Ở tuổi 80, “cô Thị Nở” ngày nào vẫn cho thấy xuân sắc một thời trong dáng vóc mạnh khỏe, trí nhớ minh mẫn và phong thái ung dung, tự tại... Bà không nhắc nhiều về vai diễn đã làm nên tên tuổi mà say sưa kể với tôi về cái thuở lên 10 đã theo chân các chú bộ đội đi đánh Pháp, rồi những ngày làm cô văn công đem lời ca, điệu múa làm say lòng biết bao chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh những năm chống Mỹ...
NSƯT Đức Lưu (tên thật là Nguyễn Thị Đức Lưu) kể rằng, vai diễn Thị Nở đã đưa tên tuổi bà vụt sáng, có thể gọi là “ngôi sao” vào những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, người ta đã thắc mắc, sao bà có thể vào vai một cô gái nông dân lỡ thì dở dở ương ương “ngọt” đến thế? Có nhà báo Nhật đến phỏng vấn còn đề nghị bà diễn lại đoạn sàng gạo vì nghĩ chắc bà đã sử dụng “đóng thế”! Rồi nghệ sĩ cười hiền: “Do người ta chưa biết đấy thôi, chứ 10 tuổi tôi đã biết làm ruộng, gánh nước, nhặt rau, phụ mẹ bán hàng rồi thì làm sao không quen việc của nhà nông cho được!”.
    |
 |
Nghệ sĩ Ưu tú Đức Lưu tại nhà riêng. Ảnh KHÁNH AN. |
Nói rồi bà run run cầm tấm ảnh đen trắng được treo trang trọng trong tủ kính ra khoe với khách. Trong đó là hình ảnh mấy anh em bà đang đứng cùng bố mẹ trước quán “Thắng Lợi” - cái quán tranh tre mẹ bà dựng tạm để bán nước vối, thuốc lào, vài thanh kẹo lạc, kẹo dồi... hồi về vùng Nho Quan, Ninh Bình tản cư đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Cái quán đơn sơ dựng tạm bợ ấy hằng ngày là nơi dừng chân của bộ đội trên đường hành quân qua. Nhìn theo các chú, cô bé Đức Lưu bỗng khao khát một ngày được theo chân các chú ra trận. Và cơ may đã đến, một ngày, Đức Lưu gặp lại người cậu giờ đã là một chú bộ đội oai vệ trong đoàn quân ra trận. Lưu nói với cậu muốn xin đi bộ đội, cậu hỏi lại ngay, có chịu được gian khổ không mà đòi đi? Lưu gật đầu cái rụp.
Vậy mà không đầy một tuần sau, người cậu được về phép thăm gia đình (ở nơi tản cư) và thông báo cho Lưu quyết định được đi theo các chú bộ đội vào Trung đoàn Công binh 151 (nay là Lữ đoàn Công binh 229). Lưu mừng rỡ mang khăn gói đi theo cậu ngay. Ở Điện Biên, khi nấu cơm, khi bón cháo cho các chú thương binh, khi lại véo von ca hát giữa rừng già..., “con chim sơn ca” Đức Lưu đã góp phần xua tan bao đau đớn cho những thương binh, bệnh binh vừa bỏ lại một phần cơ thể sau trận đánh.
Hòa bình lập lại, cô “bộ đội nhí” Đức Lưu cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô, vô cùng hãnh diện trước ánh mắt chào đón vừa ngạc nhiên, vừa cảm phục của đồng bào ở hai bên đường. Một thời gian sau, Đức Lưu được cử đi học lớp đạo diễn-diễn viên khóa I tại số 7 Trần Phú (1959-1962). Ngay từ năm thứ nhất, diễn viên Đức Lưu đã ghi dấu ấn với vai diễn trong phim “Cô gái công trường”, và sau này là vai diễn Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất với nghệ sĩ Đức Lưu chính là những ngày đi dọc tuyến đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đem lời ca, tiếng hát phục vụ bộ đội những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
“Ngày ấy, chồng thì đang học tập ở Cộng hòa dân chủ Đức, con trai mới khoảng 2-3 tuổi, tôi gửi ông bà ngoại và xung phong vào văn công theo Đoàn 559 đi phục vụ chiến trường, khi về thì con đã quên hơi mẹ nên chẳng theo”-NSƯT Đức Lưu xúc động kể-“Chúng tôi đi thành một đội, khoảng 20 người, có giao liên dẫn đường, cứ đến trạm nghỉ là anh em văn công dừng lại chặt cây rừng dựng sân khấu biểu diễn. Một ngày có thể diễn đến 5-7 ca, không kể thời gian, cũng không biết đến mệt mỏi. Trên sân khấu, anh chị em có thể diễn rất nhiều vai, vừa thổi sáo, vừa đánh đàn, vừa ngâm thơ, hát, múa, đóng kịch..., còn ở dưới là hàng nghìn “lá cây rừng” (lá ngụy trang trên ba lô bộ đội-NV) rùng rùng cổ vũ đoàn”...
Những năm tháng ấy đã tôi luyện ý chí sẵn sàng vượt mọi thử thách để làm tròn sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ. Đến hôm nay, khi đã an hưởng tuổi già, NSƯT Đức Lưu vẫn mong muốn mang một chút ít sức lực nhỏ bé đem yêu thương dệt cho đời. Hằng tháng, bà lại cùng những người bạn vong niên: Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Lê Đình Hà, bác sĩ Đàm Ngọc Ánh... - những bác sĩ từ thiện trong Trung tâm Nhân đạo Trường Sơn, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tự tổ chức các chuyến đi về các làng quê khó khăn, hẻo lánh chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo...
PHẠM THU THỦY