóng xuống nền gạch cũ. Chủ nhân của những đồ vật rêu phong ấy là cụ Cao Thị Bường, vợ của thầy Huê, năm nay đã 91 tuổi. Dù đã ở tuổi thượng thượng thọ nhưng cụ Bường vẫn còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Cụ vừa là người vợ, vừa là học trò, là đồng chí của thầy Huê, đồng cam cộng khổ, sát cánh cùng chồng trong những năm tháng đói kém, khó khăn chồng chất, đi xây dựng cơ ngơi cho sự nghiệp giáo dục ở xứ Thanh. Giọng bùi ngùi, cụ Bường kể:
- Ông nhà tôi sinh năm 1926 ở xã Trường Trung, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã được kết nạp Đảng. Là người thông minh, có chí hướng rõ ràng, ông được tổ chức phân công đi học ngành sư phạm tại Khu 4. Năm 1954, ông về dạy học rồi làm Hiệu trưởng Trường cấp 1 Trường Trung, rồi lại xung phong lên xã vùng cao Thượng Ninh, huyện Như Xuân gây dựng phong trào. Mô hình trường dân tộc nội trú được ông khởi xướng và áp dụng từ buổi ấy, nhằm vận động, thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường. Sau khi tạo dựng cơ sở ban đầu ổn định, ông lại tình nguyện khăn gói về vùng Công giáo Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, vận động giáo xứ cho mượn nhà thờ làm trường học. Năm 1959, ông đặt chân đến vùng đất mới Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tiếp tục sự nghiệp “trồng người” ở nơi được coi là khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa.
    |
 |
Thầy Nguyễn Văn Huê (giữa) cùng các giáo viên, học sinh Trường cấp 1 Hải Nhân những ngày mới thành lập. Ảnh tư liệu gia đình. |
Tài liệu do gia đình thầy Huê lưu giữ có một bài báo viết rằng, trong một lần đến thăm Hải Nhân, nhà báo quốc tế nổi tiếng người Australia Wilfred Burchett, một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã dành những ngôn từ tốt đẹp nhất để bày tỏ thái độ khâm phục, ngưỡng mộ thầy Nguyễn Văn Huê. Wilfred Burchett cho rằng, thành tựu giáo dục đạt được ở Hải Nhân dưới sự tổ chức của thầy Huê là điều kỳ diệu, vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người…
Vào thời kỳ ấy, Thanh Hóa đang chịu nạn đói do mất mùa. Hải Nhân là “cái rốn” của nạn đói ấy. Để xây dựng được một ngôi trường, vận động con em đi học trong hoàn cảnh ấy là vô cùng khó khăn. Dựa vào dân, thầy Huê đến từng nhà, gặp từng người vận động, nhường cả tiêu chuẩn gạo, vải, đồ dùng... cho dân nghèo. Bà con cảm phục nhiệt huyết và nghĩa cử của thầy, đã đồng lòng nhất trí cất bốc, di dời hơn 1.000 ngôi mộ để lấy đất, góp gỗ, tre, tranh, chung sức dựng trường học. Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thầy Huê đã khởi xướng tổ chức nhiều phong trào thi đua cho ngành và địa phương, như: “Chị hiền, anh tốt”, vận động, cổ vũ nam nữ thanh niên tham gia dựng trường, đào hầm, hào tránh bom Mỹ để cho các em đến lớp học an toàn. Các phong trào: “Vườn cây tương lai”, “Tiếng trống chất lượng ban đêm”, “Lấy cần cù bù khả năng”, “Một kế hay bằng ngàn tay lao động”… do thầy Huê chủ trì phát động đã thổi bùng nhiệt huyết, cổ vũ tinh thần hăng say học tập, lao động, củng cố hậu phương tiếp sức cho tiền tuyến. Thầy trò đội mũ rơm đến trường, thanh niên thức xuyên đêm đào hào, đắp hầm cho người dân tránh bom Mỹ. Từ tấm gương đi đầu của thầy Huê, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Nhân đã phát động Phong trào thi đua “Noi gương người anh cả Nguyễn Văn Huê” quyết tâm giành thành tích cao trên mọi mặt. Năm 1964, tỉnh Thanh Hóa tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong ngành giáo dục, tôn vinh Hải Nhân là điển hình, nhân rộng trong toàn tỉnh. Tiếng thơm vang xa, Trường cấp 1 Hải Nhân được Chính phủ chọn là lá cờ đầu phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống trường phổ thông toàn miền Bắc. Những kinh nghiệm vượt khó, huy động sức dân, tinh thần dạy học sáng tạo, dũng cảm, hiệu quả ở Hải Nhân được phổ biến, nhân rộng toàn miền Bắc. Thầy Huê được Bác Hồ trực tiếp gặp gỡ, động viên, khen ngợi. Bác đề nghị ngành giáo dục nhân rộng những tấm gương như thầy Huê. Ngày 1-7-1967, thầy giáo Nguyễn Văn Huê vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Giáo dục theo lý tưởng Bác Hồ
