Chúng tôi tìm hiểu và may mắn được gặp cụ Mai Sơn Giảng ở xã Phú Lạc, du kích quân duy nhất còn sống trong trận đánh Chủ Chè năm ấy. Cụ Giảng năm nay đã 90 tuổi với 72 năm tuổi Đảng nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Ngày 15-2-1949, Pháp mở cuộc hành quân mang tên Di-an (bà chúa Thượng Ngàn) chiếm vùng tây nam Phú Thọ. Mục đích là xây dựng căn cứ lâu dài, chiếm đóng các khu vực trọng điểm, chặn đường liên lạc, tiếp tế cho Liên khu 10 và chụp bắt cơ quan chỉ huy của ta, ngăn không cho bộ đội ta tiến lên Tây Bắc. Chủ Chè là một địa điểm đặc biệt quan trọng, có giá trị về mặt chiến thuật, nằm trên đường 24. Xây dựng được căn cứ Chủ Chè, địch có thể kiểm soát được toàn bộ hành lang phía tây nam của tỉnh Phú Thọ. Bước đầu, chúng cho máy bay thả 500 quân dù xuống Đồn Vàng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Mặt khác, từ hướng Sơn Tây, chúng điều lực lượng hơn 1.000 quân, vượt sông Đà tiến lên Hạ Nậu, xã Hương Nộn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) rồi trở vào Đồn Vàng. Chúng cho quân chiếm đóng Hưng Hóa, Dị Nậu, Cổ Tiết (Tam Nông) rồi từ đó mở các cuộc càn quét vào các xã dọc đường 24 và 15 thuộc các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê (Phú Thọ).

leftcenterrightdel
Cụ Mai Sơn Giảng từng là du kích quân tham gia trận đánh Chủ Chè. Ảnh: HÀ THIỆN

Ngày 4-3-1949, thực hiện chiến thuật hai gọng kìm, địch điều hai tiểu đoàn lính bộ hơn 600 quân, có trang bị vũ khí tối tân, càn quét lên Chủ Chè. Được phi cơ yểm trợ, tiểu đoàn thứ nhất của địch đã chiếm được 8 vị trí: Chủ Chè, Chương Xá, Văn Khúc, Hiền Đa, Cát Trù, Rừng Rà, Điêu Lương, Phong Vực. Ở Chủ Chè, chúng xây dựng một trại lính lên đến hàng trăm tên. Tại đây, chúng gây ra rất nhiều tội ác, giết hại hàng trăm dân thường, nhiều gia súc, gia cầm, hoa màu bị cướp phá, hơn 400 nóc nhà bị đốt cháy hoặc bị dỡ làm cầu phao sông Bứa, xây dựng trại lính.

Trước tình hình đó, Huyện ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo chi bộ và chính quyền các xã thuộc vùng địch tràn qua tổ chức lực lượng du kích bám sát địch để chiến đấu và cho nhân dân sơ tán. Quyết không để cho địch thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài, cấp trên đã chủ trương phải tấn công địch và phải thắng lợi lớn. Vì vậy, khi vừa đến Chủ Chè, chưa kịp ổn định lực lượng thì chúng bị dân quân du kích các xã Thanh Lâm, Tình Cương cùng với đại đội độc lập (C663), bộ đội địa phương vây đánh. Lúc này, chàng thanh niên mới 19 tuổi Mai Sơn Giảng cùng với lực lượng du kích xã Thanh Lâm tổ chức gài mìn, cắm chông ở những địa điểm quan trọng nhằm chặn các đường tiến quân và đường rút lui của địch.

Ngày 9-3-1949, bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 510 và quân chính quy Liên khu 10 cùng lực lượng dân quân du kích địa phương đồng loạt tấn công địch trên khắp huyện Cẩm Khê và các vùng lân cận. Tại căn cứ Chủ Chè, địch bị tấn công bất ngờ, tổ chức kháng cự và tháo chạy. Ngay lập tức, chúng vấp phải các ổ phục kích của ta. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, quân ta đã tiêu diệt 132 tên, thu hơn 300 khẩu súng, nhiều lựu đạn và máy thông tin. Mai Sơn Giảng cùng các chiến sĩ dân quân du kích xã Thanh Lâm vừa dũng cảm chiến đấu, vừa tổ chức đưa thương binh về tuyến sau.

Bị thất bại nặng nề ở Chủ Chè, quân Pháp không dám mở rộng phạm vi càn quét. Rạng sáng 10-3-1949, chúng vội vã rút khỏi Chủ Chè bằng hai đường. Thứ nhất, chúng theo đường 24 về Tam Nông, sau đó rút sang phía tả ngạn sông Thao, qua thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao về xã Hưng Hóa (huyện Tam Nông). Đường thứ hai có hơn 100 tên rút theo đường Chương Xá (huyện Cẩm Khê). Khi vào đến các làng kháng chiến, chúng lại vấp phải trận địa mìn của du kích gài sẵn, hàng chục tên lính thiệt mạng và bị thương.

Chiến thắng Chủ Chè đã chặn đứng chiến thuật hai gọng kìm, bẻ gãy ý đồ, chấm dứt cuộc hành quân càn quét của thực dân Pháp. Đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng du kích trên địa bàn huyện Cẩm Khê về nghệ thuật tác chiến và sự phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực.

Ngay sau khi địch rút, nhân dân các xã trên địa bàn huyện Cẩm Khê từ các nơi sơ tán về làng, giúp nhau sửa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống và tích cực chi viện cho chiến trường Tây Bắc. Sau chiến thắng Chủ Chè, Mai Sơn Giảng xung phong vào bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; năm 1956, về làm Bí thư xã đoàn Thanh Lâm. Năm 1979, cụ được nghỉ hưu và hiện nay vui hưởng tuổi già bên con cháu tại xã Phú Lạc.

HÀ THIỆN HÙNG