Bà bảo, cuộc đời bà có ánh sáng của Đảng, của cách mạng soi đường mới được như ngày hôm nay, thế nên bà nguyện đem mọi tâm huyết vận động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để đền ơn Đảng và những người có công với dân, với nước...
Cô gái Tày sớm giác ngộ cách mạng
Tên khai sinh của NSƯT Lê Thu là Đào Thị Đoan, người dân tộc Tày. Bà vốn là con gái của một gia đình quan lại dưới thời Pháp thuộc ở Cao Bằng. Mới 12-13 tuổi, nào đã hiểu chuyện, Đoan được bố nuôi là ông Hai Côn-một quan hai của Pháp giao đưa “thức ăn” về quê-thôn Bó Lếch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An giao cho hai cô là Kim Cúc, Kim Hoa. Cô bé Đoan hớn hở xách cái làn trên tay, được xe tay của quan hai đưa về nên chẳng tên lính bốt nào dám xét hỏi. Xong việc, Đoan cùng chúng bạn kéo nhau ra đầu làng chơi, vẫn nhớ lời dặn của các cô: Nếu thấy lính đi tuần thì phải chạy ngay về báo tin. Mãi mấy năm sau, khi đã tham gia lực lượng điệp báo của Nha Công an Trung ương, cô mới biết trong cái làn ấy không chỉ có thức ăn mà còn có cả những tài liệu quan trọng để giao cho các cơ sở cách mạng mà hai cô của Đoan cũng là một “mắt xích” trong đó.
    |
 |
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thu. Ảnh: KHÁNH AN |
15 tuổi, Đào Thị Đoan tham gia thiếu sinh quân; 16 tuổi thì lọt vào “mắt xanh” của các cán bộ Nha Công an Trung ương về địa phương tuyển người. Ngày ấy, cả làng, cả tổng mới tuyển lựa được hai người con gái cùng ở độ tuổi trăng tròn. Hai người được Giám đốc Nha Công an Trung ương Lê Giản đặt tên là Lê Thu và Lê Hiền. Lê Thu được học nghiệp vụ trinh sát. Người anh, người thầy Nguyễn Cao Phòng, Đại đội phó Đại đội Độc Lập (sau là Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), thấy tư chất cô thông minh, nhanh nhẹn, khuyên cô phải học thêm đánh máy chữ, luyện thành thục các biện pháp nghiệp vụ để phục vụ cho công tác. Đến giờ, bà vẫn nhớ “bài tập” đầu tiên mà người thầy, cũng là người bạn đời sau này đã “thử sức” bà trên bước đường công tác.
Đợt ấy, ở Nha Công an Trung ương xảy ra một sự việc rất nghiêm trọng. Một cán bộ miền về chiến khu công tác bị mất toàn bộ số tiền một vạn đồng Đông Dương ngay tại phòng nghỉ của giám đốc nha. Căn phòng ấy ngoài giám đốc và đồng chí cán bộ còn có 3 người là Lê Thu, Lê Hiền và chị đội trưởng-một cán bộ đã công tác nhiều năm trong lực lượng. Thầy Cao Phòng giao cho Lê Thu nhiệm vụ truy tìm kẻ lấy cắp. Cô suy nghĩ, phán đoán theo các phương án nghiệp vụ thầy đã chỉ dạy, tìm ra đối tượng tình nghi là chị đội trưởng. Nhưng để phá án phải nhờ “công” của Đại đội phó Nguyễn Cao Phòng. Ông đưa ra phương án cho nghỉ phép để đối tượng tự “chui đầu vào rọ”. Quả nhiên, sau khi phát đi thông tin các cán bộ của nha được ưu tiên nghỉ phép, đối tượng là người xin đi đầu tiên. Nguyện vọng được chấp thuận, nhưng khi đối tượng ra đến trạm gác cuối cùng thì Đại đội phó Cao Phòng với lý do chưa xin được giấy từ cấp trên nên yêu cầu các đồng chí đi phép phải ở lại chờ đến trưa. Sinh nghi, đối tượng đã tìm cách ra khu vực vắng nhằm phi tang vật chứng và bị bắt tại trận với đầy đủ tang chứng là một vạn đồng Đông Dương được bọc kỹ trong tay nải chờ về địa phương tẩu tán.
Chiến công đầu đã cổ vũ tinh thần học hỏi, tình yêu nghề của Lê Thu, cũng là chất xúc tác để kết thành duyên đôi lứa giữa cô và Đại đội phó Cao Phòng. Bà bảo, tình yêu ngày ấy của ông bà trong sáng, giản dị lắm và mọi thứ đều gác lại trước nhiệm vụ, tình yêu Tổ quốc.
Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, bà Lê Thu lại nhận một nhiệm vụ khác, là cán bộ biệt phái sang Đài Tiếng nói Việt Nam. Rồi như một cơ duyên, bà trở thành phát thanh viên cho chương trình phát thanh địch vận, kiêm ca sĩ của đài. Trên cương vị mới, bà lại hăng say với những bản tin đặc biệt, kêu gọi binh lính ngụy trở về với quê hương bản quán, dùng lời ca, tiếng hát để thuyết phục họ nhận ra con đường chính nghĩa. Năm 1961, bên bờ sông Bến Hải, bằng tài năng của mình, bà đã thuyết phục được cả một tiểu đội địch cầm súng đầu hàng cách mạng...
“Bà tiên” từ thiện
Năm 2002, trong một lần về thăm quê, lòng bà trĩu nặng khi thấy những đứa trẻ co ro mình trần, chân đất trong giá lạnh, những ngôi nhà tranh vách đất thông thống gió. Từ đó, bà nhen nhóm ý tưởng làm từ thiện. Việc đầu tiên là bà vận động người thân cùng chung tay xây dựng nhà văn hóa cho thôn Bó Lếch quê mình. Khi nhà văn hóa hoàn thành, bà lại hướng đến những hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã. Bà tặng quà, tiền, vận động xóa nhà dột nát cho người nghèo, tặng bò sinh sản để người dân thoát nghèo... Mỗi lần về quê, người già, trẻ con lại xúm quanh bà, người nắm tay, kẻ hỏi han, không ngớt gọi bà là “bà tiên” từ thiện...
    |
 |
Bà Lê Thu (thứ ba, từ trái sang) trong ngày trao nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách tại Long Biên, Hà Nội, năm 2013. Ảnh do nhân vật cung cấp. Ảnh: KHÁNH AN |
Không dừng lại ở đó, bà bắt đầu có những chuyến từ thiện đến nhiều nơi khó khăn khác, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh cần được chia sẻ. Năm 2009, bà chính thức thành lập Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long trực thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội như một cách để nối dài vòng tay nhân ái. Dù tuổi đã cao, bà vẫn không ngần ngại đi tới những nơi khó khăn. Khi thì bà đến với vùng đồng bào thiên tai, lụt bão; lúc đi khảo sát để làm nhà tình nghĩa; rồi đi tặng bò giống; trao sổ tiết kiệm tặng hộ nghèo. Gần đây, sáng kiến xây dựng mô hình gian hàng từ thiện “Ai có điều kiện thì mang đến cho, còn ai khó khăn thì tới nhận” ở số 19/52 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội của bà đã trở thành một địa chỉ nhân đạo đáng tin cậy. Cho đến nay, sau hơn 10 năm thành lập, chi hội của bà đã ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng.
Tôi hỏi bà về những hoàn cảnh khó khăn khiến bà ấn tượng nhất, bà ngừng lại một hồi rồi kể về một trường hợp gia đình bị nhiễm chất độc da cam ngay giữa lòng Thủ đô. Người bố là cựu chiến binh đã ngoại lục tuần, hằng ngày vẫn phải chạy xe thuê để nuôi đứa con ngoài 30 tuổi phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người mẹ chân đã chậm, mắt đã mờ... Đến thăm họ, lòng bà xót xa, day dứt. Sau đó, bà vận động các cá nhân, tổ chức và chi hội của mình đóng góp để xây dựng một căn nhà tình nghĩa giúp họ vơi bớt khó khăn. Bà bảo, còn sống ngày nào bà còn làm từ thiện, như một cách trả ơn cuộc đời, nguyện một lòng theo Đảng, theo cách mạng đến khi nhắm mắt xuôi tay. Dù tuổi đã cao, trong người có không ít bệnh tật, nhưng mỗi chuyến đi về, bà lại thấy lòng bình an, khỏe mạnh hơn. Nói như ông Vũ Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ dân phố 22, phường Quảng An, nơi bà Lê Thu sinh sống: “Bà Lê Thu là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống để mỗi người soi vào, học tập và làm theo. Một trái tim tuổi 90 nhưng chưa bao giờ già, mà mỗi ngày như lại sung sức hơn, đập mạnh hơn với những việc làm thiện nguyện giúp đời, giúp người”.
PHẠM THU THỦY