Tháng 8-1969, Mỹ huy động một lực lượng lớn mở cuộc hành quân mang tên Cù Kiệt. Tham vọng của chúng là chiếm lại địa bàn chiến lược Cánh Đồng Chum-Xiengkhuang, đánh sâu vào vùng giải phóng Lào, uy hiếp tỉnh Houaphanh-thủ đô kháng chiến của cách mạng Lào, đồng thời uy hiếp sườn phía tây hậu phương miền Bắc Việt Nam, khống chế tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn.
Bộ chỉ huy Mặt trận phối hợp Lào-Việt được thành lập. Phía bạn có các đồng chí: Sanh Ca Po, Xi Phon, Xa Mán; phía ta có các đồng chí: Vũ Lập, Huỳnh Đắc Hương. Sư đoàn 312 của chúng tôi cũng có thay đổi: Sư đoàn trưởng Nguyễn Năng được chỉ định làm Phó tư lệnh Mặt trận, Chính ủy Lê Chiêu làm Cục trưởng Cục Chính trị Mặt trận. Lúc đó, tôi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165, được lệnh đưa trung đoàn sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế, phối hợp với LLVT nước bạn chặn đánh địch.
Nhận lệnh rồi dẫn quân đi, tôi cứ băn khoăn và ngỡ ngàng nghĩ rằng từ nay, tất cả cơ quan sư đoàn đều như phái viên của mặt trận, liệu rồi trên dưới có hiểu nhau? Sang chiến trường mới, lạ địa hình, lạ đối tượng tác chiến, với dân thì lạ tiếng, lạ người... Phó tư lệnh Nguyễn Năng chừng như đoán được băn khoăn, suy nghĩ của tôi, ông tìm cách giải thích rồi động viên: Anh yên tâm, chúng tôi vẫn theo dõi chỉ đạo sát sao trung đoàn.
    |
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi chuyện Thiếu tướng Nguyễn Chuông. Ảnh tư liệu. |
Chúng tôi phải hành quân vượt biên giới sang đất bạn hoàn toàn ban đêm, ven theo chân đồi có đồn giặc canh giữ phía trên, rất vất vả và nguy hiểm. Địch bắn pháo sáng liên tục, còn nã súng cối và quét cả súng máy vào những nơi nghi có quân ta. Vào tới vị trí tập kết, anh em chúng tôi người nào cũng xây xát chân tay, mặt mũi bị gai cào xước, quần áo rách bươm. May sao, giữa khu rừng âm u được bù lại bởi tiếng chim hót ríu ran, con đậu con bay, rồi tiếng vượn ru con, tiếng khỉ khẹc khẹc nô đùa, tiếng hươu, nai gọi nhau... khiến chúng tôi như được về sống với thiên nhiên yên lành, vơi đi nỗi mệt nhọc. Chúng tôi đã chiếm lĩnh được địa bàn theo đúng kế hoạch, tạm chia thành 3 khu vực tác chiến. Khu 1 là thị xã Xiengkhuang có đồn thấp, đồn cao và đồn sân bay. Khu 2 ở đông nam thị xã có 3 điểm cao được đặt tên là: Đồi Con Lợn, đồi Mâm Xôi và Đồi Cháy. Khu 3 ở phía đông bắc thị xã có hai điểm trên đồi Cây Xanh. Rất tiếc là chưa bắt được tù binh nên chưa rõ phiên hiệu địch đóng tại khu vực thuộc đơn vị nào.
Thời gian này, qua chiếc radio bé xíu, tôi và các cán bộ trung đoàn rất hồi hộp và lo lắng khi nghe được bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Bác Hồ. Người đang mệt nặng. Trong hội nghị quân chính, mở đầu, Chính ủy Trường Quân cũng thông báo sơ bộ cho anh em biết về tình hình sức khỏe của Bác và yêu cầu trong tình huống xấu nhất, mọi cán bộ, chiến sĩ vẫn phải bình tĩnh, tỉnh táo, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Thay mặt đảng ủy, chỉ huy trung đoàn, tôi phổ biến kế hoạch tác chiến, quyết định giao Đại đội 1 (Tiểu đoàn 4) đánh Khu 2 với ba điểm cao là các đồi: Con Lợn, Mâm Xôi và Đồi Cháy. Đại đội 19 Đặc công đánh Khu 3, đánh cả đồn cao, đồn thấp. Như vậy, trận mở đầu là trận đánh liên kết cả 5 điểm cao trong cùng một đêm và cùng giờ G nổ súng.
