Ông đã được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng, 6 danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay Mỹ, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Hiện nay, Quân chủng Phòng không-Không quân đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông.
Tháng 8-1971, vừa bước sang tuổi 18, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Chiến tạm biệt quê hương Sông Lô, Vĩnh Phúc lên đường ra chiến trận. Sau một thời gian được các chuyên gia Liên Xô trực tiếp huấn luyện loại khí tài mới-tên lửa phòng không A72, đầu năm 1972, ông cùng đồng đội thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 172 (hiện nay Tiểu đoàn 172 thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân) vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiệm vụ chốt chặn, không cho địch ở khu vực này hỗ trợ, chi viện, giải vây cho đồng bọn trên các trận địa phía ngoài.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Chiến.
Sáng 9-4-1974, Tiểu đội 3, Đại đội 3 được lệnh cơ động ra chốt chặn tại kênh Long An (tỉnh Long An) để tiêu diệt máy bay địch dự kiến tiếp tế tại đây. Chiều cùng ngày, sau khi tiểu đội đã ổn định vị trí chiếm lĩnh trận địa thì phát hiện chiếc máy bay C-47 từ hướng đông đang bay sang phía tây, ở độ cao 2.000m. Thấy mục tiêu xuất hiện, Nguyễn Ngọc Chiến cơ động ra vị trí thuận lợi, nhanh chóng thao tác lắp máy phóng và vác lên vai, xác định độ cao và cự ly theo chiến thuật bắn đón. Tên lửa được phóng ra và chiếc máy bay C-47 rơi tại chỗ. Tổng kết đợt chốt chặn tại kênh Long An, chỉ trong 3 ngày, Nguyễn Ngọc Chiến bắn rơi 4 chiếc máy bay Mỹ các loại.
CCB Nguyễn Ngọc Chiến nói rằng, để có được hiệu suất chiến đấu cao như trên là cả một quá trình nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bởi lý thuyết được truyền thụ khác rất nhiều so với thực tế trên chiến trường. Tên lửa A72 là loại vũ khí bám nhiệt thụ động, khi máy bay bay qua đám mây dày trên bầu trời, mục tiêu bị mờ nên khó phát hiện. Hơn nữa, khi địch đoán được vị trí phục kích của ta thì chúng phóng cầu lửa để ngụy trang, ngoài ra pin lắp vào tên lửa A72 rất nhanh hết điện, nếu không nhanh thì sẽ mất thời cơ diệt mục tiêu. Vì vậy, kinh nghiệm sử dụng hiệu quả tên lửa vác vai A72 là phải cơ động nhanh, biết chọn vị trí hợp lý; thao tác chuẩn xác, lấy tham số kịp thời; phải biết phân biệt loại máy bay, ước lượng tốc độ bay, độ cao và luôn kiên trì bám sát mục tiêu, đồng thời phải dũng cảm, quyết đoán và phóng đạn đúng thời cơ.
Đầu tháng 2-1975, tiểu đội nhận lệnh đi chiến đấu cùng với các đơn vị thuộc Sư đoàn 5, hướng mũi chốt chặn tại sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn Bình Châu-Mộc Hóa (tỉnh Long An). Địch cho máy bay trinh sát khu vực xung quanh không thấy động tĩnh gì, khoảng 5 phút sau, xuất hiện chiếc CH-54 bay tới để thả hàng xuống chốt. Trận địa gần chốt máy bay bay thấp không đủ góc tà để bắn, tổ hội ý và quyết định chờ thời cơ máy bay bay lên rồi nhả đạn. Nguyễn Ngọc Chiến cơ động ra vị trí hướng chiếc CH-54 sẽ bay lên. Với kinh nghiệm đã bắn rơi 4 máy bay địch trước đó, trong đó có cả loại máy bay AC-130, Nguyễn Ngọc Chiến nhanh chóng thao tác đạn, chọn phần tử bắn. Quả tên lửa A72 lao vút trong không trung, bay thẳng vào chiếc CH-54 đang bay lên. Sau tiếng “bùm” đinh tai, máy bay chao nghiêng, bốc cháy rồi rơi tại chỗ. Cùng lúc đó còn có chiếc máy bay UH-1A đi cùng bảo vệ chiếc CH-54. Chớp thời cơ, Nguyễn Ngọc Chiến bình tĩnh tiếp tục thao tác quả đạn thứ hai và bám được mục tiêu. Lập tức quả đạn tên lửa A72 lao đi vun vút, chiếc UH-1A bị tiêu diệt. Chỉ trong vòng một phút, xạ thủ tên lửa A72 Nguyễn Ngọc Chiến đã bình tĩnh, mưu trí tiêu diệt hai chiếc máy bay Mỹ.
Sau này, khi gặp lại các chuyên gia Liên Xô, Nguyễn Ngọc Chiến kể về những chiến công trên, các cựu binh Xô Viết không khỏi ngưỡng mộ và khâm phục bộ đội Việt Nam nói chung và đồng chí Chiến nói riêng khi chỉ phóng 11 quả đạn tên lửa A72 đã tiêu diệt 6 máy bay địch, hiệu suất đạt hơn 50% là hiếm thấy.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA