QĐND-Trung tướng Lê Quang Đạo không chỉ nổi danh khi đảm nhiệm các trọng trách trong 28 năm quân ngũ mà còn để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, những câu chuyện về ông trong giai đoạn ấy vẫn còn ít người biết đến…
Tư duy đổi mới ở nghị trường
Trung tướng Lê Quang Đạo giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992), nhiệm kỳ đầu tiên của công cuộc đổi mới đất nước. Có một chuyện cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến, đó là việc điều hành của Chủ tịch Lê Quang Đạo khi Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Phạm Hùng vừa qua đời vào tháng 3-1988. Trong cuốn “Người lữ hành lặng lẽ”, nhà văn Hữu Mai có kể lại: Theo dự kiến, Bộ Chính trị đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng một đoàn đại biểu ở phía Nam đã giới thiệu thêm một ứng cử viên thứ hai, cũng là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Một số đại biểu cho rằng, không nên làm trái với thông lệ và nên nhất trí với đề nghị của Bộ Chính trị. Cuộc trao đổi về ứng cử viên diễn ra sôi nổi, có nhiều người phát biểu tán thành đề nghị của Bộ Chính trị, nhưng số đoàn giới thiệu ứng cử viên thứ hai cũng tăng lên. Là người chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch Lê Quang Đạo ở vào một tình thế cực kỳ tế nhị. Ông nói với các đoàn đại biểu trong buổi thảo luận đề cử:
- Chúng tôi xin ghi nhận có hai đồng chí được giới thiệu.
Sau đó, ông gặp riêng hai người được đề cử và xin gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Tổng bí thư hỏi:
- Ý kiến anh thấy nên thế nào?
- Đảng vừa có chủ trương đổi mới toàn diện, trường hợp này nằm trong quyền hạn của Quốc hội, tôi thấy nên để Quốc hội lựa chọn giữa hai ứng cử viên bằng lá phiếu.
- Tôi cũng thấy có lẽ nên như vậy. Ta không có lý do gì bác bỏ đề nghị của đa số các đoàn…
Khi hai ứng cử viên đều được giới thiệu, một không khí phấn khởi bao trùm lên Hội trường Ba Đình trong quá trình bỏ phiếu. Kết quả, đồng chí Đỗ Mười trúng cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và mọi người đều nhận thấy đã có một sự thay đổi rất cơ bản: Sự đổi mới theo chiều hướng dân chủ.
 |
Trung tướng Lê Quang Đạo. Ảnh tư liệu.
|
Để phát huy dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Lê Quang Đạo còn có nhiều sáng kiến từ những chuyện cụ thể nhất. Theo nhà văn Hữu Mai, một lần Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão than phiền về cách thức lấy biểu quyết khi thông qua các điều luật ở hội trường. Đó là mọi người vẫn thường tiến hành theo cách giơ tay và đếm số người biểu quyết, cách này vừa không giữ được bí mật khi cần, lại mất nhiều thời gian và không đảm bảo chính xác. Có trường hợp người lấy biểu quyết thấy hầu hết đại biểu giơ tay tán thành, ngại việc đếm mất thời gian nên đề nghị những ai không tán thành thì giơ tay. Người ta lấy tổng số tham gia biểu quyết trừ số người không tán thành để có tỷ lệ người tán thành. Làm theo cách này, trường hợp những người không biểu quyết cũng được coi như tán thành!
Chủ tịch Lê Quang Đạo nhận xét:
- Đây không phải là vấn đề nhỏ. Nó liên quan tới thái độ nghiêm túc của Quốc hội đối với vấn đề lập pháp.
Rồi ông hỏi:
- Sao ta không sử dụng biểu quyết bằng điện tử?
- Như vậy lại phải chi một số tiền.
- Có thể nhờ Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng làm giúp, ta chỉ trả tiền nguyên vật liệu.
Vậy là chỉ một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ của Tổng cục Kỹ thuật, Quốc hội đã có một hệ thống biểu quyết bằng điện tử vận hành nhanh gọn, chính xác và chỉ phải chi trên ba chục triệu đồng.
Tránh “cây kiểng” và coi trọng phản biện
Trên giường bệnh, khi được hỏi về người kế nhiệm mình giữ cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã giới thiệu ông Lê Quang Đạo và khẳng định: “Hiện giờ, không có lựa chọn nào tốt hơn. Anh Đạo rất xứng đáng”. Và quả nhiên khi đảm nhiệm cương vị này trong 5 năm cuối cùng của cuộc đời mình, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã hoàn thành xuất sắc, tiếp nối được truyền thống đại đoàn kết từ những tên tuổi lớn trước đó.
 |
Chủ tịch Lê Quang Đạo (trái) và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. |
Nhà văn Nguyệt Tú - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, phu nhân của Chủ tịch Lê Quang Đạo - cho biết, ông luôn tâm huyết, trăn trở để nâng cao vai trò của Mặt trận, thực sự là nơi thu hút, tập hợp mọi người đồng lòng thực hiện mục tiêu chung của Tổ quốc. Ông nhấn mạnh sự thực chất, tránh hình thức, “cây kiểng” trong hoạt động của Mặt trận. Ngay từ đầu, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã chủ động nêu những vấn đề mới:
- Cần phải xem xét kỹ hơn mục tiêu của Mặt trận. Nếu Việt kiều yêu nước bằng hành động hướng về Tổ quốc mà không tán thành chủ nghĩa xã hội thì có đưa họ vào Mặt trận không?
- Có những trường hợp không nói là yêu nước, nhưng làm những công việc nhằm mục đích từ thiện thì Mặt trận có đoàn kết với họ không?