Trong di cảo để lại cho con cháu, thầy Nguyễn Văn Huê viết rằng, niềm vinh dự, tự hào lớn nhất trong đời nhà giáo của mình là đã được gặp Bác Hồ 19 lần. Trong đó, nhiều lần thầy Huê được Bác trực tiếp căn dặn, càng khó khăn, gian khổ càng phải chú ý chăm lo sự nghiệp “trồng người”. Rất tiếc là nhiều hình ảnh, hiện vật kỷ niệm giữa thầy Huê với Bác Hồ, do chiến tranh, thiên tai nên đã bị mất mát, hư hỏng. Những hình ảnh về thầy Huê còn đến hôm nay là do cụ Bường lưu giữ được. Cụ Bường kể:
- Tôi và ông ấy đã có một tình yêu đẹp, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Chúng tôi quen nhau từ khi ông là cán bộ phụ trách Đội Thiếu nhi Trần Quốc Toản, còn tôi là đội viên. Về sau, khi ông làm Đại đội trưởng dân quân thì tôi cũng tình nguyện tham gia làm cấp dưỡng nuôi quân cho các đơn vị ở địa phương. Ngày 15-8-1953, chúng tôi thành vợ chồng. Những năm tháng ông ấy đi học sư phạm rồi làm thầy giáo, mỗi lần về thăm nhà, khi ra đi, tôi gánh gồng đem hành lý cho chồng đi bộ 40-50km. Thời ấy gian khó, đói kém nhưng lý tưởng của tuổi trẻ dâng cao ngút trời. Cứ nghĩ đến việc cống hiến cho đất nước theo lời dạy của Bác Hồ là mình lại xung phong.
Là một tấm gương sáng của ngành giáo dục, dù đang đi học nhưng thầy Huê được tín nhiệm bầu vào Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm, đại biểu Quốc hội. Từ năm 1970, thầy Huê là Chủ tịch Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam, năm 1971 tiếp tục được bầu là đại biểu Quốc hội. Sau khi trở về quê, dù được lãnh đạo tỉnh động viên, đề bạt làm lãnh đạo ngành, nhưng thầy Huê xin được tiếp tục về cơ sở xây dựng phong trào, phát triển sự nghiệp giáo dục ở những nơi khó khăn, gian khổ. Khi phong trào đã phát triển ổn định, thầy thực hiện yêu cầu của trên, về giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ty Giáo dục tỉnh Thanh Hóa, sau đó là Phó chủ tịch UBND thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa) đến khi nghỉ hưu.
Lăn lộn, gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở miền quê khó khăn, nghèo khổ, được lý tưởng của Đảng soi sáng và trực tiếp được Bác Hồ căn dặn, thầy Huê đã sống một cuộc đời giản dị, liêm chính, tận hiến cho sự nghiệp giáo dục. Từ ngày nghỉ hưu, thầy Huê dành tâm huyết cho việc nghiên cứu, viết tài liệu, là điểm tựa tinh thần cho các thế hệ nhà giáo xứ Thanh. Trong các tài liệu của thầy Huê mà chúng tôi được tiếp cận, thầy luôn vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào mục tiêu, hình thức, phương pháp giáo dục và xã hội hóa công tác giáo dục. Theo thầy Huê, dù công nghệ có tiện ích, hiện đại đến đâu thì nó chỉ là phương tiện. Giáo dục cho con cháu thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ và quan điểm giáo dục của Đảng mới là cái đích chúng ta hướng tới.
Nhà giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê từ trần ngày 24-5-2018, thọ 93 tuổi. Sống giản dị, thác thanh cao, đám tang của người anh hùng cũng giản lược, đạm bạc như chính cuộc sống của ông nơi căn nhà bình dị mà chúng tôi vừa kính cẩn dâng nén nhang thơm…
Ký của PHAN TÙNG SƠN