Giếng “ông Sáu”

Chúng tôi cùng anh Nguyễn Đức Xô, con trai Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Sáu về quê xóm Chùa, thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Sách (nay thuộc tỉnh Hải Dương) để viếng mộ người anh hùng và thăm lại giếng làng mà bà con ở đây vẫn gọi là giếng “ông Sáu”.

Anh Xô kể: “Bố tôi sinh năm 1921 tại xóm Chùa này. Tôi được nghe các chú, đồng chí, đồng đội cùng công tác với bố kể, thời thanh niên, bố tôi tuy không cao lớn nhưng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, rắn chắc. Gia đình ông bà nội tôi khá giả nên bố tôi cùng anh em trong nhà đều được nuôi ăn học. Bố tôi học hết sơ học yếu lược, có vốn văn hóa nên được dân làng vị nể, nhất là bạn cùng trang lứa quý mến. Từ sau năm 1941, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Liên đoàn Võ do Huyện bộ Việt Minh Nam Sách thành lập, hướng dẫn. Sáng dạ và nỗ lực, tích cực học tập, rèn luyện, ông tiếp thu võ thuật rất nhanh. Về quê, bố tôi tổ chức dạy võ cho trai trẻ trong làng và có cả thanh niên các xã Hồng Phong, Thái Tân, Thượng Đạt... đến theo học. Vừa dạy võ, ông cùng với Việt Minh tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho thanh niên. Số đông học viên sau này đều trở thành những đội viên tự vệ tham gia giành chính quyền ở địa phương trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi trở thành chiến sĩ Quân đội tham gia kháng chiến chống Pháp hoặc làm cơ sở cách mạng, nhân mối trong lòng địch...

leftcenterrightdel

 Anh Nguyễn Đức Xô giới thiệu về tấm ảnh gia đình trong ngày lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân

truy tặng liệt sĩ Nguyễn Đức Sáu.  Ảnh do gia đình cung cấp

Dưới sự dẫn dắt của Việt Minh, “Hội võ” ở Minh Tân do bố tôi phụ trách đã làm nhiều việc nghĩa, được nhân dân trong vùng ca ngợi. Đó là vào tháng 3-1945, bố tôi chỉ huy anh em chặn chiếm hai chiếc thuyền lương thực với hàng chục tấn gạo của quân Nhật đang lưu thông trên sông Thái Bình về chia cho bà con. Hoặc khi nhân dân trong làng bị dịch bệnh, nhất là bệnh tả, lỵ, thương hàn, đau mắt hột... bố tôi giải thích, tuyên truyền cho người dân ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh. Bố vận động bà nội tôi hiến cho làng hơn một sào ruộng để đào giếng lấy nước sạch cho người dân. Từ đó, giếng nước của làng được người dân gọi là giếng “ông Sáu” cho đến bây giờ”...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công ở huyện Nam Sách, Nguyễn Đức Sáu tham gia Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Minh Tân và tích cực hoạt động củng cố chính quyền, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các Phong trào “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc đói”... Năm 1946, sau khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Sáu được bầu làm Chi ủy viên chi bộ ghép 3 xã Minh Tân, Thượng Đạt, Hồng Phong, trực tiếp phụ trách phong trào của xã Minh Tân, tích cực lãnh đạo công tác chuẩn bị cho kháng chiến chống Pháp. 

Xóa “trắng” tổ chức đảng ở Nam Sách

Năm 1947, quân Pháp chiếm đóng Hải Dương và khống chế tuyến đường 5 Hà Nội-Hải Phòng. Nam Sách là vùng bị Pháp chiếm đóng, lập tề, tạo “vành đai trắng”, phá hủy các cơ sở đảng của ta. Đồng chí Nguyễn Đức Sáu được cấp trên điều động lên công tác tại Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Nam Sách phụ trách khu III gồm 4 xã: Minh Tân, Thái Tân, Thượng Đạt, Hồng Phong. Năm 1949, Huyện ủy Nam Sách chủ trương cho một số cán bộ, đảng viên trá hàng để làm nhân mối trong lòng địch. Song việc này bị lộ và có một số đảng viên không chịu được đòn tra tấn của giặc đã đầu hàng địch, khiến phong trào cách mạng ở Nam Sách rơi vào khủng hoảng. Cơ quan Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Nam Sách cũng không còn chỗ đứng chân an toàn, phải sơ tán sang đất Chí Linh, Đông Triều (Quảng Yên), thậm chí lên Hữu Lũng (Lạng Sơn). Trước tình hình đó, năm 1951, Tỉnh ủy Quảng Yên họp rút kinh nghiệm, tổ chức gây dựng lại phong trào cách mạng và kháng chiến ở Nam Sách, chỉ định đồng chí Nguyễn Đức Sáu làm Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Nam Sách và giao nhiệm vụ xây dựng, củng cố tổ chức đảng, không để địa phương nào “trắng” cơ sở đảng...

