Lên Tây Nguyên hùng vĩ hỏi bất kỳ người dân nào cũng đều biết Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15. Chính ông đã cùng đồng đội mang mùa xuân, mang màu xanh về trên cao nguyên đỏ từng xơ xác trống vắng bởi cái nghèo, cái đói, bởi chiến tranh... Họ còn biết tới ông bởi câu chuyện tình yêu đẹp như bản tình ca...
Đến rồi đi, gặp gỡ rồi chia ly là lẽ thường của người lính. Vùng đất nào họ từng chiến đấu đều đầy ắp những kỷ niệm thiêng liêng. Miền quê nào bước chân họ đi qua đều là máu thịt. Ngày mới thành lập, Binh đoàn 15 đứng chân trên vùng đất đỏ ba-zan đầy nắng gió. Buổi đầu gây dựng còn nhiều gian truân, thử thách, đến cái ăn, cái mặc cũng còn thiếu thốn, vậy mà ông vẫn thuyết phục được vợ con vào Tây Nguyên lập nghiệp. Điều đó cũng đủ nói lên tình yêu của họ lớn lao, thiêng liêng biết nhường nào. Mà chuyện ông đến với bà cũng thật dung dị như tác phong người lính. Hồi đó, mải miết đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông vẫn chưa lấy được vợ. Một lần về phép, người bạn thân thấy ông vẫn là “lính phòng không”, bảo:
- Có cô em họ làm giáo viên trông “được” lắm, để tao làm mối cho.
Hôm sau, ông và người bạn lặng lẽ đạp xe tới trường, nơi cô giáo Hoàng Thị Hồng đang dạy học để “xem mặt”. Cô giáo mải mê dạy chả để ý, đến khi thấy các em học sinh nhìn hết ra ngoài thì mới hay có hai thanh niên đang “giả vờ” đạp xe qua nhưng mắt thì cứ ngó nghiêng vào săm soi “mục tiêu”. Nhìn qua cô giáo biết ngay là có anh bộ đội “tia” mình, nhưng vẫn giả bộ làm cao.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội.
|
Một thời gian sau, cô giáo liên tục nhận được những “bức thư lạ” gửi về với lời lẽ khi thì hỏi han tình hình, khi lại “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Đặc biệt, thư không hề đề tên người gửi. Ban đầu cô cũng chả biết là ai nên “không thèm” hồi âm. Chỉ đến lá thư thứ 6, thấy lạ quá, cô mang hỏi bà chị. Bằng kinh nghiệm và suy đoán của mình, bà chị xác định đối tượng là “anh bộ đội Sang” thì tới lá thứ 7, cô mới chịu… hồi âm. Sau này gặp lại, bà hỏi ông sao viết thư mà không chịu đề tên. Ông trả lời hóm hỉnh: “Không đề tên người gửi mà tìm ra là ai gửi mới giỏi”. Quả là một “chiến thuật” thông minh của người lính, không đề tên mà cô giáo vẫn gửi thư lại thì coi như cô đã quan tâm, và dĩ nhiên là đã có… cảm tình. Thế rồi, những cánh thư từ phương xa gửi về là cầu nối cho tình yêu đơm hoa, kết trái. Ngày làm lễ vu quy, cô giáo Hồng duyên dáng trong tà áo dài màu trắng thướt tha, anh bộ đội Sang chững chạc trong bộ quân phục màu cỏ úa. Hai người dắt nhau đến chúc mừng quan viên hai họ trong niềm hạnh phúc bất tận…
Khi thành vợ thành chồng rồi, ông và bà lại trải qua những năm tháng đầy khó khăn, thiếu thốn. Là người lính hết mực thương vợ con, ông không thể chịu cái cảnh “nhà dột, con dốt, vợ xa” như có người từng tổng kết. Ông dốc sức làm một căn nhà khang trang cho vợ con. Dốc cùng kiệt đến mức bán hết cả quần áo. Hôm thanh toán công nợ, vẫn chưa đủ tiền trả cho thợ. Ông thợ xây khi ấy thấy ông có cái quần đẹp quá bèn ngỏ ý “thôi anh đưa cái quần anh đang mặc cho tôi là hết nợ”. Cho đến bây giờ, bà Hồng vẫn không thể nào quên hình ảnh chồng cởi cái quần đang mặc đưa cho ông thợ để trả tiền xây nhà...
Nhưng rồi ngôi nhà tồn tại chưa được bao lâu thì lại bị bão cuốn bay, chỉ còn nền nhà xơ xác. Năm ấy về phép, nhìn đàn con nheo nhóc bên túp lều dựng tạm, ông không cầm được nước mắt. Ông quyết định đưa vợ con vào Tây Nguyên sinh sống, khi mà ông cũng vừa nhận công tác tại Binh đoàn 15 mới thành lập.
