Ông Vũ Văn Sô (sinh năm 1942) là cán bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 8-1975, ông được điều ra Bắc làm cán bộ quản lý trại giam ở huyện Văn Chấn (Yên Bái). Sau đó, cấp trên cho đi học nghiệp vụ tại Trường Trung cấp Cảnh sát. Năm 1978, ông Sô ra trường, làm kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 2. Là người có năng lực, chuyên môn vững, ông được cử vào đoàn công tác làm án rút gọn ở vùng biên.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Văn Sô kể chuyện tham gia phá án ở vùng biên.

Năm 1992, ông Vũ Văn Sô là Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 2 đã trực tiếp tham gia một chuyên án lớn. Ông Sô nhớ lại: “Khi ấy, tôi đang đi công tác thì nhận được điện gấp của cấp trên báo có vụ án nghiêm trọng xảy ra. Bộ CHQS tỉnh Sơn La mất 16 khẩu súng K54. Đây là vụ án lớn, do vậy quân khu quyết định thành lập Ban chuyên án bao gồm lực lượng của quân đội và công an do tôi làm trưởng ban. Ban chuyên án khẩn trương họp và phân công nhiệm vụ cho các lực lượng. Tôi đã trực tiếp lên Sơn La nắm tình hình chỉ đạo các bộ phận tiến hành theo kế hoạch đã phân công”.

Lực lượng chức năng đã tổ chức phong tỏa kho niêm cất vũ khí và truy vấn những người có liên quan. Qua tường trình của thủ kho, người canh gác, cán bộ đơn vị, cơ quan chức năng không phát hiện được thông tin nào khả nghi. Ban chuyên án quyết định vừa khoanh vùng đối tượng vừa mở rộng điều tra; cử một lực lượng theo Quốc lộ 6 về Hà Nội nắm địa bàn xung quanh khu vực nhà khách tỉnh Sơn La (ở quận Thanh Xuân). Một bộ phận khác điều tra khu vực thị xã Sơn La, vùng biên giới Việt-Lào và những địa bàn nóng bỏng về vũ khí. Quá trình điều tra hết sức vất vả do không nắm được manh mối, địa bàn điều tra rộng. Đặc biệt, số lượng vũ khí quân sự mất mát lớn, nếu kẻ gian sử dụng vào mục đích xấu sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Chính vì tính chất nguy hiểm của vụ việc nên Ban chuyên án đã quyết tâm bất kể ngày đêm phải tìm ra bằng được số vũ khí đã mất.

Trên hướng điều tra ở Hà Nội, lực lượng của ta mặc thường phục đóng giả là dân “xã hội đen” tìm mua vũ khí. Qua móc nối các mối quan hệ, một thanh niên đã nhận lời bán súng ngắn với giá 5 triệu đồng/khẩu. Khi đó, lực lượng của ta nói còn bao nhiêu súng sẽ mua hết để trang bị cho băng nhóm làm ăn lớn. Sau khi thỏa thuận, thanh niên trên đã đưa nhóm điều tra về phòng trọ, mang ra 14 khẩu K54 giấu trong chiếc ba lô cũ. Ngay tức khắc, lực lượng của ta bắt ngay đối tượng đang tàng trữ vũ khí quân sự trái phép. “Qua lấy lời khai sơ bộ, công an đã xác minh được nhân thân của đối tượng. Lợi dụng lúc trời mưa to, đối tượng đã vượt tường dỡ mái ngói nhà kho để lấy cắp súng tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La. Khi hỏi về một khẩu súng còn lại, tên này khai đã đưa em trai giữ tại nhà riêng để rao bán ở Sơn La. Nhận được tin báo về, tôi đã cử ngay lực lượng ập vào nhà đối tượng đọc lệnh khám xét và thu được một khẩu súng”-ông Sô kể lại.

Đang trong thời gian chờ xét xử, hai đối tượng bị tạm giam tại trại giam Sơn La. Vào một buổi tối ngày nghỉ, có một cô gái gõ cửa xin vào gặp ông Sô. Cô gái khóc lóc trình bày là người yêu của cậu em, mong ông thương tình hai anh em là người dân tộc thiểu số nên thiếu hiểu biết về pháp luật, lại có bố đã 85 tuổi sắp mất nên xin về ăn tết và động viên bố. Vừa nói, cô gái vừa đặt một cục tiền lớn lên bàn biếu ông. Thấy vậy ông Sô quát lớn: “Cô cất ngay tiền đi, nếu không tôi sẽ gọi cơ quan chức năng vào lập biên bản”. Sau đó, ông Sô giải thích về quy định trong thời gian tạm giam và khuyên cô gái trở về nhà, còn mọi quyết định phải chờ phiên họp của viện kiểm sát quân sự với cơ quan điều tra và tòa án khu vực. Kết thúc xét xử, tòa tuyên người anh 8 năm tù, còn người em cho hưởng án treo.

Là người theo dõi toàn bộ vụ án, ông Sô luôn tâm niệm rằng: Trong công việc phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết đoán. Đặc biệt, phải luôn giữ được sự liêm chính, không vì tình riêng, lợi ích vật chất mà dẫn đến xử lý sai, vi phạm pháp luật. Chính từ những lần phá án thành công như vậy đã giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác.

Bài và ảnh: VŨ DUY