Nói đến bộ đội Tăng-Thiết giáp (TTG) là nói đến trang bị vũ khí hiện đại. Nhưng ngày ấy, do chưa đưa được xe tăng vào chiến trường, bộ đội TTG miền Đông Nam Bộ buộc phải chiến đấu bằng vũ khí bộ binh, “lấy xe địch đánh địch”, lập nhiều chiến công bên ngoài tháp pháo. Một trong những người làm nên chiến công xuất sắc đó là đồng chí Nguyễn Xuân Tình.
 |
Đại tá Nguyễn Xuân Tình (bên phải) cùng Thiếu tướng Mai Văn Phúc, nguyên Tư lệnh xe tăng Quân giải phóng Miền, người trực tiếp chỉ huy trận đánh vào căn cứ Cà Tum (5-1969).
|
Đầu năm 1965, J16 cơ giới Miền (tên bí mật của bộ đội xe tăng Đông Nam Bộ) mới chỉ có 4 đại đội. Với tinh thần chủ động tiến công quân địch, đơn vị khẩn trương huấn luyện cho bộ đội kỹ thuật, chiến thuật đặc công. Chỉ có súng AK, lựu đạn, thủ pháo, cả đại đội may ra mới được một khẩu B40, ấy thế mà J16 đã làm quân địch nhiều phen khiếp đảm.
Nguyễn Xuân Tình không nhớ hết mình đánh bao nhiêu trận. Ngày 7-1-1967, tiểu đội đặc công cơ giới do ông chỉ huy đã tập kích ban ngày vào cụm cơ giới Mỹ tại ngã ba Bà Chiêm. Bị đánh vỗ mặt bất ngờ, cả trung đội lính Mỹ không kịp trở tay phải bỏ mạng, cùng 6 xe M113 bị phá hủy. Trận này, Nguyễn Xuân Tình được nhận hai danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”.
Tháng 7-1967, Nguyễn Xuân Tình được giao nhiệm vụ làm mũi phó chỉ huy tiến công căn cứ sư đoàn “Anh cả đỏ” của Mỹ ở Téc Ních (Bình Long). Sau khi phá gần hết các lớp rào, chỉ còn hàng rào cuối cùng thì phát hiện bộc phá không nổ. Thế là ông ôm luôn quả bộc phá ấy nằm đè lên hàng rào, làm cầu, hô đồng đội nhảy qua, thực hành theo phương án thọc sâu vào căn cứ.
Trận đánh sắp kết thúc, địch bất ngờ đưa nhiều xe tăng, xe bọc thép đến tiếp viện. Chúng lồng lộn phản kích, hòng bao vây, tiêu diệt tổ chiến đấu của ông. Tình thế đặc biệt hiểm nghèo, ông động viên anh em hãy bình tĩnh, có vũ khí gì đánh vũ khí ấy. Với 5 quả đạn B40, ông diệt 4 xe tăng, mở đường cho đồng đội rút ra ngoài. Khi đến cửa mở, tổ chiến đấu gặp 3 xe thiết giáp của địch bắn xối xả, bịt kín lối ra. Nguyễn Xuân Tình tìm được 2 quả đạn B40, ông diệt luôn 2 xe, phá vỡ vòng vây của địch, rút về căn cứ an toàn.
Lần khác là trận đánh thắng lớn ở căn cứ Cà Tum. Đây là căn cứ biệt kích của Mỹ-ngụy được bố phòng rất kiên cố. Dạo đó là tháng 5-1969, vì vết thương ở bàn tay phải chưa lành, lại chuẩn bị đi dự hội nghị Anh hùng dũng sĩ miền Nam lần thứ hai, Nguyễn Xuân Tình không được ra trận này. Biết tin, anh em trong đơn vị rất lo lắng, không yên tâm, một số cán bộ, chiến sĩ đã lên đề nghị thủ trưởng đơn vị để ông trực tiếp chỉ huy. Lúc này Nguyễn Xuân Tình là Tiểu đoàn phó, kiêm Đại đội trưởng Đại đội 23.
Đồng chí Năm Phúc, Đoàn trưởng kiêm Chính ủy J16 hỏi:
- Ý Tình thế nào?
- Dạ, trận này ác liệt lắm, thủ trưởng để em chỉ huy, xong rồi về dự hội nghị cũng chưa muộn.
Đoàn trưởng Năm Phúc vỗ vai người cán bộ vốn nổi tiếng dũng cảm:
- Đồng ý, tôi giao cho đồng chí chỉ huy trực tiếp mũi tiến công chủ yếu.
Nguyễn Xuân Tình đi đầu dẫn tổ cắt hàng rào kẽm gai, dò gỡ mìn. Cắt đến hàng rào thứ 18, hàng rào cuối cùng, ông ra hiệu bộ đội dừng lại. Ông quyết định dùng 3 quả bộc phá buộc vào nhau, phân công một chiến sĩ khi có lệnh là điểm hỏa. Hai chiến sĩ B40 được ông giao nhiệm vụ sẵn sàng bắn hai bên cửa mở. Đội hình bộ binh theo hiệp đồng cũng đã dồn lên theo hàng dọc sẵn sàng xung phong. Cùng lúc ấy, hướng bạn do Đỗ Ninh chỉ huy còn 5 lớp hàng rào nữa thì bị lộ. Địch bắn pháo sáng, đạn các loại sáng rực cả một góc căn cứ. Nhận thấy tình thế nguy hiểm đòi hỏi phải hành động khẩn trương, ông chỉ huy ngay một tổ đánh thẳng vào sở chỉ huy địch. Vì mũi bạn không lên được, nên ông cho một tổ đánh luôn sang hướng đó để chi viện cho đồng đội.
Nguyễn Xuân Tình được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân ngày 10-2-1970. Ông còn được thưởng 17 huân chương Chiến công, trong đó có 5 huân chương Chiến công hạng nhất.
Đại tá, Anh hùng Nguyễn Xuân Tình sinh năm 1943 tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Mấy năm nay, ông dành nhiều thời gian đi tìm mộ đồng đội. Ngôi nhà của ông ở ấp Bưng Riềng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương là “tiền trạm” thân thiết của nhiều gia đình từ miền Bắc vào tìm mộ liệt sĩ.
Bài và ảnh: Nguyễn Đình Phượng