Trong hoàn cảnh chiến tranh, thiếu dược liệu, thuốc men và nước cất pha tiêm luôn là nỗi lo của lực lượng quân y. Để khắc phục, họ phải thay phiên nhau vào rừng tìm kiếm dược liệu, lấy nước về chưng cất phục vụ cứu chữa thương binh. Trong một lần đi lấy nước, cán bộ quân y Nguyễn Khải Hoàn đã lập công lớn, bắt sống tên đại tá phi công Mỹ. Ông Hoàn kể:
- Sau trận tiến công giải phóng thị xã Bình Long thuộc Chiến dịch Nguyễn Huệ đầu năm 1973, thương binh chuyển về lán quân y ngày một nhiều nên cường độ làm việc của lực lượng quân y rất lớn, nhu cầu sử dụng thuốc men cũng cao hơn. Hôm ấy, để phục vụ cho việc cấp cứu thương binh, tôi đi lấy nước về chưng cất pha tiêm. Địch cho máy bay ném bom oanh tạc sát bìa rừng. Các trận địa pháo phòng không của ta đáp trả mạnh mẽ bảo vệ sở chỉ huy và khu lán trại quân y. Sau một loạt đạn pháo 37mm, một chiếc máy bay phản lực của địch bị trúng đạn lao thẳng xuống cánh rừng bên cạnh. Với kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường, tôi biết khi máy bay bị bắn hạ, thế nào phi công địch cũng nhảy dù. Tôi căng mắt quan sát trong màn khói đen đặc, phát hiện một chiếc dù trắng rơi xuống. Lập tức, tôi xách khẩu AK lao tới. Tên phi công phát hiện ra tôi liền hoảng hốt bê nguyên cả phần dù còn quấn trên người bỏ chạy. Tôi bắn loạt đạn chỉ thiên. Tên giặc lái nép vào gốc cây, co rúm người lại. Nhìn thái độ sợ hãi và ánh mắt như van lơn, cầu khẩn, tôi thoáng ngập ngừng. Tôi nhớ đến lời đồng chí chính ủy trung đoàn trong lễ phát động thi đua trước trận đánh: “Nếu có cơ hội phải cương quyết bắt sống, nhất là với đối tượng sĩ quan, phi công Mỹ; đồng thời thực hiện nghiêm chính sách nhân đạo đối với tù binh, hàng binh”. Tôi tiến lại gần tên phi công, quát một câu bằng tiếng Anh: “Hands up or I’ll shoot!” (Giơ tay lên không tao bắn!). Hắn từ từ đưa 2 tay lên đầu và nói líu ríu: “Do not shoot me! Do not shoot me!” (Đừng bắn tôi! Đừng bắn tôi!). Tôi ra hiệu cho hắn quay lưng lại và giải đi. Vừa lúc đó, mấy đồng đội của tôi chạy tới. Có người căm giận định bắn chết tên phi công cho hả dạ, nhưng tôi cản lại, giải thích cho đồng đội hiểu chính sách nhân đạo của Đảng và Quân đội ta. Chúng tôi giải tên phi công về đơn vị, báo cáo với chỉ huy để bàn giao cho cơ quan chức năng cấp trên.
    |
 |
Chiến sĩ quân y Nguyễn Khải Hoàn (ngoài cùng, bên phải) tham gia phẫu thuật cho thương binh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ. Ảnh chụp lại. |
Với chiến công ấy, Nguyễn Khải Hoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và được Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 tuyên dương, nhân rộng điển hình thi đua thực hiện tốt chính sách tù, hàng binh trong chiến tranh. Cũng trong buổi lễ tuyên dương, ông mới biết viên phi công Mỹ bị ông bắt sống có cấp bậc đại tá, lái máy bay chiến đấu từ sân bay Biên Hòa lên Lộc Ninh, Bình Long ném bom các mục tiêu của ta. Tuy nhiên, máy bay của hắn đã bị hỏa lực của bộ đội phòng không bắn hạ. Viên phi công đã được trao trả cho phía Mỹ ngay trong năm 1973.
Kết thúc chiến tranh, ông Hoàn ở lại Lộc Ninh định cư, rồi đưa vợ con từ Hải Dương vào xây dựng vùng kinh tế mới. Vất vả mưu sinh, lại bị bệnh tật do vết thương tái phát và nhiễm chất độc da cam nên cuộc sống của ông khá khó khăn. Mới đây, khi đoàn cựu binh Mỹ sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa, mang theo những tư liệu, hình ảnh liên quan đến Chiến dịch Nguyễn Huệ, trong đó có một số tư liệu về viên phi công Mỹ bị CCB Nguyễn Khải Hoàn bắt sống. Trong cuộc hội ngộ, nghe CCB Nguyễn Khải Hoàn kể lại chi tiết câu chuyện năm xưa, những cựu binh Mỹ đã vui mừng bày tỏ lòng biết ơn đối với bộ đội Việt Nam, khâm phục truyền thống, chính sách nhân đạo và sự ứng xử nhân văn của CCB Nguyễn Khải Hoàn cùng đồng đội. Trả lời câu hỏi của các cựu binh Mỹ, ông Hoàn nói chân thành:
- Tôi nghĩ rằng, viên phi công ấy cũng có quê hương, gia đình, người thân. Chỉ một phát súng thôi, những gì thuộc về ông ta sẽ vĩnh viễn chấm hết, còn lại là nỗi đau thương, mất mát của gia đình, vợ con. Tôi đã chứng kiến bao nỗi đau do chính các ông gây ra cho đồng bào tôi, nhưng thù hận chẳng ích gì. Tôi chỉ mong đừng bao giờ có chiến tranh để đất nước tôi luôn tươi đẹp, Tổ quốc tôi luôn hòa bình, nhân dân tôi luôn sống trong ấm no, hạnh phúc.
YẾN LONG