- Trước kia chất liệu gắn bó những thành viên trong Mặt trận là chiến đấu đánh đổ đế quốc, phong kiến, ngày nay là vấn đề dân sinh, dân chủ. Ta đưa dân chủ lên trước hay dân sinh lên trước?…
Đồng chí Lê Quang Đạo cho rằng, nếu Mặt trận chỉ gồm lao động chân tay và lao động trí óc tán thành chủ nghĩa xã hội thì đó chính là Đảng chứ không còn là Mặt trận. Mặt trận cần phải tập hợp được tối đa những người có thể tập hợp để xây dựng đất nước. Theo ông, mọi người Việt Nam góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, khủng hoảng đều xứng đáng đứng trong Mặt trận. Giữa dân chủ và dân sinh, ông thấy nên đưa dân chủ lên trước; có giải quyết được vấn đề dân chủ, nhất là dân chủ trong phát triển kinh tế, thì mới giải quyết được đói cơm!
Là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Mặt trận, ông đã dốc sức cùng tập thể đề xuất, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Giúp Bộ Chính trị xây dựng Nghị quyết 07 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Luật Quốc tịch và Luật Mặt trận - những văn bản mang tính định hướng, đặt cơ sở cho sự tiếp tục mở rộng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Riêng chuyện tham gia xây dựng “Luật Quốc tịch”, Chủ tịch Lê Quang Đạo cũng nhạy cảm và xử sự rất linh hoạt. Ông Trần Văn Đăng, nguyên Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhớ lại: “Quốc hội họp để thông qua “Luật Quốc tịch”, do có nhiều khuynh hướng “cứng” quá nên chúng tôi thường trao đổi thêm với nhau ngoài thời gian họp ở hội trường. Trong Quốc hội có ý kiến muốn xóa quốc tịch của kiều bào ta nếu như hai năm không đăng ký lại. Nhưng vấn đề thực tiễn thì lại phức tạp. Kiều bào ta có hơn hai triệu người, định cư chủ yếu (60-70%) ở các nước như Mỹ, Pháp, Ca-na-đa,… đó là những nước không đặt vấn đề một quốc tịch. Nếu chúng ta quá khắt khe thì sẽ gây một chấn động lớn cho kiều bào, điều này rõ ràng là bất lợi. Anh Đạo nhận thức rất rõ. Anh bàn với tôi rồi đề nghị với Hội đồng tư vấn, nơi nhiều đồng chí có kinh nghiệm, nắm được tình hình, xem xét. Anh lại ra phát biểu trước Quốc hội, đề xuất những ý kiến của Mặt trận. Anh phát biểu thấu tình, đạt lý nên Quốc hội bắt đầu có khuynh hướng mới, xin dừng lại để Ban soạn thảo về chuẩn bị thêm. Quả nhiên, Luật Quốc tịch sau khi thông qua đã được nhân dân trong nước và kiều bào ta đón nhận hết sức phấn khởi. Kiều bào ta viết thư về bày tỏ sự hoan nghênh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quan tâm đến quyền lợi cơ bản, góp phần làm cho kiều bào yên tâm vì Đảng và Nhà nước ta vẫn coi kiều bào là bộ phận không thể tách rời, tôn trọng quyền tự do, tự nguyện, để những tấm lòng vẫn hướng về Tổ quốc, gắn bó với đất nước”.
Chủ tịch Lê Quang Đạo cũng rất coi trọng vai trò của phản biện trong hoạt động của Mặt trận. Ông cho rằng, nước ta có một Đảng duy nhất lãnh đạo nên Mặt trận phải là nơi thu thập nhiều luồng ý kiến của dư luận, kể cả trái chiều để góp ý, đề xuất với Đảng. Khi biết Giáo sư Trần Văn Hà - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận - có đề tài nghiên cứu: “Khủng hoảng lối ra và điều kiện cất cánh của Việt Nam theo lý thuyết tình huống và phương pháp xử lý tình huống - hành động”, ông đã đến tận nhà riêng để nghe và trao đổi. Ông lắng nghe chăm chú và hỏi Giáo sư Trần Văn Hà:
- Anh căn cứ vào đâu để đưa ra kết luận là uy tín lãnh đạo của Đảng bị giảm?
- Tôi căn cứ vào những tình huống có thật đã được kiểm tra.
Giáo sư Hà nêu tình huống làm sút giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, có việc liên quan đến trách nhiệm của chính Chủ tịch Lê Quang Đạo thời ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Lê Quang Đạo lắng nghe, ghi chép cẩn thận và không hề tỏ thái độ phản ứng. Trước khi kết thúc cuộc trao đổi, ông Hà đề nghị những người cùng nghe cho ý kiến phê bình công trình nghiên cứu của mình. Chủ tịch Lê Quang Đạo suy nghĩ, nói:
- Tôi thấy anh xuất phát từ nhiều loại tình huống có thật và cụ thể, phân tích, tổng hợp rồi rút ra những kết luận, đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp. Cách làm như vậy là khoa học. Anh đã làm được một việc có ích… Anh có thể cho chúng tôi mượn bản sơ đồ này và sao chụp lại không?
- Được quá! Tôi là người ngoài Đảng, khi làm công trình này chỉ mong nó đến được với các anh…
Chủ tịch Lê Quang Đạo đã làm việc và cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng. Những ngày cuối cùng ở bệnh viện, nhiều lúc phải thở bằng ô-xy, ông vẫn không ngừng hỏi về công việc, vẫn nghe và duyệt báo cáo. Đầu giường bệnh của ông, cuốn sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên, vẫn đang mở…
Trần Hoàng