Thế rồi sáng sớm 4-9-1969, chúng tôi bàng hoàng khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Bác đã qua đời tại Hà Nội. Cũng giờ G đêm hôm ấy, đơn vị tôi sẽ đồng loạt nổ súng. Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm biến đau thương thành sức mạnh, diệt địch nhanh gọn ở cả 5 điểm cao. Tôi bàn với Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng là ngay sau buổi sáng giao nhiệm vụ, buổi chiều trước khi đến giờ G vẫn cần phải gặp lại cả 10 mũi trưởng lần cuối, hỏi xem vào trận anh em còn có băn khoăn gì nữa không? Cậu Mạc, Đại đội phó Đại đội 19, Mũi trưởng mũi tập kích cao điểm đồi Cây Xanh nói: “Tôi đã đưa các tổ trưởng vào tận các hàng rào, tận chiến hào, không chỉ một lần mà mấy đêm hôm trước liền như thế. Anh em đã biết chắc là hỏa lực địch chỉ có 2 khẩu ĐKZ 90, 2 khẩu đại liên. Công sự mang tính dã chiến, đêm chúng tập trung ngủ trong 5 cái hầm sâu lưng lửng chưa có nắp đất, chỉ mới gác cây, che bạt. Có 3 bãi mìn nhưng địch rất chủ quan, ngày gác 4 vọng, đêm rút về chỉ còn để 1 vọng. Tôi rất tin tưởng là sẽ chiếm đồi Cây Xanh nhanh gọn”. Tôi vừa nghe vừa ngắm dáng người khỏe, chắc nịch của Mạc, giọng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát, mà thấy rất tin ở khả năng chỉ huy của cậu ấy. Tiếp theo, tôi quay sang hỏi Bường, Mũi trưởng chỉ huy đánh đồi Con Lợn. Bường hơi thấp nhưng vạm vỡ, lông mày xếch thoạt nom khá dữ dằn mà lại rất hóm. Bường nói: “Thưa thủ trưởng, chẳng còn ai thắc mắc gì nữa đâu. Anh em chỉ muốn hỏi tại sao trên giao cho đánh cái cao điểm có cái tên hơi kỳ là đồi Con Lợn?”. Tôi trả lời ngay: “Đơn giản vì quả đồi đó giống hình một con lợn thì gọi cho dễ nhớ...”. Chỉ huy đánh lên đồi Mâm Xôi là chàng trai tên Dũng, đôi mắt sáng, khuôn mặt tròn, lông mày thanh tú. Khi nghe tôi hỏi, Dũng trả lời: “Hôm rồi đi trinh sát lần cuối, đã nắm chắc tình hình địch. Các thủ trưởng yên tâm, đơn vị em sẽ chiếm cái “mâm xôi” ấy nhanh hơn cả đồi Cây Xanh, Con Lợn cho mà xem”. Tôi vẫy tay ra hiệu cho Dũng ngồi xuống, rồi nhắc nhở thêm: “Thay mặt chỉ huy trung đoàn, tôi chấp nhận quyết tâm của đồng chí. Có điều này, theo trinh sát báo cáo thì hôm qua, trực thăng địch đã chở đến đây ngoài vũ khí còn có 20 bao gạo. Trung đoàn yêu cầu đồng chí không chỉ diệt gọn, bắt tù binh, thu vũ khí mà còn phải thu lại được số lương thực ấy càng nhiều càng tốt”. Khi hỏi đến Trung đội trưởng Sơn, Mũi trưởng đánh Đồi Cháy, cái dáng to bè vụt đứng dậy nói ngay: “Chúng tôi sẽ thiêu cháy chúng trên Đồi Cháy. Thủ trưởng hãy tin là như vậy. Xin hết!”.
Tôi điện lên tư lệnh mặt trận: Hôm nay trung đoàn sẽ biến đau thương thành hành động, nổ súng đánh đồng loạt 5 điểm cao trong một đêm để nhớ ơn Bác. Sẽ đánh theo kiểu đặc công, nhất định phải thắng!
Thế rồi đêm hôm đó, kể từ sau 21 giờ 30 phút là giờ nổ súng, ở sở chỉ huy trung đoàn được nghe các mũi trưởng dồn dập báo cáo về đến nỗi sĩ quan tác chiến ghi không kịp. Hết “làm chủ đồi Con Lợn, thu 10 súng, bắt sống 2 tên...” lại đến “đang truy lùng Đồi Cháy, thu 3 súng, 1 máy bộ đàm...”, “đã chiếm đồi Mâm Xôi, thu 1 đài, 1 cạc bin, 2 bì gạo, 1 súng trường Mỹ...”, “đã làm chủ đồi Cây Xanh, thu 4 súng trường, 2 cạc bin...”. Đến 22 giờ, tất cả các mũi đều làm chủ mục tiêu đánh chiếm của mình mà quân ta chỉ bị thương một chiến sĩ tên là Nguyễn Như Kim khi đánh chiếm đồi Cây Xanh. Tôi ra lệnh cho các mũi giữ đúng chính sách tù hàng binh, hỏi cung xong thì thả ngay tại trận, không đưa về chỗ đóng quân. Qua lời khai của tù binh thì phiên hiệu của đơn vị bị đánh là BV24, AC1. Có một sự cố hy hữu, chẳng hiểu điện đài thông tin dịch mật mã thế nào mà báo cáo “thu được 2 súng trường Mỹ” lại dịch thành “bắt được 2 thằng Mỹ”. Sau này tôi mới biết là mặt trận đã báo cáo về bộ tin đó, còn xin cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân vào để hỏi cung tù binh Mỹ và viết bài. Sau đó, các phóng viên Tô Ân, Tư Đương, Lê Thu đã được tòa soạn báo phái vào mặt trận. Tất nhiên, các anh không thể có bài phỏng vấn tên tù binh Mỹ “dịch nhầm”, song sau này cũng đã có bài phản ánh kịp thời về Trung đoàn 165 biến đau thương thành sức mạnh trong ngày để tang Bác, một đêm diệt gọn cả 5 cứ điểm địch.
Ngày hôm sau, 5-9-1969, địch tổ chức phản kích định lấy lại các cao điểm đã mất, nhưng ta đã bố trí trận địa mai phục đánh trả quyết liệt, chúng phải rút chạy cố thủ ở hai dãy đồi Choong Voong gần thị xã Xiengkhuang. Ta lại truy kích trong thế thắng, nã đạn cối dồn dập lên đỉnh đồi, khiến chúng không kịp thở, tháo chạy tán loạn vào rừng, bỏ lại cả súng, điện đài, trong đó có cả gạo và tép khô. Thu dọn chiến trường xong, toàn trung đoàn rút về thị xã khi trăng đã lên cao, soi cho bước chân chiến sĩ thắng trận trở về.
PHẠM QUANG ĐẨU