Nhận nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng cam go, gian khổ ở Nam Sách, đồng chí Nguyễn Đức Sáu đã thể hiện bản lĩnh, ý chí và tài năng trong tổ chức phong trào cách mạng, năng lực chỉ huy quân sự của người Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội. Khi địch khủng bố, vây ráp, lùng sục, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Sáu vẫn kiên cường bám trụ, bám đất, bám dân, bám cơ sở, không xa rời quần chúng nên được cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng tin tưởng, yên tâm làm nhiệm vụ. Từ đó, phong trào cách mạng ở Nam Sách được gây dựng lại, phát triển ngày càng mạnh, nhân dân tích cực ủng hộ kháng chiến. Đồng chí Nguyễn Đức Sáu còn vận dụng sáng tạo kết hợp chính trị với quân sự, tổ chức lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích, thành lập mới và củng cố các đơn vị bộ đội huyện, phối hợp với bộ đội chủ lực tác chiến đánh địch. Nhiều trận đánh đồn, bốt, chống các cuộc càn quét của địch trên địa bàn Nam Sách giành thắng lợi lớn, gây được tiếng vang... Từ đó, hàng loạt làng tề bị phá vỡ, “thế trận lòng dân” và thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng vững chắc. Đặc biệt là từ chỗ mất đất, “trắng” cơ sở đảng, bị động hoàn toàn, Huyện ủy Nam Sách đã lãnh đạo, giành lại cơ sở, củng cố và phát triển lực lượng, tạo thế chủ động chống càn, tìm địch để đánh, giành thắng lợi liên tiếp, giòn giã. Tỉnh ủy Quảng Yên đánh giá Nam Sách trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu dẫn đầu, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Sáu được lựa chọn, cử đi báo cáo điển hình tiên tiến của Liên khu Việt Bắc. 

Chí khí hy sinh vì cách mạng và đồng đội

Từ giữa năm 1953, phong trào chiến tranh du kích và toàn dân đánh giặc ở Nam Sách phát triển mạnh mẽ. Để đối phó với ta, quân Pháp điên cuồng đánh phá, tổ chức các cuộc càn quét ở gần các địa bàn đô thị. Đầu tháng 10-1953, theo nguồn tin do nhân mối của ta cho biết, địch sẽ tổ chức một cuộc hành quân càn quét vào một số xã ở Nam Sách, giáp thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương) nhằm đánh vào cơ quan Huyện ủy của ta. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Sáu tổ chức họp Thường vụ Huyện ủy và hội nghị quân sự, bàn các biện pháp chống cuộc càn quét của địch. Kế hoạch tác chiến được thống nhất, trong đó ta tổ chức lực lượng đánh phủ đầu, chặn địch ngay khi hành quân vào địa phận Nam Sách. Lực lượng đánh phủ đầu là một trung đội của Đại đội 921 thuộc Huyện đội do Chính trị viên Nguyễn Đức Sáu trực tiếp chỉ huy.

leftcenterrightdel

Anh Nguyễn Đức Xô và cán bộ của Ban CHQS huyện Nam Sách trao đổi tư liệu về anh hùng Nguyễn Đức Sáu.  Ảnh: DƯƠNG NAM HÒA 

Rạng sáng 2-10-1953, ta đã bố trí xong lực lượng đón đánh địch ở khu vực đê Đồng Ngọ, thôn Trắc Châu, xã An Châu (nay thuộc xã An Thượng, TP Hải Dương). Sáng sớm, địch hành quân từ hướng Ba Hàng, xã Nam Đồng (nay là phường Nam Đồng, TP Hải Dương) đi vào khu vực phục kích của ta. Chính trị viên Nguyễn Đức Sáu lệnh cho đơn vị nổ súng. Bị bất ngờ, địch chạy tán loạn, ta tiêu diệt khoảng 70 tên địch, thu được nhiều vũ khí. Khi ta rút quân, trời đã sáng rõ, thấy ta quân số ít, địch tập hợp lại đánh trả và gọi hỏa lực pháo, xe thiết giáp yểm trợ. Đồng chí Sáu bị trúng đạn của địch vào vùng bụng, ruột lòi hẳn ra ngoài. Đồng đội ở gần đó chạy đến giúp đỡ, băng bó và cõng đồng chí Sáu về phía thôn Trắc Châu. Song địch đã đuổi đến rất gần, Chính trị viên Sáu yêu cầu để mình ở lại, giao tài liệu, bản đồ, khẩu súng ngắn đã hết đạn và chiếc đồng hồ Ville cho đồng đội mang về, chỉ giữ 3 quả lựu đạn còn lại. Khi địch đến, đồng chí dùng lựu đạn chiến đấu kìm chân địch cho đồng đội rút lui. Địch bắt được đồng chí Sáu. Tên Bốn, nhân mối của ta đầu hàng địch nhận ra đồng chí là Bí thư Huyện ủy. Địch đưa đồng chí Sáu về điều trị tại nhà thương Hải Dương với âm mưu “giăng lưới” bắt thêm người của ta đến ứng cứu. Gần một tuần sau, chúng bằng mọi cách dụ dỗ, tra tấn, nhưng đồng chí Sáu không khai bất cứ thông tin gì. Biết không thể thoát khỏi quân địch, Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Huyện đội Nguyễn Đức Sáu đã tự tay cắt ruột của mình và hy sinh anh dũng vào ngày 10-10-1953.

“Hơn 30 năm sau ngày bố tôi hy sinh, tôi đã tìm gặp các đồng đội, bạn chiến đấu và cùng thời công tác với bố, tìm thấy hài cốt của ông ở Nghĩa trang xã Bình Hàn (nay là phường Bình Hàn, TP Hải Dương) đưa về quê an táng. Sau đó, Huyện ủy, Ban CHQS huyện Nam Sách và các cựu chiến binh Đại đội 921 Nam Sách cùng gia đình sưu tầm tài liệu, hoàn thiện báo cáo thành tích, ngày 28-4-2000, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho bố tôi. Hiện nay, 3 trường học ở xã Minh Tân và một tuyến phố ở thị trấn Nam Sách được mang tên bố tôi-anh hùng Nguyễn Đức Sáu”, anh Nguyễn Đức Xô tự hào cho biết.

XUÂN GIANG