Hồi mới vào, cô giáo Hoàng Thị Hồng nhìn đâu cũng thấy núi rừng heo hút, nên bà đâm ra hoang mang, chiều nào cũng tựa cửa ngóng về phương Bắc. Ông phải động viên mãi bà mới chịu nghe. Từ đây, ông cùng đồng đội chung sức, chung lòng tuyên chiến với đói nghèo. Người lính vốn quen cầm súng đánh giặc, nay chuyển qua làm kinh tế bước đầu tránh sao khỏi bỡ ngỡ. Sau ngày giải phóng, quân và dân Tây Nguyên ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngày ấy, bom đạn địch vương vãi khắp nơi, chất độc hóa học thấm sâu vào lòng đất, chúng luôn đe dọa cuộc sống con người và tiềm ẩn hiểm họa hủy diệt môi trường sinh thái. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu cứ đeo bám lấy số phận của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Mải mê với công việc cơ quan, nhưng ông cũng cố gắng giúp đỡ vợ con. Lên tới chức Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn rồi mà ông vẫn tranh thủ thời gian đi bỏ mối hàng cho bà... Hàng chục năm trời, ông bà không bao giờ được đón Giao thừa ở nhà. Bà làm chân phân phối hàng, đến tối 30 Tết mới gom đủ tiền của các mối nhỏ lẻ, sau đó lại đem nộp ngay cho đại lý chính. Khi mọi người đã sum vầy đón Tết thì hai vợ chồng mới lóc cóc trên chiếc xe máy cà tàng tất tả trở về lo Tết cho mấy đứa nhỏ đang đỏ mắt chờ bố mẹ.
Cái nghèo, cái khổ là lực cản nhưng cũng chính là động lực, là trải nghiệm giúp con người ta hướng tới một con đường tươi sáng hơn. Trải nghiệm nghèo khó cũng chính là động lực thôi thúc con tim, khối óc Nguyễn Xuân Sang tìm cách và biết cách giúp đồng bào Tây Nguyên thoát nghèo.
Thời đánh Mỹ, ông được đồng bào chở che, nuôi sống bằng những củ mài, củ sắn thay cơm. Ân nghĩa ấy theo ông suốt cuộc đời. Vì vậy thời hòa bình, chứng kiến cảnh người dân lam lũ, quanh năm đầu tắt mặt tối trên nương rẫy mà vẫn đói nghèo, điều đó khiến ông suy nghĩ. Và những lần ông suy tư như vậy thì bà Hồng cũng gần gũi động viên: “Phải cố gắng thôi mình ạ! Có cách chi mà thay đổi cuộc sống cho bà con thì mình ráng làm, việc gia đình cứ để đấy tôi lo!”. Có lẽ những gì mà ông và tập thể binh đoàn làm được cho bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên như ngày hôm nay cũng nhờ một phần công sức đóng góp của người bạn đời. Chính bà đã tần tảo sớm hôm lo lắng chu toàn mọi công việc gia đình để ông rảnh rang, yên tâm công tác.
Có lẽ từ những câu chuyện ông kể về sự hy sinh, mất mát của nhân dân, từ những điều trải nghiệm cuộc sống một thời gian khổ của chính gia đình mà ông vẫn thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng và các gia đình chính sách. Bằng sự đóng góp tự nguyện của cán bộ công nhân viên, binh đoàn đã xây dựng hơn 200 ngôi nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách và hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; sửa chữa hàng trăm nhà dân; nhận phụng dưỡng đến cuối đời 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hằng năm, binh đoàn còn trích quỹ từ 15 đến 20 tỷ đồng mua quà tặng và hỗ trợ cho nhân dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai bão lũ…
Tây Nguyên không chỉ là nơi sản sinh ra bao huyền thoại của núi rừng với những con người vững chãi như cây lim, cây táu giữa đại ngàn, nơi ấy còn lắng đọng trong tâm hồn, ký ức của các già làng về ân tình của người lính Binh đoàn 15. Hồi đầu năm 2009, Binh đoàn 15 đã đăng cai tổ chức Hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên. Hôm ấy gần 250 già làng, trưởng bản không bao giờ quên hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang cùng vợ đến động viên, hỏi thăm tình hình sức khỏe và trao quà biếu các cụ. Món quà tuy nhỏ nhưng nghĩa lớn, vì đó là tình cảm chân thành của những người lính miền biên ải trân trọng dành tặng đồng bào.
Một dạo ông bạc tóc vì đề án giúp dân thoát nghèo với công thức “suối - dân - bộ đội” (nghĩa là, từ mép suối trở lên 100 đến 150m đất tốt, lại gần nước, thì dành cho dân sản xuất, còn ở bên trong, khu đất ít thuận lợi hơn, bộ đội sẽ nhận làm) đến nỗi kỷ niệm ngày cưới mà ông cũng chẳng nhớ ra. Hôm ấy, vừa dự lễ khánh thành nhà tình nghĩa trở về, thấy bà Hồng mặc rất đẹp, giữa bàn lại có một bình hoa lớn, ông buột miệng hỏi: “Bữa ni có việc chi mà mình chỉn chu thế, lại còn cả hoa tươi nữa?”. Thoáng buồn thoảng qua trong mắt bà, nhưng biết tính ông vì mải lo công việc tập thể nên vậy thôi, chứ thực ra ông đâu phải là người vô tâm. Một lúc sau nhớ ra, ông nhỏ nhẹ: “Công việc bề bộn quá nên… bà cho tui xin lỗi nhé!”. Nghe ông nói vậy, bà chỉ biết cười trừ…
Khát vọng từ những tháng năm đỏ lửa nay đã đơm hoa, kết trái bằng màu xanh trù phú trên những nẻo rừng Tây Nguyên. Vị tướng của màu xanh, của “Binh đoàn xanh” vẫn đang miệt mài cùng hành trình không nghỉ cho tương lai của đất nước. Trong hành trang của ông lấp lánh câu chuyện tình yêu nồng nàn, giản dị như chính cuộc đời người chiến sĩ. Tình yêu ấy là bản tình ca đẹp mãi với thời gian…
Bài và ảnh: Vĩnh Lộc