Từng chứng kiến biết bao đau thương, mất mát trên tuyến đường 15A, nhà báo, nhà thơ Văn Hiền, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nghệ An, xúc động nhớ lại: “Tháng 7-1968, lúc đó tôi là cán bộ tuyên giáo của Ty Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ tìm hiểu, tập hợp các sự kiện sản xuất, chiến đấu và những tấm gương anh hùng của lực lượng TNXP. Tôi đã đến Đại đội 332 và được cán bộ, chỉ huy đơn vị cho biết, ngày 6-6-1968, khi đơn vị làm nhiệm vụ cứu đoàn xe hàng 12 chiếc của một đơn vị thuộc Bộ tư lệnh 559 thì trúng đợt tập kích bất ngờ của máy bay Mỹ. Tiểu đội phó Nguyễn Thị Bốn chỉ huy 6 nữ TNXP đi cứu hàng thì bị trúng bom napalm và bom bi giội xuống. Tất cả đều hy sinh do bỏng toàn thân quá nặng. Các cô gái hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, chỉ mới đôi mươi, toàn đơn vị ai cũng xót thương vô cùng...”.

Bà Trần Thị Tuyết, trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, nguyên Tiểu đội phó thuộc Đại đội 332, kể lại: “Lúc đó vào khoảng 12 giờ trưa 6-6-1968, Đại đội 332 được cấp trên giao nhiệm vụ cứu đoàn xe hàng của Bộ tư lệnh 559. Trong lúc đồng chí Nguyễn Thị Bốn, Tiểu đội phó Tiểu đội 3 cùng 6 nữ TNXP đang thực hiện nhiệm vụ thì bất ngờ một tốp máy bay lao đến ném bom vào đội hình. Bom napalm và bom bi giội xuống liên tục cộng thêm xung quanh là rừng bạch đàn nên lửa cháy thành từng mảng lớn rất khủng khiếp. 7 nữ TNXP trúng bom đã anh dũng hy sinh, gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Bốn, Võ Thị Niên, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Yến, Hoàng Thị Liên, Trần Thị Đức, Trương Thị Minh. Nhìn thi thể các đồng đội mà không thể nhận ra từng người, chúng tôi ai cũng xé lòng, đau xót tột độ”.

leftcenterrightdel

 Bà Nguyễn Thị Hồng kể chuyện những cô gái thanh niên xung phong hy sinh ngày 6-6-1968.

Là một trong những nhân chứng của sự kiện đau thương ngày 6-6-1968, bà Nguyễn Thị Hồng, 68 tuổi, trú tại xóm Cao Sơn, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cho biết: “Sau trận bom, tôi cùng một số người dân trong xóm chạy đến nơi các cô hy sinh. Tôi vẫn nhớ hình ảnh xung quanh lán trại đều cháy hết cả. Các cô được đồng đội và người dân an táng gần đó. Hằng năm, người dân vẫn thường đến thắp hương tri ân tưởng niệm. Sau này, mộ của các cô được chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An”.

Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng ông Nguyễn Ngọc Lâm, trú tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, là thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Thị Bốn, vẫn chưa nguôi nỗi xót thương. Ông xúc động kể: “O Bốn là em bố tôi. Ngày 30-5-1968, o được về phép một ngày. Ăn cơm xong với gia đình, buổi chiều o lên đường. Lúc đó, linh cảm khiến tôi chạy theo giữ chân o thì o hứa rằng một tháng nữa o sẽ về. Đến ngày 6-6-1968, đơn vị báo tin dữ về gia đình và bàn giao di vật của o gồm chiếc ba lô, áo trấn thủ, mũ cứng và bộ áo quần đầy vết đạn...”.

Dẫn chúng tôi tham quan khu di tích, đồng chí Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích lịch sử Truông Bồn bày tỏ: “Chiến công của Đại đội 332, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 7 nữ TNXP vào ngày 6-6-1968 là một trong những minh chứng mãnh liệt cho thế hệ TNXP trên quê hương xứ Nghệ đã cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng bia chứng tích tại nơi 7 nữ TNXP hy sinh thuộc xóm Cao Sơn, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, để nơi đây mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau...”.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN THỰC